Đế chế thép doanh thu 20.000 tỷ/năm Thái Hưng: 3 đời làm thép đều do 2 người phụ nữ 'nắm quyền'

Huyền Trang |

Từ một cửa hàng kim khí nhỏ ở Thái Nguyên, Thái Hưng hiện sở hữu 56,5% vốn tại Công ty TNHH Natsteelvina, là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại CTCP Gang thép Thái Nguyên và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác.

Đế chế thép doanh thu 20.000 tỷ/năm Thái Hưng: 3 đời làm thép đều do 2 người phụ nữ nắm quyền - Ảnh 1.

Doanh thu bình quân 20.000 tỷ/năm, thực hiện ngân sách xã hội bình quân khoảng 400 tỷ/năm, "đế chế" thép Thái Hưng (CTCP Thương mại Thái Hưng) hiện thuộc Top 5 doanh nghiệp thương mại thép lớn nhất Việt Nam và do một người phụ nữ làm thuyền trưởng, đó là bà Nguyễn Thị Vinh – CEO của Thái Hưng.

Theo giới thiệu trên website, sản lượng tiêu thụ thép bình quân của Thái Hưng hàng năm chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam. Công ty quy mô lớn có bắt nguồn từ một cửa hàng kim khí nhỏ tại tỉnh Thái Nguyên. Đáng nói hơn, quá trình phát triển của Thái Hưng gắn liền với hai người phụ nữ là mẹ con bà Nguyễn Thị Cải và Nguyễn Thị Vinh.

CTCP Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập năm 1993 tại tỉnh Thái Nguyên. Gọi là doanh nghiệp tư nhân, nhưng ban đầu Thái Hưng chỉ là một cửa hàng dịch vụ kim khí nhỏ lẻ do vợ chồng bà Nguyễn Thị Cải, ông Nguyễn Quốc Thái thành lập. Nhân lực khi đó chủ yếu gồm 9 con người, ngoài hai ông bà có con gái, con rể; vốn chỉ vỏn vẹn 82 triệu đồng và một gian nhà 32m2.

Chịu khó vươn đi làm ăn xa, bán rẻ chịu lỗ đồng thời nắm bắt được những cơ hội đột phá trên thị trường, công ty của ông Thái – bà Cải dần dần chiếm lĩnh được thị phần, doanh thu cũng tăng trưởng phi mã. Đến năm 2003, doanh thu của Thái Hưng đã cán mốc 1.000 tỷ đồng, cửa hàng dịch vụ kim khí cũng đổi tên mới thành CTCP Thương mại Thái Hưng.

Những năm sau đó, Thái Hưng đã tập trung mở rộng quy mô doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành, mở các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, ….

Đến năm 2015, Thái Hưng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2015-2020, bà Nguyễn Thị Cải và ông Nguyễn Quốc Thái đã bàn giao lại hầu hết các vị trí lãnh đạo Công ty cho thế hệ F2. Kể từ đây, ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng, bà Nguyễn Thị Vinh đảm nhận chức danh Tổng Giám đốc.

Đế chế thép doanh thu 20.000 tỷ/năm Thái Hưng: 3 đời làm thép đều do 2 người phụ nữ nắm quyền - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Vinh (bên trái) cùng mẹ - bà Nguyễn Thị Cải (bên phải)

Tham dự Diễn đàn nữ doanh nhân mùa thu năm nay với chủ đề “Phát triển bền vững: Góc nhìn từ Văn hóa doanh nghiệp & Quản trị công ty”, bà Nguyễn Thị Vinh chia sẻ, đối với bà, bà Nguyễn Thị Cải vừa là người mẹ, vừa là người thầy vừa là người chủ và chính là người đã đặt nền móng cho văn hóa doanh nghiệp của Thái Hưng.

“Văn hoá của Thái Hưng gắn liền với văn hoá của người đứng đầu và người đứng đầu Thái Hưng cũng chính là nhà sáng lập – một người phụ nữ. Người phụ nữ đó lại truyền cho một người phụ nữ khác tiếp tục duy trì và phát huy giá trị văn hoá của doanh nghiệp.”

Theo bà Vinh, văn hoá là giá trị của doanh nghiệp, đặc biệt, với một doanh nghiệp gia đình như Thái Hưng, công ty đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp là văn hóa chia sẻ, văn hóa ngôi nhà chung. Đối với đối tác, Thái Hưng quan niệm đối tác không phải khách hàng mà là bạn hàng.

"Các cụ có câu giàu vì bạn, điều đó xuất phát từ văn hóa của người Việt, với Thái Hưng đó là trước khi là bạn hàng chúng ta là bạn tốt và người bạn tốt sẽ là khách hàng tốt." - Bà Vinh nói.

Mối quan hệ của Thái Hưng với bạn hàng là mối quan hệ win – win, cùng chiến thắng, cùng hiệu quả, cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận và điều đấy luôn xuyên suốt. Chính vì vậy, hệ thống khách hành của Thái Hưng hiện tại đang có trên 3.000 đối tác trên toàn quốc và nước ngoài luôn luôn đồng hành cùng sự phát triển của công ty.

Còn đối với người lao động, Thái Hưng xây dựng một ngôi nhà chung cho cả cổ đông lẫn người lao động, với nhiều thế hệ cùng nhau tiếp nối.

Bà Vinh cho biết: “Trong 30 năm hình thành và phát triển, Thái Hưng có thế hệ thứ 3 đang làm việc, và người lao động cũng đã có thế hệ từ bà đến mẹ đến cháu đang làm việc cho Thái Hưng.”

Đế chế thép doanh thu 20.000 tỷ/năm Thái Hưng: 3 đời làm thép đều do 2 người phụ nữ nắm quyền - Ảnh 3.

Bà Vinh từng chia sẻ, mặc dù trên nền tảng đã được gây dựng, thừa hưởng truyền thống gia đình trong làm kinh doanh, nhưng khát vọng của thế hệ của bà, thế hệ F2 cũng khác với thế hệ trước. Bà luôn khát khao làm những điều mà thế hệ trước chưa làm được.

Dưới thời bà Vinh làm Tổng giám đốc, bà đã phát huy được những giá trị nền tảng của thế hệ đi trước vun đắp, tiếp tục mở mang, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều thành tựu ấn tượng, với nhiều ngành nghề, quy mô lớn hơn.

Thái Hưng đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại cổ phần của các công ty thép khác. Cụ thể, Thái Hưng từng sở hữu gần 48 triệu cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý, tương ứng 65% vốn điều lệ của công ty, sau đó đã bán ra hơn 33 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu về 20%.

Bên cạnh đó, hiện nay, Thái Hưng cũng sở hữu 56,5% vốn tại Công ty TNHH Natsteelvina và đang là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã CK: TIS).

Bên cạnh đó, năm 2018, Thái Hưng chính thức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với dự án Khu đô thị Crown Villas có tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Sau 1 năm triển khai Dự án, năm 2019, Thái Hưng chính thức đưa vào hoạt động Trường IRIS – Một trong những tiện ích nằm trong Khu đô thị Crown Villas. Trường IRIS tiên phong trong lĩnh vực giáo dục chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Thái Nguyên, bao gồm các cấp học: Mầm non, Tiểu học đến THPT.

Theo xếp hạng VNR500 năm 2022, Thái Hưng đứng thứ 45 trong danh sách doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại