Trên các mạng xã hội, chúng ta thường thấy một số tin rao bán tiền giả từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Loại tiền giả được quảng cảo giống với tiền thật tới 98% và tương đối khó phân biệt.
Khi giao dịch tại các tổ chức tín dụng, nếu không may bạn cầm trúng tiền giả thì không có cách xử lý nào khác ngoài việc số tiền này sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Sự "oan ức" này cộng thêm với việc tình trạng tiền giả ngày càng tăng, cư dân mạng đã truyền tai nhau cách dựa vào “hai chữ cái đầu dãy seri” để phận biệt thật giả, nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thông báo ngày 18.5, cách làm này hoàn toàn không chính xác.
Thay vào đó, cơ quan này hướng dẫn một vài mẹo nhỏ để người dân có thể tự kiểm tra tiền thật và tiền giả nhanh chóng bằng 5 cách sau:
1. Dựa vào các chi tiết in nổi, khắc lõm
In nổi, khắc lõm là một kỹ thuật được thực hiện trên cả nét chữ và hình ảnh ở cả hai mặt của tờ tiền.
Tiền thật: Khi vuốt nhẹ, chúng ta có thể cảm nhận được cảm giác nhám, ráp ở các vị trí in nổi như dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc huy, chữ số của mệnh giá....
Tiền giả: Chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật, hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.
Nếu là tiền thật, bạn sẽ thấy cảm giác nhám, ráp ở những vị trí này khi vuốt nhẹ tờ tiền. (Ảnh: Internet)
2. Dựa vào hình bóng chìm khi soi tờ tiền trước nguồn sáng
Tiền thật: Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, ở cả 2 mặt, hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, dây an toàn và các chữ số sẽ rõ ràng và sắc nét, sáng hơn màu nền xung quanh.
Tiền giả: Không có hình bóng chìm, thậm chí không có dây an toàn; nếu có thì hình bóng chìm cũng không tinh xảo như tiền thật, các chữ, số trên dây an toàn cũng không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.
3. Dựa vào khả năng đổi màu của mực OVI và dây bảo an (IRIODIN)
Tiền thật: In bằng mực OVI khi nhìn thẳng và nhìn nghiêng sẽ thấy có khả năng đổi màu.
Đối với tiền mệnh giá 500.000 đồng, mực sẽ đổi từ vàng sang xanh lá; với tiền mệnh giá 200.000 đồng, mực sẽ đổi từ vàng sang xanh đậm; với tiền mệnh giá 100.000 đồng, mực sẽ đổi từ vàng đỏ sang xanh lục đậm...
IRIODIN, hay còn gọi là dây bảo an, là dải màu vàng chạy dọc theo tờ tiền có lấp lánh ánh kim khi đặt nghiêng. Dây bảo an này có ở mọi mệnh giá tiền polyme.
Tiền giả: Với công nghệ tiên tiến như hiện nay thì tiền giả cũng có sử dụng mực OVI nhưng đa phần chúng không đổi màu, còn dây bảo an thì hầu như không có.
Mực đổi màu (Ảnh: Internet)
4. Dựa vào các cửa sổ trong suốt
Tiền thật: Cửa sổ lớn có cụm số dập nổi tinh xảo và hình ẩn (DOE) trên cửa sổ nhỏ sẽ hiện lên khi đưa tiền tới nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa...), thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng.
Tiền giả: Cụm số dập nổi trên cửa số lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
(Ảnh: Internet)
5. Một số cách phân biệt khác
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền thật làm bằng polymer có độ đàn hồi khá tốt, chính vì vậy, nếu bạn nắm và vò tiền trong tay, chúng rất dễ trở về với hình dạng ban đầu.
Trong khi, tiền giả lại không làm được như thế. Tiền giả có chất liệu rất dễ bị phai, giãn, và có khả năng sẽ bị rách khi kéo cho nên có thể xé nhẹ ở cạnh tờ bạc để thử xem có phải thật hay không.
Tổng hợp