Trang PhoneArena đã đưa ra danh sách 5 lý do tại sao Samsung đáng bị người tiêu dùng ghét bỏ, với những hành động, chính sách và cả những hướng đi sai lầm của hãng trong những năm qua.
Giá khởi điểm cao nhưng giảm giá liên tục
Mức giá trung bình của điện thoại thông minh đã tăng lên trong những năm gần đây. Đương nhiên, các thiết bị của Samsung cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Năm năm trước, giá khởi điểm trung bình của dòng Galaxy S là khoảng 780 USD. Giờ đây, con số đó đã tăng lên 1000 USD cho dòng Galaxy S23. Điều này ít nhiều phù hợp với cách định giá của các nhà sản xuất lớn khác.
Vấn đề là, không có gã khổng lồ công nghệ nào đưa ra những ưu đãi, chiết khấu, giảm giá lớn như cách Samsung luôn đưa ra. Nhiều người vẫn khuyên chớ nên mua flagship mới ra mắt của Samsung với giá bán lẻ đề xuất vì kiểu gì cũng sẽ có đợt giảm giá lớn chỉ không lâu sau đó.
Việc giữ giá bán lẻ đề xuất ở mức cao xong lại giảm giá sâu là việc làm vô nghĩa. Có thể chiến lược này sẽ thúc đẩy lượng người mua tiềm năng trong các đợt giảm giá sau đó, vì nhiều người sẽ háo hức khi mua được điện thoại cao cấp với giá hời, nhưng mặt trái là khiến cho điện thoại của Samsung trở nên kém giá trị so với đối thủ.
Mua một chiếc điện thoại thông minh mới nên là quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng, thay vì vội vã mua ngay lập tức do sản phẩm đó đang giảm giá và lo sợ mức giá này sẽ không duy trì lâu.
Việc Samsung liên tục giảm giá là một trong những lý do chính khiến thiết bị của hãng không giữ được nhiều giá trị khi bán lại - một điều không đặc biệt tốt cho người tiêu dùng.
Chip Exynos quá tệ
Về mặt kỹ thuật, Samsung đã giải quyết vấn đề phân mảnh chip trên thế hệ mới nhất của dòng Samsung Galaxy S. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất và có vẻ như Samsung cũng chưa từ bỏ Exynos.
Chipset độc quyền của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc những năm qua liên tục phải vật lộn trong việc mang lại hiệu suất ngang bằng với các mẫu chip cùng phân khúc, đặc biệt là khi nói đến nhiệt và thời lượng pin.
Để quảng bá cho Exynos, giải pháp kém tinh tế của Samsung là xuất xưởng mẫu điện thoại cao cấp của hãng với hai phiên bản, một sử dụng Exynos "nhà làm" và một sử dụng chip Qualcomm đã được chứng minh giá trị trên thị trường.
Thế nhưng, các thiết bị sử dụng chip xử lý của Samsung luôn kém hơn Qualcomm. Tệ hơn nữa, người dùng không có quyền lựa chọn con chip.
Về cơ bản, bạn phải chấp nhận bất cứ thứ gì Samsung cung cấp tại khu vực của mình. Mẫu sử dụng chip Snapdragon vượt trội luôn tìm đường đến những thị trường mà Samsung cần tăng khả năng cạnh tranh, như ở Mỹ.
Ở những nơi khác, người dùng đều bị mắc kẹt với Exynos.
Khoe khoang những con số
Mặc dù quảng bá thông số kỹ thuật là điều cần thiết mà công ty nào cũng thực hiện, nhưng gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc luôn công khai phô trương những con số lớn trong quảng cáo của mình.
Về mặt thực tế, cách làm này là có cơ sở, khi những người yêu thích điện thoại Samsung dường như quan tâm nhiều hơn đến thông số kỹ thuật so với đại đa số người dùng thông thường. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Mỗi năm, với mỗi thế hệ tiếp theo, những con số ngày càng lớn hơn, bất kể con số đó có ý nghĩa hay không. Ví dụ như camera selfie 40MP trên Galaxy S22 Ultra được quảng cáo rộn ràng nhưng đến đời sau lại bị loại bỏ.
Samsung dường như đặc biệt vui mừng khi khẳng định những con số của hãng vượt trội như thế nào so với thông số kỹ thuật của các điện thoại thông minh khác, đặc biệt là so với iPhone. Có rất nhiều nội dung quảng cáo tồn tại chỉ với mục đích chê bai các thiết bị của Apple.
Vấn đề là hầu hết người dùng ngày nay đều biết thông số kỹ thuật không phải là tất cả, và camera trên Galaxy S23 Ultra không thể được coi là vượt trội so với camera của iPhone 14 Pro Max chỉ vì có số megapixel cao hơn.
Chế giễu Apple nhưng rồi lại làm theo
Apple và Samsung luôn song hành vì nhiều lý do. Đầu tiên là vì mức độ ảnh hưởng của cả hai công ty này trong vai trò đầu tàu xu hướng di động. Thứ hai, bản thân Samsung luôn công khai so sánh mình với Apple.
Thế nhưng, dù chế giễu Apple nhưng Samsung sau đó lại bắt chước chính hướng đi của đối thủ. Samsung từng chê bai Apple vì bán iPhone mới mà không có bộ sạc. Sau đó, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng loại bỏ bộ sạc trong hộp, cũng lấy lý do bảo vệ môi trường.
Ngủ say trên chiến thắng
Samsung nói chung không đặc biệt giỏi trong việc đảm đương trách nhiệm của người khai phá và đứng đầu. Chúng ta có thể thấy điều này trong ngách thị trường điện thoại gập.
Samsung dẫn đầu trong phân khúc này khi nói đến doanh số bán hàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Nếu người tiêu dùng muốn mua một chiếc điện thoại gập, dòng Z là lựa chọn duy nhất.
Không ai phủ nhận gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cho ra mắt Galaxy Z Fold và Galaxy Z Flip là một làn gió mới cho thị trường điện thoại, cũng như thể hiện được vai trò tiên phong, sáng tạo.
Thế nhưng, hãng có vẻ đang tự hài lòng và giậm chân tại chỗ. Có nhiều vấn đề về hình thức vẫn chưa được giải quyết sau các năm, bao gồm cả nếp gấp quá lớn.
Nhưng có vẻ như việc Samsung đầu tư để giúp các sản phẩm điện thoại gập tốt hơn sẽ không có nhiều ý nghĩa về mặt tài chính khi chúng không phải đối mặt với sự cạnh tranh nào. Điều này đúng với ý nghĩa câu nói, không có cạnh tranh thì không thể phát triển.