ĐB Trương Trọng Nghĩa: Để chống tham nhũng, phải kiểm tra tài sản chặt chẽ từ trên xuống

Hoàng Đan |

"Việc kiểm tra giám sát tài sản thì những người tham nhũng không chờ đợi nhưng người trong sạch, đàng hoàng thì không ngại ngần và rất mong làm mạnh", ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ngày 23/5, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này.

Với các đối tượng khác, giao cho tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào quy định này để quy định với đối tượng thuộc diện cấp ủy mình quản lý bảo đảm việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản hiệu quả.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trong kiểm tra, kiểm soát tài sản thì việc đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu là hết sức quan trọng. Do đó, việc rà soát lại tài sản của cán bộ cao cấp là rất đúng đắn.

"Như cử tri, nhân dân và chính trong cán bộ, đảng viên đã nói nhiều lần là cứ làm từ trên xuống thì xã hội sẽ chuyển biến tích cực ngay", đại biểu Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, để chống tham nhũng, phải kiểm kê, kiểm tra tài sản, làm chặt chẽ từ trên xuống.

"Bây giờ anh có 1-2 cái nhà, vợ anh có tài sản 500 tỷ, con anh có tài sản 300 tỷ, tất cả những cái này từ đâu ra?

Trước hết phải kiểm tra vợ con đi, chưa kể nhiều người tham nhũng tẩu tán cho những người khác", ông nhấn mạnh.

Vị đại biểu Quốc hội TP HCM cũng cho hay, việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản này nếu cứ làm nghiêm túc sẽ có chuyển biến và trước hết phải làm trong nội bộ của Đảng.

"Tong nội bộ Đảng thì phải hết sức chặt chẽ, không nể nang gì cả, anh nào hợp pháp, anh nào không hợp pháp phải rõ ràng.

Lần này nhân dân và cử tri thấy sự kiên quyết của Đảng và chờ đợi nhiều. Tất nhiên, việc kiểm tra giám sát tài sản thì những người tham nhũng không chờ đợi nhưng người trong sạch, đàng hoàng thì không ngại ngần và rất mong làm mạnh", ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Trần Thị Dung cũng bày tỏ tài sản của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải được công khai còn công khai đến mức độ nào phải đảm bảo đúng theo quy định.

Theo bà, khi công khai, người có tài sản được công khai cũng rất thoải mái, thấy tài sản của mình có nguồn gốc chính đáng, hợp pháp thì không có vấn đề gì cả và công khai rồi thì người dân được biết, chia sẻ, hiểu được cán bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cũng cho biết kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. 

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đã kiểm tra, giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa thành hệ thống bài bản.

Trong quy định của Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra TƯ. Còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt.

Về việc theo quyết định mới của Bộ Chính trị thì khi nào sẽ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, theo bà Thủy, trước hết, từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch xem việc kiểm tra, giám sát như nào. 

Khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do nào đó thì UB Kiểm tra TƯ sẽ tiến hành làm.

Đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho UB Kiểm tra TƯ làm.

Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực. Thứ ba, khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Nếu thuộc trong 3 trường hợp ấy sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại