ĐBQH: "Khi bác Google, chú Facebook làm sai phải xử lý chứ không chỉ trách móc, vỗ vai"

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Tuấn, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG.

Chưa có kết luận thanh tra vụ Mobifone và AVG

Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vào sáng 17/11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã nêu 3 câu hỏi ngắn gọn về hoạt động liên quan đến công ty nhà nước Mobifone và AVG.

"Một, từ yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG? Hai, giá đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu?

Ba, từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua hay không?", ông Vân nêu.

ĐBQH: Khi bác Google, chú Facebook làm sai phải xử lý chứ không chỉ trách móc, vỗ vai - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Q.H.

Về vụ việc Mobifone mua AVG, chiều 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là vấn đề đang được thanh tra, khi nào có kết luận thanh tra thì mới có cơ sở trả lời.

Sau đó, giơ biển tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) một lần nữa yêu cầu sớm có thông tin về vụ việc Mobifone mua AVG vì cử tri rất quan tâm.

Trả lời ý kiến của ĐB Nghĩa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, sáng cùng ngày, ĐB Vân đã có câu hỏi chất vấn.

Theo Bộ trưởng, vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này từ tháng 9/2016 đến nay.

"Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để nhằm sớm có kết luận cuối cùng, đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật và bảo toàn giá trị doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định của một doanh nghiệp lớn trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa.

Thời gian thanh tra, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. Đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình theo quy định.

Cũng theo quy định của luật thanh tra, khi chưa có kết luận thanh tra chúng tôi cũng chưa có nội dung gì hơn để thông báo", Bộ trưởng nêu rõ.

Doanh thu cả trăm triệu USD mà không chịu đóng thuế

Cũng giơ biển xin tranh luận vào chiều 17/11, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đã cho rằng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nêu mấy câu mà ông cảm thấy "hoang mang" và sợ rằng một số người khác cũng như vậy thì sẽ không hay.

“Bộ trưởng nói mạng xã hội hiện nay đang áp đảo, vậy áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí cách mạng? Nếu quả thực như thế thì đúng là chủ quyền về mặt trận "4T" (thông tin truyền thông) này phải xem lại.

Bộ trưởng nói rằng "tôi có trách móc họ". Tôi nghĩ truyền hình trực tiếp thì nói như vậy là không ổn. Khi bác Google, chú Facebook mà làm sai, làm quá thì mình phải có biện pháp xử lý chứ không thể chỉ trách móc, vỗ vai.

Tôi nghĩ đây là mặt trận mà chúng ta phải hết sức chú ý, để giữ vững mặt trận tư tưởng rất quan trọng.

Thứ nữa, Bộ trưởng nói không thu thuế. Việt Nam không phải là mảnh đất hoang, không thu thuế gì cả. Đây là điều đề nghị bộ trưởng, đề nghị Quốc hội có biện pháp, có pháp luật để xử lý", ông Kim nêu.

ĐBQH: Khi bác Google, chú Facebook làm sai phải xử lý chứ không chỉ trách móc, vỗ vai - Ảnh 2.

ĐB Vũ Trọng Kim.

Trả lời ý kiến của đại biểu Kim, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, trong phần trả lời ý kiến của đại biểu Cao Thị Xuân về việc liệu có tình trạng thông tin trên mạng át thông tin báo chí không và giải pháp, ông đã nói rõ, nói như vậy không đúng.

"Bởi tốc độ truyền thông trên mạng xã hội là nhanh chóng, áp đảo nhưng đa số người dân tin tưởng vào sự trung thực của báo chí hơn là thông tin trên mạng xã hội", ông Tuấn nêu.

Trước đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, không riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp vấn đề báo chí bị mạng xã hội lấn lướt.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, Bộ trưởng thừa nhận mạng xã hội phát triển nhanh chóng nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp.

Bộ trưởng Tuấn nêu rõ phải tăng cường xử lý những cá nhân có phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Đồng thời, những người bị xâm hại phải lên tiếng còn Bộ TT và TT không thể rà roát 53 triệu người dùng mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng, trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp các thông tin vi phạm tùy theo mức độ sẽ áp dụng hình thức xử lý, thậm chí phối hợp với cơ quan công an.

Còn trường hợp không xác định được nhân thân của người sai phạm thì cơ quan quản lý sẽ gửi yêu cầu đến nhà cung cấp dịch vụ trong nước và cả nước ngoài, chủ yếu là trang Google và Facebook, yêu cầu phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin sai lệch như nói xấu, xuyên tạc…

Đồng thời, sẽ tổ chức hệ thống kỹ thuật ngăn chặn các thông tin xấu trên mạng.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, hiện nay giải pháp kỹ thuật là chưa cho tách riêng thông tin sai phạm trên Facebook, Google, Youtube để chặn mà chỉ có thể chặn toàn bộ website của họ.

"Nên trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải cân nhắc trước khi chặn triệt để sẽ gây phản ứng của các người sử dụng và nhà mạng", Bộ trưởng nói

Mặt khác theo ông Tuấn, trong khi người dân ngày càng sử dụng và lệ thuộc vào mạng xã hội, đồng thời, chúng ta cũng chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích trên Google, Facebook.

"Hiện nay Google có chính sách chia sẻ doanh thu quảng cáo cho những người quảng cáo đăng trên Youtube.

Chính vì vậy, một số phần tử chống đối đã lợi dụng việc này để chiêu dụng một bộ phận người dân nên vừa rồi Bộ Công an đã xử lý một số trường hợp.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn dòng tiền thu từ quảng bất hợp pháp này cũng không dễ dàng. Năm 2016 các nhà dịch vụ này thu được rất lớn khoảng 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào", Bộ trưởng nêu rõ.

Thời gian tới Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để có chính sách quản lý kinh doanh và thuế đối với các nhà mạng này.

"Không có lý do gì anh kinh doanh ở Việt Nam, doanh thu rất lớn mà lại không nộp thuế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam phát tán thư rác số 1 thế giới

Giái trình thêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dẫn hàng loạt số liệu để chỉ ra, an toàn thông tin Việt Nam đang ở mức trung bình yếu trên thế giới, đáng chú ý là ý thức và hành vi của người dân thì thuộc loại yếu nhất.

Tán phát thư rác từ Việt Nam là số 1 thế giới, đứng trên cả Mỹ và Trung Quốc. Tỉ lệ lây nhiễm qua các thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng là cao nhất thế giới. Hiện nay chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc. Đây là con số cao gấp nhiều lần so với trung bình của thế giới.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam có 67% người dùng internet, 60% số đó dùng mạng xã hội. Nhưng thị trường này ở Việt Nam 95% thị phần là của các công ty nước ngoài. Thư điện tử là Yahoo và Gmail. Thương mại điện tử 80% là của nước ngoài. Cái mà chúng ta còn giữ được là trò chơi điện tử với thị phần là 60%.

Riêng trên thị trường quảng cáo, Phó thủ tướng cho biết, thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook và Youtube đã chiếm 80%, doanh thu của hai công ty này là 350 triệu USD.

"Vì vậy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Các nước đều làm cả, như ở Trung Quốc có mạng xã hội của họ.

Người ta làm đương nhiên có công cụ pháp luật và đương nhiên là có các nhà cung cấp dịch vụ khác. Người ta cũng có các biện pháp kỹ thuật như chặn, lọc và làm chậm lại khi cần thiết", Phó Thủ tướng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại