Mới đây, Tập đoàn FLC vừa gây bất ngờ khi ra quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines).
Hãng hàng không Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, vừa đủ để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ vận chuyển hàng không nội địa.
Tuy nhiên, hành trình để có thể thực sự bay chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Viet Bamboo Airlines hiện nay vẫn còn chưa được thành lập.
Phía Tập đoàn FLC cho biết, FLC đang giao Tổng giám đốc Lê Thành Vinh chủ trì việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý và tiến hành các thủ tục có liên quan để đăng ký thành lập Tre Việt theo quy định của pháp luật. Như vậy, Hãng hàng không Tre Việt mới chỉ tồn tại trên nghị quyết của Tập đoàn FLC.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, Cục vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức nào từ phía FLC. Vị này cho biết thêm, việc thành lập hãng hàng không là quyền tự do kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, luật pháp không cấm. Điều đó có nghĩa, về lý thuyết, hãng hàng không mới của FLC hoàn toàn có cơ hội được bay nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thực tế hiện nay, FLC sẽ phải xếp hàng cùng với một loạt hãng hàng không khác và việc chờ đợi này có thể sẽ rất lâu.
Vietstar Airlines, hãng hàng không có vốn điều lệ 800 tỷ đồng đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Trong lần xin cấp phép gần nhất, Vietstar Airlines bị từ chối do phải chờ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, danh sách xếp hàng chờ cấp phép còn có hãng hàng không giá rẻ Air Asia sau khi bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh và SkyViet (tái cơ cấu từ VASCO).
Việc FLC lấn sân vào lĩnh vực hàng không diễn ra trong bối cảnh thị trường mới chỉ có 4 cái tên gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Mặc dù số hãng hàng không chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng hạ tầng hiện nay đã quá tải. Sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng đông đúc, khiến các máy bay phải chờ đợi để được cất cánh, hạ cánh, gây ra tình trạng thường xuyên chậm chuyến.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung
1. Người đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin trong hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính văn bản xác nhận vốn;
c) Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp;
d) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 Nghị định này;
đ) Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay;
e) Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam phải có văn bản trả lời người đề nghị và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không chấp thuận kết quả thẩm định thì có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam và nêu rõ lý do.
5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải đăng tải trên báo 03 số liên tiếp các nội dung của giấy phép.
(Điều 10 - Nghị định 92/2016/NĐ-CP)