Tờ South China Morning Post đưa tin, bốn trong số ít nhất 6 tàu sân bay mà Trung Quốc dự kiến hạ thủy vào năm 2035 – sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ liên quan tới năng lực chiến đấu của lực lượng hải quân.
Theo giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ cố gắng bắt kịp, các trang thiết bị phần cứng của quân đội Trung Quốc có thể sẽ tiến tới rất gần siêu cường Mỹ trong công nghệ tàu sân bay. Tuy nhiên, cái mà quốc gia châu Á còn thiếu chính là kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn.
Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự đóng (ảnh: getty)
Tất cả các tàu sân bay mới của Trung Quốc đều sẽ được trang bị các bệ phóng điện từ, giống như các tàu của Mỹ. Hệ thống phóng máy bay điện từ của Mỹ, hay còn được gọi là EMALS, có thể phóng nhiều máy bay hơn và ở tốc độ cao hơn so với các hệ thống chạy bằng dầu diesel trước đây.
Trung Quốc hiện có một tàu sân bay đang hoạt động là tàu Liêu Ninh - bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của nước này, Type 001A, vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm.
"Các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với hệ thống tương tự như EMALS theo kế hoạch sẽ chính thức gia nhập hải quân vào năm 2035, nâng tổng số tàu sân bay của Trung Quốc lên con số 6 – mặc dù chỉ bốn tàu hoạt động ngoài tiền tuyến", ông Wang Yunfei, một chuyên gia về hải quân và từng làm việc trên tàu khu trục của quân đội Trung Quốc, cho biết. "Trung Quốc cần phải tiếp tục phát triển cho tới khi đạt được cùng trình độ với Mỹ".
Trung Quốc cần phải tiếp tục phát triển cho tới khi đạt được cùng trình độ với Mỹ
Wang Yunfei
Bắc Kinh muốn mở rộng nhóm các phương tiện chuyên chở máy bay chiến đấu, nhằm đạt được tham vọng hải quân ở quy mô toàn cầu, đồng thời thực hiện các lợi ích đang ngày càng gia tăng của mình ở nước ngoài.
Năm ngoái, quá trình chế tạo và sản xuất Type 002, tàu sân bay chạy bằng năng lượng dầu diesel thông thường nhưng được trang bị các bệ phóng máy bay điện từ - đã chính thức bắt đầu.
Theo ông Wang, ngân sách cho các dự án tàu sân bay sẽ không bị cắt giảm bất chấp việc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm và cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết với Mỹ.
"Ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, chúng ta vẫn có thể chỉnh sửa phân bổ ngân sách quốc phòng để đảm bảo quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân được tiếp tục", ông Wang khẳng định. "Ví dụ như, chúng ta có thể cắt bớt số lượng các xe tăng mới".
"Ngân sách phục vụ công cuộc hiện đại hóa quân đội sẽ không bị cắt giảm, ngay cả khi Bắc Kinh từ chối sử dụng vũ lực với Đài Loan. Trong một kịch bản chiến tranh, Bắc Kinh có thể giảm chi tiêu một số lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, nhưng sẽ gia tăng chi tiêu quân sự", chuyên gia này phân tích.
Ngân sách phục vụ công cuộc hiện đại hóa quân đội sẽ không bị cắt giảm, ngay cả khi Bắc Kinh từ chối sử dụng vũ lực với Đài Loan.
Wang Yunfei
Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra chỉ thị yêu cầu quân đội Trung Quốc phải hoàn tất hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành một trong những lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Theo ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự trên truyền hình tại Hong Kong, hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được mở rộng, nhằm thể hiện lập trường mang tính toàn cầu mà nước này đang theo đuổi.
Ông Song chỉ ra, với kế hoạch sử dụng bốn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong chiến đấu vào năm 2035, tàu Type 001A và tàu thế hệ sau đó Type 002 sẽ trở thành các tàu chiến tạm thời.
"Tàu Type 002 là tàu chạy bằng năng lượng thông thường được trang bị hệ thống giống như EMALS. Nó có thể là con tàu duy nhất có tính năng như vậy, bởi vì sau này Trung Quốc sẽ chế tạo các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân", ông Song nói.
Cả hai ông Wang Yunfei và Song Zhongping đều cho rằng, tàu Liêu Ninh sẽ bị thay thế bởi Type 001A vào năm 2035. Liêu Ninh được cải tiến từ một con tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998 và được dùng để huấn luyện các thủy thủ.
Tàu Liêu Ninh (trái) và tàu Type 001A (phải)
Hải quân Trung Quốc cũng sẽ phát triển một trong những mẫu phi cơ chiến đấu của mình để sử dụng trên các tàu sân bay. Hiện đang có nhiều tranh cãi xung quanh lựa chọn phi cơ FC-31 hoặc J-20. Trung Quốc mới chỉ có một loại máy bay chiến đấu hoạt động được trên tàu sân bay là J-15. Trong khi đó, Mỹ có hai mẫu.
Theo ông Wang, loại máy bay mà các kỹ sư Trung Quốc đang tập trung vào, là một biến thể của máy bay tàng hình FC-31 với năng lực chiến đấu "có một chút yếu kém hơn so với F-35C của Mỹ".
Trong khi đó, ông Song đánh giá, sức mạnh toàn diện của Trung Quốc sẽ bị giới hạn bởi sự thiếu thốn kinh nghiệm thực chiến.
"Công nghệ tàu sân bay và các phi cơ chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay Trung Quốc sẽ được phát triển để sánh kịp với trình độ của Mỹ, nhưng các trang thiết bị chỉ là một phần trong bức tranh lớn", ông cảnh báo. "Tiêu chuẩn huấn luyện thủy thủ đoàn trên tàu chiến và kiểm soát thiệt hại vẫn là những thiếu sót của hải quân Trung Quốc, bởi vì họ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến như người Mỹ".