Đề án trăm triệu đô 4192 và triển vọng châu lục của điền kinh Việt Nam

Mộc Miên |

Điền kinh Việt Nam đã chính thức soán ngôi Thái Lan ở SEA Games. Vậy đâu là con đường dẫn tới thành công và Việt Nam sẽ tận dụng nền tảng thành công này như thế nào để vươn tầm châu lục và thế giới?

Thành công từ nền tảng quá khứ…

Không vui sao được khi điền kinh - môn thể thao kinh điển của Olympic, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, giành ngôi hậu một cách thuyết phục ở đại hội thể thao khu vực, với tổng cộng 17 HCV, gần gấp đôi người Thái.

Nhưng ở môn tốc độ như điền kinh, thành quả không từ trên trời rơi xuống, mà nó xuất phát từ quá trình chuẩn bị nghiêm túc và đặc biệt là một nền móng vững chắc được… xây từ quá khứ.

Thật vậy, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, ở các kỳ SEA Gamesđiền kinh Việt Nam đã nổi lên là một thế lực rất đáng nể, vượt qua Indonesia và áp sát Thái Lan.

Ông Trịnh Đức Thanh - Trưởng bộ môn Điền kinh TP HCM cho biết: "Những SEA Games gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tích rất cao, có nhiều VĐV giỏi như Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, Trương Thanh Hằng... do đó đây là những tấm gương, những cột mốc để các VĐV kế cận phấn đấu bằng thành tích của lứa VĐV đi trước".

"Ngoài ra, thời gian sau này, các VĐV được cử đi tham dự các giải nước ngoài rất nhiều, điều này giúp cho VĐV tích lũy được kinh nghiệm thi đấu, tự tin rất nhiều nên ít bị tâm lý choáng ngợp như trước".

Đề án trăm triệu đô 4192 và triển vọng châu lục của điền kinh Việt Nam - Ảnh 1.

Điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan ở đấu trường SEA Games.

… cho tới khoa học thể thao hiện đại

Nhưng điền kinh không chỉ là khổ luyện, đam mê rồi chạy và chạy. Ở môn thể thao nữ hoàng này, muốn phát triển buộc người ta phải áp dụng khoa học và công nghệ - hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thể thao hiện.

Về vấn đề khoa học và công nghệ thể thao, trong quá khứ Việt Nam đã rất may mắn khi nhận được sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là những chuyên gia đến từ Đức.

Ông Trịnh Đức Thanh thổ lộ: "Chính phủ Đức có chương trình hỗ trợ cho điền kinh trong 04 năm. Bốn năm đó, họ thường xuyên cử các chuyên gia đầu ngành qua để giảng dạy cho HLV Việt Nam, như ông Gunter Lange, ông Uwer Freimuth, giúp HLV của Việt Nam tiếp cận với kiến thức của thể thao hiện đại. 

Từ đó, Việt Nam có một lứa huấn luyện viên giỏi như: Hồ Thị Từ Tâm, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Nam Nhân...".

Từ những kiến thức trên nền tảng giáo án dựa trên khoa học thể thao hiện đại học được, các HLV trẻ của Việt Nam đã áp dụng vào công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV nên đã cho ra một lứa thế hệ VĐV cũng rất tốt như hiện nay.

Đề án trăm triệu đô 4192 và triển vọng châu lục của điền kinh Việt Nam - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Lai giành HCV ở SEA Games 29, nội dung 5000m.

HLV Nguyễn Đình Minh – thầy cũ của Vũ Thị Hương tiết lộ: "Khoa học và công nghệ thể thao không ngừng thay đổi nên bản thân các HLV phải liên tục cập nhất nếu không muốn bị tụt hậu. Bản thân tôi hằng ngày vẫn liên hệ với các chuyên gia từ Đức và Mỹ qua điện thoại và mail để học hỏi họ".

Mặt khác, theo đánh gia của các chuyên gia, thành công của điền kinh Việt Nam còn nhờ sự phối hợp tốt giữa địa phương và Trung ương. Các đơn vị sẵn sàng cùng với Trung ương cử HLV, VĐV đi tập huấn quốc gia, đi thi đấu theo triệu tập của quốc gia..

Khi tổng cục vẫn còn đang cân nhắc…

Ai cũng hiểu, thành công đã khó, giữ được thành công lại càng khó hơn. Vậy vấn đề mà những người yêu điền kinh thời điểm này quan tâm là làm thế nào để duy trì thành công, phát triển hơn nữa trên nền tảng rất tốt hiện nay?

Ông Dương Đức Thủy - Trưởng Bộ môn điền kinh Việt Nam hồ hởi: "Bên cạnh những VĐV kỳ cựu, thảnh quả của điền kinh Việt Nam năm nay ở SEA Games còn có nhiều gương mặt trẻ. Đó sẽ là sự tiếp nối cho tương lai".

Ông Trịnh Đức Thanh - Trưởng Bộ môn điền kinh TP HCM thì cho rằng: "Từ nền tảng trong quá khứ, đáng mừng là chúng ta đang có một thế hệ trẻ tài năng như Lê Tú Chinh. Theo tôi, những VĐV tiêu biểu như Tú Chinh vẫn còn chưa bộc lộ hết tiềm năng của mình".

Dĩ nhiên, muốn đánh thức tiềm năng, phát triển hơn nữa cho những "nữ hoàng" như Lê Tú Chinh vươn tầm châu lục, thậm chí là… thế giới, thì chúng ta buộc phải đầu tư.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29-2017 cho biết: "Rất lâu rồi chúng ta mới có một VĐV điền kinh như Lê Tú Chinh. Chắc chắn VĐV này sẽ được đầu tư để cạnh tranh ở những đấu trường lớn như ASIAD và tranh vé Olympic. Tuy nhiên, sẽ tính toán đầu tư thế nào cho hợp lý".

Đề án trăm triệu đô 4192 và triển vọng châu lục của điền kinh Việt Nam - Ảnh 3.

Điền kinh Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc.

Thì TP HCM đã chơi lớn với đề án trăm triệu đô la

Trong khi Tổng cục TDTT còn đang cân nhắc hướng đầu tư hợp lý thì từ trước SEA Games 2017 khởi tranh ở Malaysia, TP HCM đã quyết định… chơi lớn. Cụ thể, Ủy ban Nhân dân TP HCM đã thông qua và ký đề án 4192, tức Chương trình đầu tư nguồn nhân lực trong 4 năm, từ 2017.

Kinh phí mỗi năm cho Chương trình đầu tư nguồn nhân lực lên tới 800 tỷ đồng, tương đương hơn 35 triệu USD như vậy trong 4 năm, đề án 4192 sẽ giải ngân đầu tư số tiền lên tới hơn 140 triệu USD.

Từ chương trình này, mỗi năm thể thao thành phố sẽ có kinh phí tìm kiếm và đặc biệt là đầu tư trọng điểm cho khoảng 200 VĐV và 150 HLV.

Ông Trịnh Đức Thanh cho biết thêm: "Quốc gia cũng đang tính đầu tư đặc biệt cho VĐV Lê Tú Chinh. Thành phố HCM cũng đã có chương trình đầu tư đặc biệt cho nhân tài trong các lĩnh vực Nghệ thuật và Thể dục Thể thao, nên sẽ đầu tư nhiều và không chỉ có Lê Tú Chinh, rất nhiều VĐV giỏi của thành phố cũng sẽ được đầu tư quyết liệt"

Nền tảng và nguồn nhân lực điền kinh Việt Nam đã có. Nguồn kinh phí lớn cho quá trình đào tạo và phát triển trọng điểm cũng đã xong, nên có thể nói, điền kinh Việt Nam sau khi giành ngôi hậu khu vực, đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ…  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại