Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn "chặt chém" tại Việt Nam

Pha Lê |

Trong một bài chia sẻ gần đây, một du khách người Mỹ đã thẳng thắn nhận xét: "Tôi đến Việt Nam là đi cho biết và sẽ không bao giờ quay lại đất nước của bạn một lần nữa đâu".

Trong một khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và một đi không trở lại. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng trên là do nạn "chặt chém".

"Chặt chém" khách du lịch dường như là một "chuyện thường tình ở huyện". Nhan nhản các thông tin liên quan đến hành vi này vẫn được nhắc đến, bị xử lý nhưng dường như chẳng thấm vào đâu so với sự "hùng mạnh" của "đội quân chặt chém".

700 nghìn đồng/con ghẹ

Tết năm 2016, anh Phạm Văn Long (ngụ quận 7, TP HCM) đi chơi 2 ngày tại Vũng Tàu. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối chuyến du lịch này, anh Long bị "chặt chém" từ việc thuê phòng cho đến cả đồ ăn.

Khi đặt chân đến Vũng Tàu, nhóm bạn của anh phải thuê phòng giường đôi có giá 850 nghìn đồng thay vì 400 nghìn đồng giá ngày thường.

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn chặt chém tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hóa đơn tính tiền người hàng rong

Rồi đến khi nhóm này đi ngắm biển, một người gánh hàng rong đến mời mua ghẹ, tôm tít, ốc luộc… do không hỏi giá nên cả nhóm đã bị "chém đẹp".

Cụ thể, 2 con ghẹ có kích thước bằng bàn tay giá đến 1,4 triệu đồng, ốc bưu 120.000 đồng/đĩa, tôm tít trộn với tôm sú luộc 300.000 đồng/2 đĩa, các món bánh chiên 300.000 đồng, tổng cộng là 2,1 triệu đồng. Khi bị phản ứng, người bán hàng hăm dọa: "Ăn ngập mặt có 2,1 triệu mà không trả, hay muốn ăn đòn?".

900 nghìn để đánh 1 đôi giày

Đầu tháng 9/2015, sự việc 1 khách du lịch người Australia phải trả đến 900 nghìn đồng để đánh 1 đôi giày ở Phố cổ Hà Nội đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Theo đó, vào khoảng 11h trưa, khi đang đi dạo ở phố Hàng Đào, Avy khá choáng váng khi bị một người đánh giày chạy tới... lột đôi dép dưới chân mình và ngồi khâu, dán.

Sau khi Avy nhận lại được đôi dép thì được người này hét giá lên đến 900 nghìn đồng, cao hơn cả mức giá của đôi dép khi cô mua. Sau khi thông tin này được lan rộng trên mặt báo và mạng xã hội, đối tượng có hành vi "chặt chém" trên đã bị triệu tập.

Chặt chém ở Bờ Hồ

Đối tượng Phạm Văn Chung (32 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) khai báo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con gái 5 tuổi bị bại não nên rời quê lên Hà Nội mưu sinh.

Hành vi này phải bị khép vào tội lừa đảo, không chỉ xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự. Bởi nếu nhẹ tay, kẻ lừa đảo nhờn luật. Họ dạt đi đâu đó một thời gian rồi quay lại.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội)

Về vụ việc trên, Chung cho biết, ban đầu thỏa thuận với khách giá sửa 100.000 đồng. Sau khi sửa xong, anh ta trò chuyện với khách bằng tiếng Anh. 

Qua câu chuyện về hoàn cảnh mưu sinh, Chung đề nghị và được khách đồng thuận đưa thêm 800.000 đồng.

"Tôi xin lỗi du khách nước ngoài và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Tôi sẽ không làm như vậy nữa và sẽ trở về quê ra biển đánh cá nuôi con", Chung tỏ ra hối hận.

Mua cua 1,2kg, luộc xong còn... 420gram

Một du khách phản ánh, khi đến nghỉ mát tại Nha Trang, sau khi được người chở xích lô thuyết phục, vị khách này đã đồng ý đến quán Làng Chài ăn thử. Sau khi gọi 1 số món, thực khách có chọn 1 con của buộc dây cân thấy 1,2kg, giá 350.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau khi nhà hàng bưa món cua lên, thay vì con cua nặng 1,2kg thì là con cua nhỏ xíu, quản lý nhà hàng khẳng định không có sự nhầm lẫn nào ở đây cả.

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn chặt chém tại Việt Nam - Ảnh 4.

Con cua nặng "1,2kg" và hóa đơn thành tiền 420.000 đồng tại Làng Chài (Nha Trang) - Ảnh: AN CHI

Trước sự chứng kiến của quản lý và các nhân viên khác, vị khách đã mang con cua đi cân, con cua nặng chỉ 420 gram. Quản lý giải thích cua luộc bị hao đi và phần nặng thiếu là do... sợi dây.

Như vậy, người khách này phải trả tiền cho 780 gram sợi dây và hao phí khi luộc, đồng nghĩa với việc, vị thực khách này đã phải chi trả 420 nghìn đồng cho một con cua 420 gram.

Hay như trường hợp hè năm 2015 của chị Lê Thị Lan Hương (Q.Bình Thạnh) ăn đêm tại một quán ở chợ Đà Lạt bị tính giá 1 triệu đồng cho ba tô cháo và một đĩa lòng gà.

Sau khi biết bị "chém đẹp", chị đã dọa kêu cơ quan chức năng can thiệp thì chủ quán mới nói đúng giá là... 200.000 đồng!

Làm gì để không bị chặt chém?

Trên đây chỉ là 1 vài ví dụ về tình trạng "chặt chém" du khách đang diễn ra tại Việt Nam. Nói về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Tiến sĩ Hà Văn Siêu cho hay: "Hành vi "chặt chém" dù với khách quốc tế hay trong nước đều không thể chấp nhận được.Có thể đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh.

Nhưng là du khách, họ trải nghiệm 9 điểm tốt mà chỉ cần 1 điểm xấu thì hình ảnh Việt Nam không còn đẹp nữa rồi.

Ở góc độ cá nhân tôi thấy, trước khi tới một điểm đến chúng ta cần nghiên cứu kỹ thông tin liên quan. Không chỉ là thời tiết, khí hậu mà cả về phong tục, tập quán cho tới giá cả.

Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội hiện đều có nhiều thông tin cảnh báo, khuyến cáo đối với du khách. Chúng ta cần chủ động phòng tránh với các hiện tượng, hành vi xấu của một số điểm đến".

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn chặt chém tại Việt Nam - Ảnh 5.

Ảnh: Tuổi trẻ

Còn theo PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm Tp. HCM), "chặt chém" như một vấn nạn với nhiều căn nguyên mà ở đó, cả kẻ bán lẫn người mua đang làm cho nó trở nên nhức nhối, kéo sự văn minh xuống.

Ông đưa ra lời khuyên: "Về phía người bán, cần tuân thủ những yêu cầu về đạo đức mua bán, kinh doanh. Điều này cho thấy, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực thi các chức năng quản lý.

Việc đào tạo, hướng dẫn là cần thiết. Nhưng song song đó, việc thực thi các chức năng của quản lý như kiểm tra, giám sát… để xử phạt, chấn chỉnh.

Còn người mua hãy trở thành những người mua bản lĩnh và có trách nhiệm. Trách nhiệm để góp phần khắc phục tình trạng chặt chém và xây dựng một môi trường kinh doanh đúng nghĩa có văn hóa".

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại