Đau xót thanh niên trẻ phải tháo chi 3 lần do bỏng điện

Phạm An |

Do bỏng điện quá nặng, anh Tuấn phải tháo gần hết tứ chi mới thoát khỏi tử thần.

Nhiều tai nạn thương tâm do bỏng điện

Đa số những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Phỏng - phẫu thuật tạo hình của BV Chợ Rẫy đều cho rằng họ am hiểu về điện, khi tiếp xúc họ đã chuẩn bị rất nhiều biện pháp an toàn. Tuy nhiên, những tai nạn thương tâm vẫn xảy ra, nhất là đối với những lao động trẻ. 

Hậu quả của bỏng điện khiến nạn nhân phải đối mặt với việc có thể tử vong bất cứ lúc nào, để lại sẹo chằng chịt, thậm chí phải cắt cụt tứ chi trở nên tàn phế.

Vào cuối tháng 7/2016, trong lúc làm việc thì anh Đinh Văn Tuấn (1974, quê Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bất ngờ bị điện phóng vào người khiến anh bị bỏng toàn thân và tứ chi. Mặc dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng tai nạn khiến anh Tuấn rơi vào nguy kịch. 

Sau đó anh Tuấn bị hoại tử và nhiễm trùng nhiều nơi trên cơ thể, ngày 20/7 anh được chuyển đến BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Để giành anh Tuấn với tử thần, các bác sĩ buộc phải ba lần tiến hành phẫu thuật, cắt cụt 2 tay, và 1/3 cẳng chân trái của anh.

Đau xót thanh niên trẻ phải tháo chi 3 lần do bỏng điện - Ảnh 1. 

Một nạn nhân bị bỏng điện ở Quảng Ninh. Ảnh: Q.T.

Mặc dù là thợ điện lâu năm, nhưng anh Lê Đình Minh (SN 1984 ngụ Thanh Chương, Nghệ An) cũng lâm vào cảnh "sinh nghề tử nghiệp". 

Ngày 24/7 vừa qua, trong lúc sửa điện, anh và đồng nghiệp không hiểu ý, nên tai nạn thương tâm xảy ra khiến anh Minh phải phẫu thuật cắt cụt 2 chi trên, bẹn trái bị tổn thương nặng.

Anh Minh nói: "Tôi làm nghề thợ điện đã được 10 năm. Hôm đó trời nắng, tôi đi sửa điện ở ngoài đường. Sau khi có tín hiệu từ đồng nghiệp báo là cắt điện thì tôi leo lên trên để sửa. 

Nhưng tôi vừa với tay vào dây thì bị điện phóng, tôi ngất không còn biết gì. Do tình huống xảy ra quá bất ngờ nên tô không phản xạ kịp."

Được biết, anh đã tốt nghiệp trường Trung cấp ngành sửa chữa điện. Đi làm cho công ty mỗi năm anh đều được tập huấn thêm về điện và cách đề phòng tai nạn. 

Trước thời điểm bị tai nạn, anh đã làm đơn xin nghỉ nhưng vì công ty thiếu người nên họ kêu quay lại làm và trả lương theo ngày.

Hiện anh Minh chưa có gia đình. Anh làm thợ điện cho một công ty tư nhân. Trước mắt công ty của anh đã hỗ trợ một phần viện phí. Tuy nhiên, anh bị bỏng nặng phải điều trị lâu dài nên tốn rất nhiều chi phí.

Đau xót thanh niên trẻ phải tháo chi 3 lần do bỏng điện - Ảnh 2.

Nhiều trụ điện có bảng cảnh báo nguy hiểm nhưng người dân vẫn chủ quan sinh hoạt bên dưới, ảnh kenh14.

Cắt cụt chi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nạn nhân

Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM)  thì bỏng điện đang ngày càng gia tăng. 

Nạn nhân phải hứng chịu hậu quả rất nặng nề, hầu hết họ phải điều trị lâu dài, thậm chí phải cắt bỏ chi mới có thể qua khỏi cơn nguy kịch. Từ đó gây chấn thương về tâm lý, có nhiều nạn nhân đã nghĩ đến việc tự tử.

Ngoài ra nếu ngã từ trên cao xuống, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương, vỡ xương chậu…

"Hiện tại khoa Phỏng có khoảng 70 bệnh nhân. Trong đó, bỏng điện chiếm 15 ca cấp cứu. 7 ca là cắt cụt chi, 3 ca cắt 2 chi trên, 1 tay 2 ca… mới có thể cứu sống bệnh nhân. Đa số bệnh nhân vẫn còn trẻ, trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình", bác sĩ Hiệp cho biết thêm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bỏng điện, điện phóng vào người là do nạn nhân làm việc gần đường điện như: Treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện…

Đặc biệt mùa mưa thì khả năng phóng điện là rất lớn vì vậy khi tiếp xúc điện mọi người không nên chủ quan, vì khi cho rằng mình đã giữ khoảng cách an toàn thì tai nạn vẫn có thể xảy ra.

Khi gặp một nạn nhân bị điện giật, bạn nên cầu cứu mọi người xung quanh, gọi ngay xe cứu thương đến hỗ trợ.

Trong khi đợi xe cứu thương đên, bạn cần nhanh chóng ngắt nguồn điện, hoặc sử dụng cây khô, gậy khô , gậy nhựa gạt dây điện ra khỏi người nạn nhân. Tuyệt đối không được dùng tay không để kéo nạn nhân vì dòng điện sẽ truyền sang bạn.

Đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện càng sớm càng tốt.

Để nạn nhân nằm nơi khô ráo, thoáng mát để cơ thể giải phóng điện, đầu thấp hơn chân.

Kiểm tra xem người bệnh còn thở không, tim đập không? nếu không thì làm hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực để nạn nhân lấy lại hơi thở và nhịp tim.

Che phủ vùng bị bỏng nặng để tránh nhiễm trùng vết thương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại