Quy mô vốn đầu tư mỗi dự án hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ. Có thể kể tới những dự án tiêu biểu như quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng của Sungroup ở Phú Quốc (10.000 tỷ), Vingroup đầu tư khoảng 9.000 tỷ cho quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Hạ Long Ocean Park 6.000 tỷ ở Quảng Ninh, Coco Bay của tập đoàn…
FLC cũng đang triển khai đầu tư dự án FLC Hạ Long dự kiến tổng mức đầu tư 3.400 tỷ, FLC Vĩnh Phúc giai đoạn 2 dự kiến 5.000 tỷ và FLC Quảng Bình dự kiến lên tới 8.500 tỷ…Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao BĐS nghỉ dưỡng lại được các “ông lớn” địa ốc đặt cược lớn như vậy?
“Mỏ vàng” tỷ đô đang bỏ ngỏ
Điều đó dễ hiểu bởi lĩnh vực du lịch có thể nói là “mỏ vàng” hàng tỷ đô la ở Việt Nam còn đang bỏ ngỏ dù rất nhiều tiềm năng. Như ở Thái Lan 2016 ngành này dự kiến đem về khoảng 64 tỷ USD, Malaysia khoảng 35 tỷ USD, Singapore mỗi năm khoảng 15 tỷ USD,…
Còn Việt Nam dù có tiềm năng du lịch rất lớn với hơn 90 triệu dân cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa nổi tiếng thế giới nhưng cũng chỉ thu hút được khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Con số này theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành là còn rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, gần đây ngành du lịch Việt Nam bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Khách du lịch quốc tế cũng như nội địa luôn tăng trưởng cao, cơ sở lưu trú đang được đầu tư rất đồng bộ và hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế.
Điều này khiến những nước trong khu vực vốn dĩ thu hút khách du lịch rất lớn như Thái Lan, Indonesia cũng phải lo ngại. Mới đây tờ Bangkokpost, cho biết Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang lo ngại Việt Nam, đất nước được coi là ngôi sao đang lên trong khu vực ASEAN, sẽ hút nhiều khách du lịch Hàn Quốc hơn Thái Lan.
Đòn bẩy du lịch và hạ tầng
Thực tế, chính làn sóng đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao của các đại gia địa ốc trong và ngoài nước đã làm thay đổi cục diện thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam.
Cùng với đó là đòn bẩy về tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch, cũng như hệ thống hạ tầng ở VN đang là 2 lý do chính khiến làn sóng rót vốn vào dự án BĐS nghỉ dưỡng càng thêm bùng nổ.
Không chỉ là những tên tuổi lớn Vingroup, Sungroup, BIM Group, CEO Group, FLC, Bitexco, BRG hay một số đại gia nước ngoài như Indochina Capital, Vinacapital mà hàng loạt đại gia Việt khác cũng bắt đầu “cuộc chơi” này, đó là Novaland, Hoa Sen, ThaiGroup, Hòa Bình.
Theo tổng cục thống kê, 7 tháng năm 2016, lượng khách quốc tế ước đạt 5.552.635 lượt, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng mạnh 50%, tiếp đến là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật và Singapore…khiến tăng trưởng khách châu Á đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch châu Á đến Việt Nam bắt đầu tăng mạnh vào năm ngoái, riêng 2015 khách Hàn tới Thái Lan chỉ tăng 22% nhưng Việt Nam tăng tới 31% và khách Nhật tăng tới 38%. Điều này khiến ngành du lịch Thái đang phải dè chừng.
Khách châu Âu, châu Mỹ tới Việt Nam cũng đăng đáng kể, lần lượt khoảng trên 14% và 12% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, khách nội địa trong 2 năm qua tăng đột biến, trung bình ở mức khoảng 50%. Mục tiêu của ngành du lịch đặt ra trong năm nay đạt khoảng 60 triệu lượt khách nội địa và khoảng 9 triệu khách quốc tế.
Khách nội địa đang là mỏ vàng khai thác của các khu nghỉ. Nguồn: Tổng cục thống kê
Ngoài ra, hạ tầng tại Việt Nam cũng đang cải thiện rất tích cực. Đường cao tốc và các cảng hàng không quốc tế đang trở thành động lực để phát triển các khu kinh tế, trong đó có du lịch. Hiện cả nước đã đạt hơn 1000km đường cao tốc, dự kiến 2020 đạt khoảng 2000km và 2030 khoảng 6.400km.
Khu phía Bắc được quy hoạch 14 tuyến, đã có Hà Nội –Lào Cai, Hà Nội –Hải Phòng, Hà Nội –Bắc Giang và sắp tới là Hạ Long –Quảng Ninh, Ninh Bình –Hải Phòng-Quảng Ninh…
Miền Trung sẽ có Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) 160 km, Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị) 70 km, Quảng Ngãi-Nha Trang. Phía Nam có Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km.
Nguồn cầu lớn
BĐS nghỉ dưỡng được xem là kênh đầu tư được ưa chuộng nhất trong 2 năm qua. Những người ưa an toàn gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất lại thấp, vàng và chứng khoán còn hấp dẫn như trước…do đó, một phần dòng tiền của nhà đầu tư đã chuyển hướng sang loại hình BĐS nghỉ dưỡng.
Điểm khác biệt so với trước đây đó là những loại hình đầu tư mới như biệt thự biển, căn hộ khách sạn (condotel) được các chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 – 12%/năm, giống như một sản phẩm tài chính.
Do đó, mô hình sản phẩm biệt thự biển hay condotel hiện đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Các dự án condotel và biệt thự biển khi ra mắt thị trường đều hút lượng lớn nhà đầu tư.
Gần đây, thị trường đã bùng nổ giao dịch mô hình sản phẩm này với rất nhiều dự án ra mắt thị trường.
Do đó nhiều chuyên gia đã khuyến cáo nhà đầu tư khi mua condotel hay biệt thự biển nên chọn chủ đầu tư có uy tín và chuyên nghiệp, xem kỹ tính pháp lý của dự án là lâu dài hay 49 năm, đơn vị quản lý vận hành là ai… có như vậy sẽ tránh được rủi ro sau này. Chứ không nên chỉ nhìn vào mức cam kết lợi nhuận.
Những dự án nghỉ dưỡng của Sungroup, Vingroup, FLC…đều bán rất chạy. Ở Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc bất động sản nghỉ dưỡng của VinGroup đều xác lập nhiều kỷ lục. Riêng 2015, sản phẩm của tập đoàn giao dịch bùng nổ chiếm tới 98% thị trường.
Theo Vingroup đã có 1300 nhà đầu tư nhận được thu nhập từ cam kết lợi nhuận. Điều đó có được bởi tỷ lệ lấp đầy trong hệ thống phòng BĐS nghỉ dưỡng của VinGroup luôn rất cao khoảng 90%.
Ngoài ra, theo phân tích của ông Trần Nam Sơn, Quỹ Vietnam Capital Partners về xu hướng đầu tư BĐS của người giàu có thì GDP càng cao thì nhà đầu tư càng hướng đến BĐS nghỉ dưỡng.
Xu hướng du lịch/đầu tư BĐS của người giàu (nguồn: Viet Capital Partners)
Theo đó, ở thời điểm hiện tại giới nhà giàu sẽ mua nhà để cho thuê lại nhưng từ 2020 trở đi thì người giàu có sẽ mua bất động sản để đi nghỉ dưỡng. Đây sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong 5-10 năm tới.