Việc giáo dục nói chung không nên chỉ coi là việc của nhà trường, của thầy cô giáo mà cần phải bắt đầu từ việc giáo dục trong gia đình, là việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời người làm cha mẹ và bản thân những đứa trẻ.
Thế nên trong việc dạy dỗ, giáo dục con trẻ hiện nay, phụ huynh, giáo viên và học sinh đều cần phải làm tốt vai trò của mình, thực hiện đúng trách nhiệm của mình, như thế thì công tác dạy dỗ, giáo dục mới có thể thành công!
Trong giáo dục, phụ huynh vượt quyền, đây là sự hủy hoại lớn nhất đối với trẻ nhỏ;
Thầy cô nhường quyền, đây là nỗi bi ai lớn nhất của nền giáo dục;
Học sinh ở nhầm vị trí, việc này chính là đang đào một cái hố sâu chôn vùi tương lai.
1. Phụ huynh vượt quyền
Kết quả của việc phụ huynh ôm đồm tất cả mọi việc đó là: Trong tương lai, trẻ nhỏ sẽ không tiến được xa. Bởi lẽ đại đa số người làm cha mẹ đều yêu thương con cái của mình, đến như một con gà mẹ cũng biết yêu thương và bảo vệ những đứa con của nó, nên tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái dù có tồn tại thiếu sót, sai lầm đi chăng nữa thì cũng là điều dễ hiểu. Song, là cha mẹ, cần phải hiểu đúng về việc giáo dục con.
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh rất thích "vượt quyền" chỉ vì muốn mang lại cho con mình một tương lai tốt đẹp hơn, bao bọc con không để lọt một khe hở. Nhưng họ không biết rằng chiều chuộng con cái quá mức như thế này sẽ chỉ mang lại kết quả ngược lại với mong muốn mà thôi.
Ở Trung Quốc, từng có một thần đồng nhí 13 tuổi đã được nhận vào một trường danh tiếng với số điểm cao ngất ngưởng, trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất năm đó.
Vào năm 17 tuổi anh chàng lại đỗ vào làm nghiên cứu sinh của Học viện Khoa học Trung Quốc. Theo lý mà nói thì tương lai của chàng trai này sẽ vô cùng chói lọi, nhưng cậu đã bị khuyên rời khỏi Học viện Khoa học Trung Quốc vào năm 20 tuổi.
Nguyên nhân chủ yếu lại là cậu không thể tự lo liệu chăm sóc mình trong cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến bi kịch này là người mẹ của cậu đã cho rằng, con trẻ chỉ cần học tập là được nên việc gì bà cũng tự lo hết cho con, từ việc giặt quần áo, cơm bưng nước rót, rửa mặt cho con, thậm chí là sợ con xem nhầm sách trong lúc ăn cơm nên đã đích thân đút cơm cho con ăn.
Từ nhỏ trẻ đã không được đào tạo các kỹ năng sống cần thiết, không được đào tạo khả năng tự lập khi sống một mình, khi trưởng thành tất nhiên sẽ chẳng biết tự lo liệu chăm sóc cho cuộc sống của chính bản thân mình. Những đứa trẻ như thế dù có thể giỏi về phương diện học hành nhưng lại không chịu được khó khăn trong cuộc sống. Trong trường hợp này, chính người làm cha mẹ đã hại con mình.
2. Giáo viên "mất quyền"
Nếu như trên lớp giáo viên không dám dạy bảo học sinh thì cái mất đi chính là tương lai của đứa trẻ. Trong nền giáo dục trước đây, "thước kẻ" luôn nằm trong tay giáo viên.
Nhưng giờ đây, không chỉ thước kẻ đã biến mất mà quyền kỷ luật học sinh của giáo viên cũng dần không mất đi, giáo viên muốn dạy bảo nhưng không thể dạy bảo và cũng không dám dạy bảo.
Tranh minh họa.
Một thầy giáo đã tường thuật lại câu chuyện mà bản thân anh đã trải qua như thế này:
Trong lớp của thầy giáo có một học sinh vô cùng nghịch ngợm, thầy đã trách phạt rất nhiều lần nhưng học sinh đó vẫn không nghe. Cuối cùng vì không thể nhân nhượng được nữa nên thầy giáo đã bắt học sinh đó đứng phạt 15 phút.
Kết quả là học sinh đó về nhà mách với phụ huynh rằng giáo viên đã đánh mình.
Phụ huynh vô cùng tức giận và cũng không phân biệt phải trái đúng sai, chạy đến trường học gây phiền phức cho giáo viên, sau đó còn tố cáo lên Bộ Giáo dục.
Mặc dù cuối cùng, sự thật đã sáng tỏ và thầy giáo không bị phạt nhưng sau sự việc này, thầy giáo cũng trở nên trầm lặng, không còn muốn quan tâm đến học sinh nữa, vì nhiều thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, dù sao thì thầy giáo vẫn phải nuôi gia đình, nếu vẫn còn muốn làm giáo viên thì không được "động" đến học sinh.
Trước đây nếu giáo viên trách phạt học sinh, phụ huynh biết được sẽ chạy đến cảm ơn giáo viên, xin giáo viên tiếp tục nghiêm khắc giáo dục con của mình, những năm tháng đó đã không còn nữa.
Khi giáo viên lựa chọn bỏ bê học sinh, không còn muốn dạy bảo chúng nữa thì người chịu thiệt một lúc là giáo viên, nhưng học sinh mới là người chịu thiệt cả một đời.
Ảnh minh họa.
3. Học sinh ở nhầm vị trí
Hiện nay có rất nhiều học sinh than phiền về việc học hành, nhưng lại không biết rằng bây giờ lười biếng thì tương lai sẽ phải trả giá.
Thực tế là, dù là làm nghề gì, chỉ cần nhiệt tình chăm chỉ sẽ đạt được những thành tích phi thường, nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, trong xã hội lại bắt đầu lưu hành "thuyết học hành là vô dụng".
Họ đưa ra lý lẽ rằng: "Tốt nghiệp đại học xong thất nghiệp, đọc nhiều sách như vậy để làm cái gì?" hay "Tốt nghiệp khoa chính quy thì có gì ghê gớm, vẫn phải làm thuê cho những ông chủ có học lực yếu hơn đấy thôi."…
Cứ như vậy, những đứa trẻ có nhiều áp lực về việc học hành lại không muốn đọc sách, không muốn chăm chỉ học tập nữa. Suốt ngày chỉ muốn xem phim, chơi điện tử… thậm chí muốn từ bỏ nghiệp học, sớm bước vào đời.
Sai một ly đi một dặm, học sinh bây giờ không ở đúng vị trí của mình, không làm đúng nhiệm vụ của mình là chịu khó học hành thì tương lai sẽ phải chịu khổ cực ngoài xã hội mà thôi.
Ảnh minh họa.
Tôi tin rằng những người từng lăn lộn trong xã hội đều có rất nhiều cảm xúc: Sự vất vả trong học tập thực sự chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống nặng nhọc, gập ghềnh. Nếu như có thể quay lại thời gian trước đây, thật muốn chăm chỉ học tập, quyết không tham chơi bỏ bê việc học.
Có người nói: "Những lười biếng trong học tập sẽ tích góp lại và tát những cú tát thật mạnh vào mặt họ trong tương lai."
Là học sinh thì phải chăm chỉ học tập, nắm chắc kiến thức, tạo một nền tảng vững chắc cho cuộc đời sau này của mình, đó chính là sứ mệnh quan trọng nhất trong giai đoạn học tập này.
Đằng sau mỗi đứa trẻ ưu tú đều là sự phấn đấu gian khổ của bản thân và sự tận tụy của cha mẹ cùng thầy cô. Trên đời này từ trước đến nay chưa bao giờ có bữa cơm nào miễn phí, cả nền giáo dục đều phải cố gắng nỗ lực mới có thể đạt được những thành tựu như mong muốn.