Hàng chục triệu con muỗi mang mầm bệnh đang được Cơ quan Môi trường Quốc gia của Singapore (NEA) nuôi trong các hộp nhựa để chống lại bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, mặc dù phương pháp 'lấy độc trị độc' này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới trong một thập kỷ qua, dự án của các nhà nghiên cứu tại NEA vẫn thu hút sự chú ý nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa và AI để thúc đẩy việc nuôi muỗi số lượng lớn.
Theo trang tin Undark , tất cả muỗi được nuôi ở NEA đều là Aedes aegypti. Đây là loại muỗi có thể lây nhiễm các loại virus như sốt xuất huyết sang người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mỗi năm có tới 400 triệu người bị nhiễm virus sốt xuất huyết và khoảng 40.000 người chết vì sốt xuất huyết nặng.
Một chuồng chứa đầy muỗi đực và muỗi cái mang vi khuẩn Wolbachia đang giao phối. Ảnh: ROSLAN RAHMAN / Getty
Tuy nhiên, những con muỗi được nuôi bởi NEA không có mầm bệnh trong người. Chúng đã tiếp xúc với một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia, vốn sẽ truyền sang thế hệ muỗi tiếp theo trong nỗ lực ngăn chặn sự lây nhiễm của loại virus nguy hiểm.
Cụ thể, muỗi Aedes aegypti không còn dễ dàng truyền virut sốt xuất huyết sang người khi bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm hoi, loại vi khuẩn này có thể ngăn không cho muỗi sinh sản. Khi những con đực giao phối với những con cái không (hay chưa từng) tiếp xúc vi khuẩn Wolbachia, trứng do muỗi cái đẻ ra sẽ không nở. Theo thời gian, số lượng muỗi sẽ giảm dần đi.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của NEA ở Singapore đã thả những con muỗi đực mang ký sinh trùng Wolbachia từ năm 2016. Đến năm 2019, NEA đã thả tới 2 triệu con muỗi mỗi tuần. Nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa, con số đó đã tăng lên tới 5 triệu mỗi tuần vào năm 2022.
Tại các khu vực được lựa chọn để thả muỗi đực, các nhà khóa học ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số lượng muỗi Aedes aegypti trong tự nhiên, cũng như số ca nhiễm vi rút sốt xuất huyết cũng ít hơn đáng kể.
Tuy nhiên, vì một số lý do chưa được biết tới, muỗi vẫn có thể sinh sản hiệu quả khi cả muỗi đực và cái đều bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Để tránh điều này, các nhà nghiên cứu của NEA sử dụng một hệ thống máy tính dựa trên AI mới có tên là máy phân loại giới tính để phân biệt muỗi cái với muỗi đực trước khi muỗi đực bị nhiễm bệnh và thả ra.
Giờ đây, những 'mẻ muỗi' khổng lồ có thể được tạo ra nhờ công nghệ tự động hóa, so với việc nuôi theo phương pháp truyền thống (làm bằng tay), vốn khá tẻ nhạt và dễ xảy ra sai sót.
Tất nhiên, Singapore không phải là quốc gia duy nhất chống lại sốt xuất huyết bằng cách thả hàng triệu con muỗi đực Aedes aegypti.
Trước đó, công ty công nghệ sinh học Oxitec, do Bill Gates hậu thuẫn, đã tiến hành kế hoạch thả hàng trăm triệu con muỗi biến đổi gen ở Florida (Mỹ) để thử nghiệm một phương pháp kiểm soát sinh vật gây hại mới.
Tuy nhiên, phương pháp nhằm hạn chế số lượng muỗi Aedes aegypti cái có thể truyền bệnh được Oxitec thực hiện bằng cách bổ sung một gen tự giới hạn, khiến muỗi cái chết trước khi trưởng thành.