Đây là lý do cho việc gia đình ông Trần Quí Thanh có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ

Chỉ riêng trong năm 2014, Tân Hiệp Phát đã lãi ròng gần 730 tỷ đồng. Thay vì giữ lại đầu tư, phần lớn lợi nhuận mà công ty tạo ra trong nhiều năm qua được phân phối lại cho các ông chủ của mình.

Sau gần 2 tuần xét xử vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng (VNCB), những cái tên được quan tâm nhiều nhất không phải là các bị cáo mà lại là những lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, gồm ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Ngọc Bích.

Một trong những mắt xích quan trọng của vụ án này liên quan đến khoản tiền gửi trị giá gần 6.000 tỷ đồng mà nhóm các cá nhân liên quan đến ông Thanh, bà Bích đang gửi ở ngân hàng Xây dựng. Theo đó, nhóm này đang có 124 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gửi trị giá 5.881 tỷ đồng.

Các khoản tiền gửi tiết kiệm ở trong vụ án đều là của cá nhân nhưng các giấy tờ gửi đi xuất phát từ Công ty Tân Hiệp Phát – công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của gia đình ông Thanh.

Đối với những người theo dõi kỹ đến vụ án hay chỉ để ý thoáng qua, chắc chắn đều có chung thắc mắc: “Sao họ có nhiều tiền mặt đến thế để mang gửi tiết kiệm”? Nếu nhìn vào lợi nhuận mà Tân Hiệp Phát tạo ra thì có thể thấy rằng việc gia đình ông Thanh có vài nghìn tỷ đem gửi tiết kiệm chỉ là chuyện không quá bất ngờ.

Đây là lý do cho việc gia đình ông Trần Quí Thanh có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Ông Trần Quí Thanh cùng vợ, bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái sở hữu 100% vốn của các công ty chủ chốt trong hệ thống Tân Hiệp Phát

Tân Hiệp Phát – cỗ máy hái ra tiền

Hệ thống Tân Hiệp Phát/Number 1 được thành lập từ năm 1994, hiện là một trong những tập đoàn đồ uống, nước giải khát lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm chính của công ty gồm có trà xanh uống liền, trà thảo mộc, nước tăng lực, sữa đậu nành…

“Sự cố con ruồi” xảy ra vào đầu năm 2015 là một bước ngoặt lớn đối với Tân Hiệp Phát, đi kèm với nó là những hệ quả tiêu cực về sụt giảm doanh số cũng như phản ứng không tích cực từ một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Tuy nhiên khách quan mà nói thì Tân Hiệp Phát là một ví dụ thành công về một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã rất thành công khi khai phá một phân khúc thị trường mới (trà uống liền) cũng như đã cạnh tranh thành công với các tập đoàn đa quốc gia để trở thành một trong những doanh nghiệp đồ uống hàng đầu.

Đây là lý do cho việc gia đình ông Trần Quí Thanh có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ - Ảnh 2.

Việc phát triển và chiếm lĩnh một phân khúc rất lớn đã mang khoản lợi nhuận khổng lồ và đều đặn lên đến cả nghìn tỷ mỗi năm cho Tân Hiệp Phát.

Tính đến trước “sự cố con ruồi”, theo số liệu mà CafeF có được, trong năm 2014, Tân Hiệp Phát đạt khoảng 7.000 tỷ đồng doanh thu; lãi trước thuế 930 tỷ và lãi sau thuế 730 tỷ đồng. Với những con số này, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cũng như lợi nhuận lớn nhất Việt Nam.

Làm được bao nhiêu rút ra bấy nhiêu

Với mức lợi nhuận như trên, thì việc chỉ sau vài năm Tân Hiệp Phát tích lũy được vài nghìn tỷ đồng chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, dường nhu nhu cầu giữ lợi nhuận để tái đầu tư không lớn nên gần như lãi được bao nhiêu là Tân Hiệp Phát lại phân phối lại cho các chủ sở hữu của mình.

Điều này được thể hiện rất rõ qua việc lãi ròng của riêng trong năm 2014 là 730 tỷ – cũng như đạt tổng lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng trong suốt nhiều năm qua – nhưng vốn chủ sở hữu của Tân Hiệp Phát đến cuối năm 2014 chỉ có vỏn vẹn 608 tỷ đồng trên vốn điều lệ 276 tỷ đồng.

Đây là lý do cho việc gia đình ông Trần Quí Thanh có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ - Ảnh 3.

Hiếm có công ty nào chưa bán cổ phần cho đối tác bên ngoài đạt được mức lợi nhuận cao như Tân Hiệp Phát

Điều này cho thấy Tân Hiệp Phát chỉ giữ lại rất ít nhuận để duy trì hoạt động, còn lại phần lớn lãi tạo ra được phân phối lại cho gia đình ông Trần Quí Thanh – những người ang sở hữu 100% vốn của công ty. Đây có thể chính là nguồn gốc của phần lớn số tiền được mang gửi tiết kiệm.

Rõ ràng, nếu như hàng năm Tân Hiệp Phát đều đặn tạo ra khoản lãi lên đến cả nghìn tỷ như năm 2014 mà không có nhu cầu đầu tư thêm quá lớn thì việc phân phối lại phần lớn lợi nhuận cho các chủ sở hữu sử dụng vào việc khác “có hiệu quả hơn” là một lựa chọn hợp lý.

Về bản chất, Tân Hiệp Phát là công ty của gia đình ông Thanh nên việc Tân Hiệp Phát giữ lại lợi nhuận và trực tiếp gửi tiết kiệm hay gia đình ông Thanh lấy tiền về rồi mang đi gửi không có nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu Tân Hiệp Phát gửi tiền vào ngân hàng thì lãi suất tiền gửi doanh nghiệp sẽ không thể cao bằng cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Vì thế, phương án đầu tư tiền gửi tiết kiệm thông qua các cá nhân rõ ràng có lợi hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại