Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Robert Farley cho biết, ở nhiều khía cạnh, Israel và Nga đã có những hướng tiếp cận trái ngược nhau nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong khi Israel đã đứng vững trong lĩnh vực công nghệ thì Nga vẫn phải vật lộn để duy trì tầm quan trọng và sự ổn định của hệ thống cải cách.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Moscow và Jerusalem đã tăng cường đáng kể mối quan hệ hợp tác quân sự.
Các mẫu máy bay không người lái do Israel chế tạo đã có mặt trong lực lượng quân đội Nga tham chiến ở Ukraine và thiết bị điện tử của quốc gia Trung Đông này đã giúp Moscow cải thiện nhiều hệ thống vũ khí.
Điều đó khiến Mỹ phần nào lo ngại về những công nghệ mà nước này xuất khẩu sang Israel.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, theo ông Farley, vẫn còn có nhiều hệ thống trang bị/phương diện khác mà quân đội Nga mong muốn được như Israel. Dưới đây là 5 ví dụ điển hình:
1. Hệ thống phòng thủ tên lửa
Mặc dù Liên Xô phát minh ra các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đầu tiên nhưng công nghệ Nga đã tụt hậu so với phương Tây, đặc biệt là Israel.
Mỹ và Israel đã cam kết đầu tư các nguồn lực lớn để phát triển hệ thống phòng thủ các loại đạn đạo khác nhau (thường là 2 phía hợp tác).
Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel
Mỹ chủ yếu tập trung vào các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, còn Israel nhắm vào toàn bộ các mối đe dọa, kể cả những loại rocket rẻ tiền, công nghệ thấp.
Các loại đạn đạo hiện không gây ra mối đe dọa áp đảo đối với Moscow nhưng trong tương lai, chúng có thể trở lại làm thành tố trung tâm trong chính sách răn đe của NATO.
Khi đó, chiến lược phòng thủ của Nga cũng một lần nữa buộc phải chú trọng tới các hệ thống chống tên lửa đạn đạo.
2. Tên lửa chống tăng SPIKE
Người Nga rất lấy làm kiêu hãnh về những loại đạn chống tăng đỉnh cao, trong đó có tên lửa 9M133 "Kornet", được thiết kế để tiêu diệt các xe tăng chiến đấu chủ lực như Merkava, Abrams và Challenger II.
Nhờ hệ thống dẫn đường bằng laser, Kornet đã gây hư hại cho một số xe tăng của phương Tây trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq và trong chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006.
Tên lửa chống tăng Spike
Tuy nhiên, dòng tên lửa SPIKE của Israel có những khả năng mà các loại tên lửa khác, như Kornet, không có.
Đó là cơ chế "bắn-quên" và tấn công "đột nóc", cho phép SPIKE tấn công vào vị trí "hiểm" nhất trên xe tăng đối phương.
Ngoài ra, tên lửa SPIKE rất linh hoạt, có thể được triển khai trên nhiều loại phương tiện mang khác nhau.
3. Năng lực Tình báo-Giám sát-Trinh sát (ISR)
Kinh nghiệm từ những cuộc chiến ở dải Gaza, chưa kể tới cuộc xung đột năm 2006 chống lại Hezbollah và hoạt động "chiếm đóng bờ Tây" hiện nay, đã biến Israel thành một chuyên gia trong lĩnh vực chia sẻ và ứng dụng thông tin vào các hoạt động tiền tuyến.
UAV Heron của Israel
Với một loạt hệ thống điện tử và hàng không chiến thuật (bao gồm mạng lưới sinh trắc học lưu trữ, máy bay không người lái (UAV), hệ thống quang học tiên tiến...), Israel đã đạt tới đỉnh cao trong việc xác lập hình ảnh chiến trường.
Các hệ thống tình báo và giám sát này của Israel có thể hỗ trợ đắc lực cho Nga tại Syria, Chechnya, Ukraine và nhiều khu vực khác.
4. Hệ thống lính nghĩa vụ
Nga có nhiều binh lính chuyên nghiệp, tinh nhuệ. Tuy nhiên, nước này không có hệ thống tuyển quân thiết thực, có khả năng chắt lọc và đào tạo những binh sĩ tiềm năng nhất trong số hàng trăm triệu người dân.
Trái lại, hệ thống lính nghĩa vụ của Israel được đánh giá cao. Mặc dù cũng vấp phải một số vấn đề (như sự phản đối của các nhóm tôn giáo thiểu số...) thì chương trình nghĩa vụ quân sự của Israel đang tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước.
Tất nhiên, Israel không thể "bán" hệ thống này cho Nga nhưng họ có thể tư vấn cho Moscow các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động.
5. Hệ thống điện tử
Không quân Nga hiện vận hành nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 4++.
Hầu hết, chúng được nâng cấp từ các nguyên mẫu thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, mức độ nâng cấp không đồng đều.
Chưa hết, ngành công nghiệp Nga đang gặp khó khăn trong việc cung cấp các thiết bị điện tử hàng không nâng cấp đáng tin cậy và tiên tiến. Chẳng hạn, tại Syria, các hệ thống phát hiện, chỉ thị mục tiêu hay phân biệt địch-ta của Nga đều rỏ ra thua kém phương Tây.
Trong khi đó, do ngành công nghiệp điện tử được kết nối chặt chẽ với ngành hàng không vũ trụ quân sự nên Israel có chuyên môn cao trong lĩnh vực nâng cấp radar, cảm biến - những thiết bị phát hiện mục tiêu rất cần thiết đối với các loại đạn dẫn đường chính xác.
Mối quan hệ được tăng cường giữa Nga và Israel có thể giúp các loại máy bay chiến đấu và ném bom của Nga trở nên đáng gờm hơn nữa.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Robert Farley, giảng viên cấp cao tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson, Đại học Kentucky, Mỹ.