ĐBQH nói vụ ông Vũ Huy Hoàng: "Về hưu cũng phải xử lý"

Hoàng Đan |

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm thì có trách nhiệm của Quốc hội khóa 13.

Về hưu cũng phải xử lý

Bên lề kỳ họp, ông Bùi Sĩ Lợi, Đại biểu Quốc hội khoá 14 đã có những trao đổi về những việc làm bước đầu của Chính phủ cũ, đồng thời, ông cũng cũng lưu ý trường hợp nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, khuyến cáo về cách thức giám sát hoạt động của Bộ trưởng, các ngành.

Nhìn lại Chính phủ cũ, với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương mà Tổng bí thư đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm, theo ông, Quốc hội khoá 14 phải có sự giám sát với các Bộ trưởng, hoạt động các bộ, ngành thế nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho đây là trách nhiệm của Quốc hội khoá 13. Suốt một thời kỳ dài, chúng ta giám sát, theo dõi, tại sao không phát hiện, nếu phát hiện được, xử lý ngay đi thì đã không xảy ra tình trạng như báo chí vừa nêu.

Nhưng phải có niềm tin thế này, quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân.

Tôi nghĩ đây là một bài học. Cả một nhiệm kỳ Quốc hội mà chúng ta đề ra một tư lệnh ngành mà chúng ta không giám sát, không theo dõi, không nhắc nhở, để xảy ra tình trạng đó, thì đó là một bài học cho Quốc hội khoá 14.

Vấn đề chức năng của Quốc hội là quyết định, làm luật nhưng giám sát là rất quan trọng. Nhà nước kiến tạo tạo thông thoáng nhưng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Không thể để tồn tại bé xé ra to. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt nhưng vấn đề tiêu cực từ lúc còn nhỏ thì giảm bớt hậu quả.

ĐBQH nói vụ ông Vũ Huy Hoàng: Về hưu cũng phải xử lý - Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Bộ Công thương.

PV: Với những dấu hiệu yếu kém trong điều hành, quản lý của ông Vũ Huy Hoàng trong nhiệm kỳ trước, ông thấy, nó đã ảnh hưởng thế nào đến vấn đề phát triển ngành?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực ra những vi phạm đó nó thuộc về vấn đề điều hành, không phải tác động đến những vấn đề phát triển của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng công tác cán bộ, nếu không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành.

Nhưng qua vụ ông Vũ Huy Hoàng, qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh có thể nói công tác giám sát các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất có vấn đề, nhất là liên quan đến nhân sự chủ chốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý kiến tôi rất quan tâm, đó là giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giảm thanh tra, kiểm tra nhưng giảm không có nghĩa là không thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra, kiểm tra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Không để trở thành áp lực mà là để tháo gỡ, chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật.

PV: Liên quan trực tiếp đến ông Vũ Huy Hoàng thì ông Trịnh Xuân Thanh, không phải là một cán bộ cấp thấp mà là một phó chủ tịch tỉnh thì rõ ràng quản lý cán bộ không chỉ là cấp tỉnh. Và sai sót cả quá trình dài như vậy lại để lọt qua ba vòng hiệp thương, để lọt vào đại biểu quốc hội. Vậy lỗ hổng trong công tác cán bộ như thế nào thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Quy trình cán bộ của ta là từ cơ sở. Mặt trận cũng từ cơ sở. Nếu ta mang lỗi này nói là của Hội đồng bầu cử quốc gia là không phải. Bởi vì Hội đồng này không phải là xét chỉ 500 người mà phải có 800 mới có 500.

Người ta không đủ điều kiện, không đủ khả năng để xem xét tất cả các trường hợp cụ thể. Mà ở cơ sở, khi anh giới thiệu ở cấp bộ, lấy ý kiến nơi cư trú, có ai nói không, không nói. Lấy ý kiến nơi công tác, có ai nói đâu.

Nhưng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở, trách nhiệm thế nào?. Chúng ta không nên nói lỗi này đẩy ngược lên mà trước hết phải xem về thẩm quyền, tại cơ sở người ta có đề cập sai phạm đó không.

Nếu đề cập, đưa lên cấp trên mà không xem xét thì đó mới là trách nhiệm của người cấp trên. Nếu người cấp trên đó vẫn cho là đúng, lại đẩy lên cấp trên nữa thì cấp trên đó cũng phải xem xét lại.

Cần xem lại việc khen thưởng anh hùng

PV: Trong ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của Ban thi đua khen thưởng nhưng trả lời báo chí, đại diện Ban nói khen thưởng anh hùng cho công ty của ông Thanh là hoàn toàn chính đáng. Cá nhân ông có bình luận gì về việc này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu nói như thế thì không chuẩn, tôi không nói là không đúng nhưng không chuẩn chỗ này: thi đua khen thưởng là để chúng ta lựa chọn những người tiêu biểu nhất, là tấm gương sáng để người ta nhìn vào thấy đơn vị đúng là anh hùng.

Công ty đó làm lỗ đến hơn 3200 tỷ mà chúng ta lại nói là hội đồng thi đua không xem xét không nghiên cứu thì đó cũng cũng có một cái lệ là vì chúng ta không có thông tin.

Nhưng cũng phải lật lại một vấn đề khi anh xem xét một đối tượng để khen thưởng thì anh phải làm việc với các cơ quan chức năng và phải đặt những câu hỏi như vậy.

Cái sai phạm đó, công ty này có chịu trách nhiệm không, bản thân ông chịu trách nhiệm không để kết luận. Nếu không làm được những việc đó thì hội đồng thi đua khen thưởng sai.

Còn nếu Hội đồng thi đua khen thưởng đã làm việc với cơ quan chức năng và được trả lời bằng văn bản rằng việc này không có vi phạm, là đơn vị này xứng đáng anh hùng thì ban thi đua khen thưởng không có vi phạm, nếu hội đồng thi đua khen thưởng không làm hết trách nhiệm của mình thì xem xét chặt chẽ, lật đi lật lại xem nó có xứng đáng hay không.

Không chỉ đơn thuần là một cái bằng khen, không phải là huân chương mà đây là anh hùng. Anh hùng thiêng liêng lắm, anh hùng sao phải đi giải quyết những vấn đề hậu quả như thế này thì các cơ quan phải nghiên cứu.

Trao đơn vị anh hùng cho công ty này cử tri có quyền đặt câu hỏi cho cả hệ thống chứ không phải là riêng ban thi đua khen thưởng.

Đến lúc tất cả các quy trình cần phải được xem lại

PV: Ông Trịnh Xuân Thanh là đã có sai phạm mang tính hệ thống, tại sao vẫn lọt qua được 3 vòng hiệp thương để đến khi có kết quả bầu và có số phiếu rất cao 100%, gần như là cao nhất ở địa phương?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Qua câu chuyện lộ ra nhiều câu chuyện khác, kể cả việc xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài.

Vấn đề là các báo cáo môi trường thì chúng ta thấy nổi lên một điều là cần xem lại những cái gọi là quy trình, vì quy trình thì co con người làm ra, xây dựng lên và do con người thông qua.

Nếu con người có trách nhiệm cao thì quy trình chưa chặt chẽ thì họ cũng đề nghị bổ sung cho chặt chẽ, còn nếu con người không tốt, quy trình dù rất chặt chẽ thì người ta cũng tìm cách để lách, hoặc bỏ qua vì lợi ích cá nhân thậm chí họ còn bỏ qua các sai phạm. Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc tất cả các quy trình cần phải được xem lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại