Không được nhắc tới thường xuyên như hiệu năng, camera hay màn hình nhưng thời lượng pin lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào trải nghiệm smartphone. Rõ ràng là chẳng ai muốn một chiếc điện thoại " game bao mượt, chụp hình bao đẹp, màn hình bao nét" mà cứ dùng một tí là đã báo pin yếu rồi.
Tất nhiên, những thao tác trực tiếp lên điện thoại thông thường thì chắc chắn sẽ khiến pin của máy cạn dần, nhưng thực tế thì còn rất nhiều điều "bí ẩn" khác ảnh hưởng tới pin mà chưa chắc bạn đã để ý.
Sóng yếu
Nếu điện thoại của bạn nhận thấy sóng di động hay Wifi đang bị yếu thì nó sẽ phải làm mọi cách để tiếp tục giữ kết nối với mạng. Để làm được điều này thì khả năng bắt sóng sẽ được tự động đẩy mạnh và từ đó, pin cũng bị tiêu hao nhiều hơn.
Vấn đề này xảy ra ở cả những vùng sóng yếu và khi có quá nhiều người dùng chung mạng. Ví dụ như nếu bạn dùng Vietnamobile mà đi sâu vào những khu nhà cao tầng hay khi có hàng chục người cùng kết nối vào một mạng Wifi vốn chỉ tải được vài thiết bị một lúc.
Tình trạng sóng yếu thực ra không có cách giải quyết nào ổn thỏa nhất. Bạn có thể thử chuyển sang một nhà mạng nào khác phủ sóng mạnh hơn, đổi sang dùng bộ phát Wifi và đường truyền tốt hơn hoặc... kick những người dùng khác ra khỏi mạng cũng được.
Nếu muốn tiết kiệm pin tối đa trong trường hợp này, hãy bật chế độ máy bay lên để điện thoại không còn cố gắng kết nối với mạng di động nữa, trong khi Wifi thì vẫn có thể bật lên để liên lạc qua các dịch vụ khác.
Nhiệt độ môi trường khắc nghiệt
Có thể bạn đã từng xem các loại bài kiểm tra độ bền điện thoại bằng cách ném chúng vào tủ lạnh hoặc nơi nào đó cực kì nóng. Một số điện thoại khi này sẽ tắt ngấm luôn, và lý do là vì pin của chúng không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Khi quá lạnh, pin điện thoại có thể sẽ "chết" tạm thời, còn khi quá nóng thì năng lượng sẽ bị tiêu hao nhanh hơn. Thậm chí, nếu để điện thoại trong môi trường nóng nực lâu dài thì pin có thể bị giảm cả tuổi thọ và bạn sẽ sớm phải đi thay hơn nữa.
Để giải quyết vấn đề này thì rất đơn giản, chỉ cần làm ngược lại là được. Hãy sử dụng và cất giữ điện thoại ở những nơi có nhiệt độ dễ chịu, khoảng 15 - 30 độ C. Mỗi thiết bị sẽ có một mức chịu nhiệt riêng nên hãy tham khảo thông tin từ nhà sản xuất nhé.
Theo dõi vị trí địa lý (GPS)
Tính năng này cực kì hữu ích với các ứng dụng bản đồ, chỉ đường hay hẹn hò trực tuyến như Tinder, nhưng ít ai biết rằng nó là một trong những nguyên nhân hao pin hàng đầu.
Nếu bạn đang chơi Pokemon Go thì chắc chắn sẽ thấy pin hao cực nhanh, và lý do chính là vì máy luôn phải kết nối GPS với các vệ tinh trên trời đấy.
Hiện tại, các nền tảng di động cũng như ứng dụng đều đã được tối ưu để GPS hoạt động hiệu quả hơn, nhưng hiện tượng hao pin nhanh thì vẫn còn tồn tại. Nếu không cần thiết phải dùng tới nó, hãy truy cập vào Cài đặt > Vị trí và tắt dich vụ định vị GPS đi.
Lưu ý: Mỗi dòng máy lại có cách bật/tắt GPS khác nhau, hãy tham khảo hướng dẫn từ nhà sản xuất/đại lý bán lẻ để có hướng dẫn chính xác nhất.
Dùng tới khi cạn sạch pin mới sạc lại
Thực tế thì điều này vẫn đang gây tranh cãi. Trong khi một số người cho rằng nên dùng từ 100% xuống dưới 10% mới nên sạc, một số khác lại khẳng định với các công nghệ pin hiện nay thì tốt nhất nên giữ dung lượng pin ở một mức nhất định.
Cụ thể, mức dung lượng "tối ưu" này được cho là vào khoảng 40% - 80%. Bạn hoàn toàn có thể cắm sạc bất cứ lúc nào chứ không cần đợi máy hết sạch pin, nhưng vừa sạc vừa dùng vẫn là điều tối kị nếu không muốn sớm phải đi thay pin mới.
Tuy nhiên, điều này lại không mang tính thực tiễn lắm vì không phải ai cũng có thể kè kè ổ điện bên cạnh mà sạc máy.
Nếu bạn có thời gian để theo dõi mức pin là điều tốt, nhưng nếu không có thì cũng không cần quá "ám ảnh" làm gì cả. Ngoài ra, theo Apple, nếu không dùng máy trong một thời gian dài thì hãy đảm bảo rằng máy đã được sạc đầy khoảng 50% pin.
Màn hình lớn quá thể
Nhiều người dùng luôn luôn ham muốn điện thoại phải có màn hình thật lớn, nhưng kéo theo đó là những vấn đề chắc chắn gây khó chịu, nhất là về thời lượng pin.
Những model màn hình lớn nhưng dung lượng pin cũng lớn, từ 4000mAh trở nên thì không nói làm gì; nhưng hiện nay, có không ít dòng máy có màn hình tiệm cận 6 inch nhưng pin thì lại "lèo tèo" khoảng 3000mAh.
Điều này chắc chắn làm cho máy chỉ hoạt động được khoảng 1 ngày là cao nhất dù cho nhà sản xuất có tối ưu phần mềm tốt đến thế nào đi nữa.
Hướng giải quyết có thể là giảm độ sáng màn hình, bật trình tiết kiệm pin hoặc... đổi hẳn sang một mẫu smartphone khác có màn hình nhỏ hơn và/hoặc pin lớn hơn. Tất cả vẫn phụ thuộc và nhu cầu và yêu cầu của chính bạn, nhưng tốt nhất là đừng biến mình thành "nô lệ sạc pin" của điện thoại như thế.
Nghe nhạc bằng loa ngoài với âm lượng lớn
Đây cũng là một trong những điều bạn ít để ý. Loa ngoài đặt âm lượng càng lớn thì máy càng hao pin nhanh hơn. Điều này không chỉ áp dụng với trình phát nhạc mà còn với bất kì ứng dụng nào hay phát ra âm thanh, kể cả chuông báo.
Cách tốt nhất nếu muốn tiết kiệm pin là hãy dùng tai nghe để nghe nhạc, xem phim hay chơi game. Ngoài ra, nếu không cần thiết lắm thì bạn có thể tắt cả chuông báo và rung nữa.
Các ứng dụng gây ngốn pin
Đây là một điều khá hiển nhiên và chắc chúng ta đều biết đến. Có một số loại ứng dụng gây hao pin hơn bình thường rất nhiều.
Chúng phần lớn là các dịch vụ kết nối, liên lạc hoặc đi kèm một chương trình luôn chạy ngầm để theo dõi và hiển thị thông báo. Vài cái tên đáng "lên án" có thể nhắc tới là Facebook, Messenger, Zalo, WhatsApp... và bạn có thể "bắt thóp" chúng trong menu Cài đặt > Pin.
Nhiều smartphone, nhất là Android hiện nay đều tích hợp sẵn các chế độ tối ưu bộ nhớ giúp ngăn chặn các ứng dụng tự động chạy trong nền. Với iOS, bạn có thể truy cập vào Cài đặt > Chung > Ứng dụng làm mới trong nền và chọn tắt các ứng dụng mà bạn không muốn chúng tự chạy.
Nếu thiết bị của bạn không có thì cũng không nên cài thêm những ứng dụng bên thứ ba hỗ trợ tính năng này vì chúng thực chất không hề hiệu quả như tưởng tượng.