Trong bài viết đăng vào trung tuần tháng 6/2017, khi các tỉnh thành Trung Quốc hoàn thành công tác lựa chọn đại biểu dự Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cuối năm, tác giả Yu Nakamura hướng sự chú ý về tỉnh Quảng Đông, nằm cách thủ đô Bắc Kinh 2.000 km về phía Nam.
Các nhân vật có ảnh hưởng ở Trung Quốc, trong nhiều giai đoạn, phải rời thủ đô để xây dựng cơ cấu của mình ở Quảng Đông, vùng kinh tế lớn nhất đất nước, tiếp giáp với đặc khu Hồng Kông. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có mối liên hệ mạnh với địa phương này.
Theo Nakamura, các mối liên hệ của ông Tập bao gồm sự ủng hộ đến từ một "danh gia vọng tộc" ở Quảng Đông, có thể tác động lớn đến nỗ lực định hình ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vào mùa thu tới.
Tượng đài ông Diệp Kiếm Anh ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông (Ảnh: Nikkei)
"Lãnh địa" của họ Diệp
Ngày 4/4/2017, 100 thành viên gia đình tập trung ở Khu tưởng niệm liệt sĩ Quảng Châu trước tượng đài cố nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh và đặt vòng hoa tưởng niệm 120 năm ngày sinh của ông.
Diệp Kiếm Anh, sinh ngày 28/4/1897, mất năm 1986, cho đến nay vẫn là trụ cột của gia tộc dù đã qua đời hơn ba thập kỷ.
Tướng Diệp là cộng sự của các lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cùng những nhà cách mạng khác, đồng thời là một trong những người sáng lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông cũng được biết đến là một trong các "đạo diễn" vụ xử lý Nhóm 4 tên, kết thúc Cách mạng văn hóa Trung Quốc (1966-1976).
Năm 1978, Diệp Kiếm Anh trở thành Chủ tịch Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc. Năm 1983, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban quân sự của đảng và nhà nước, xếp sau lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Ông Diệp có sức ảnh hưởng rất lớn trong PLA. Đón đầu làn sóng cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, gia tộc họ Diệp có nguồn tích lũy lớn thông qua các tài sản, cổ phiếu và kinh doanh thương mại ở Hồng Kông, Macau và Quảng Đông.
Nhà họ Diệp có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài về kinh tế, chính trị, quân sự ở Quảng Đông - tỉnh đóng góp lớn nhất cho GDP Trung Quốc trong 28 năm liên tiếp tính đến năm 2016.
Ông Tập Cận Bình, theo Nakamura, có được sự ủng hộ của gia tộc này.
Mối liên hệ bền chặt
Cố Phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, cha ông Tập Cận Bình, là một người bạn của gia tộc họ Diệp. Diệp Kiếm Anh và Tập Trọng Huân là những chiến hữu lâu năm từ thời kỳ tham gia cách mạng ở căn cứ Diên An. Nhưng ông Tập "cha" sau này bị bức hại trong Cách mạng văn hóa.
Ông Tập Trọng Huân bị giam lỏng trong 16 năm, và khi được trả tự do vào năm 1978, Diệp Kiếm Anh là người đầu tiên đưa tay giúp đỡ. Ông Tập được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông ngay sau khi ông Diệp trở thành Chủ tịch Quốc hội.
"Ông Tập Trọng Huân đạt được thành tích ở Quảng Đông sớm hơn lãnh đạo các địa phương khác nhờ sự giúp đỡ của nhà họ Diệp," một nguồn tin trong ĐCSTQ cho biết.
Biểu hiện của ông Tập "cha" tại Quảng Đông đưa ông trở lại vũ đài lớn ở Bắc Kinh năm 1980, khi ông trở thành Phó chủ tịch Quốc hội, đứng sau Diệp Kiếm Anh.
Tình hình trở nên bất lợi với ông Tập Trọng Huân sau khi Diệp Kiếm Anh qua đời năm 1986. Ông phản đối quyết định bãi miễn Tổng bí thư Hồ Diệu Bang của Đặng Tiểu Bình năm 1987, dẫn đến bị buộc nghỉ hưu vào năm 1993. Vợ chồng ông chuyển tới Quảng Đông sinh sống đến tháng 4/2002, một tháng trước khi ông qua đời.
Ngày nay, nhiều bức ảnh thể hiện quan hệ gần gũi giữa Diệp Kiếm Anh và Tập Trọng Huân vẫn được lưu giữ trong căn nhà nơi ông Diệp sinh ra.
Quan hệ giữa hai gia đình
Gia đình họ Tập và họ Diệp cũng duy trì quan hệ tốt đẹp. Các thành viên gia đình họ Tập, bao gồm mẹ ông Tập Cận Bình là bà Tề Tâm hiện vẫn sinh sống ở tỉnh Quảng Đông. Các chị gái của ông từng tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh về bất động sản, cơ sở hạ tầng và thông tin ở Thâm Quyến, Quảng Châu trong quá khứ.
Ông Diệp Kiếm Anh có 7 người con và đều thừa hưởng quyền lực cũng như ảnh hưởng từ cha mình.
Con trai cả Diệp Tuyển Bình từng giữ chức Tỉnh trưởng Quảng Đông và Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân.
Con trai thứ Diệp Tuyển Ninh từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc và là một thương nhân thành đạt khi nghỉ hưu. Ông qua đời năm 2016.
Quang cảnh lễ truy điệu ông Diệp Tuyển Ninh ngày 10/7/2016 tại Quảng Châu (Ảnh: Chinanews)
Truyền thông Hoa ngữ từng gọi Diệp Tuyển Ninh là "nhà môi giới quyền lực" hay "lãnh đạo tinh thần" của giới hậu duệ tinh hoa - tức con cháu các quan chức cấp cao có ảnh hưởng lớn trong đảng.
Ông được biết đến là có khả năng xuất sắc trong việc dàn xếp lợi ích giữa các thế lực và tận dụng tối đa các mối liên hệ cá nhân phủ trong khắp chính trường, quân đội, khu vực doanh nghiệp và cộng đồng Hakka (Khách gia) - quần thể người dân tộc Hán cổ ở miền Nam Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn.
Ông Diệp cũng được cho là đóng vai trò vận động tích cực ở hậu trường để giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thuận lợi nắm quyền. Giới quan sát chính trị Trung Quốc nói ông Diệp đã dùng ảnh hưởng, kinh nghiệm và thông tin từ tình báo quân đội để hỗ trợ chiến dịch chống tham nhũng được ông Tập phát động sau khi nhậm chức Chủ tịch nước vào tháng 3/2013.
Theo Chinanews, khi ông Diệp Tuyển Ninh qua đời ở tuổi 77, một số người thân của ông Tập Cận Bình cũng dự tang lễ tại Quảng Châu, bao gồm em trai Tập Viễn Bình. Các thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, các cựu Tổng bí thư và cựu Thủ tướng Trung Quốc, bà Tề Tâm... gửi vòng hoa.
Điều bất thường
Ban thường vụ Bộ chính trị là cơ cấu ra quyết sách cao nhất của Trung Quốc. Cơ cấu này dự kiến sẽ thay đổi tại Đại hội đảng vào mùa thu. Một trong những ứng viên nhiều hy vọng lọt vào "top 7" là ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Sau khi trở thành lãnh đạo tỉnh vào năm 2012, ông Hồ Xuân Hoa không thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. "Ông ấy luôn luôn hạn chế gây chú ý," nguồn tin trong đảng tiết lộ với Yu Nakamura.
Tình hình chỉ thay đổi gần đây. Trong một động thái gây bất ngờ, ông Hồ Xuân Hoa đã tham dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên soái Diệp Kiếm Anh hôm 4/4. Ông đứng ở vị trí trung tâm và đặt vòng hoa trước tượng đài.
Những dòng tít lớn trên báo chí Quảng Đông trong tuần sau đó còn khiến giới quan sát ngạc nhiên hơn: Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá cao sự hiện diện của ông Hồ Xuân Hoa trong sự kiện ngày 4/4.
"Rất hiếm khi Chủ tịch Tập khen ngợi ông Hồ Xuân Hoa như thế," nguồn tin nói với Nakamura.
Sau đó, phát biểu tại Đại hội đại biểu ĐSCTQ của tỉnh Quảng Đông vào cuối tháng 5, ông Hồ Xuân Hoa đã có 26 lần cam kết "đoàn kết xung quanh trung ương đảng" do ông Tập làm hạt nhân. Nghĩa là nếu ông này lọt vào Ban thường vụ nhiệm kỳ tới, ông Tập có thể "yên tâm" vào một phiếu ủng hộ trong các quyết định của trung ương.
Nikkei cho rằng, gia tộc họ Diệp đóng vai trò tác nhân không nhỏ để ông Hồ Xuân Hoa "ngả" về ông Tập Cận Bình.
Ông Hồ Xuân Hoa (phải) đặt vòng hoa khi dự lễ tưởng niệm 120 năm ngày sinh nguyên soái Diệp Kiếm Anh, tháng 4/2017 (Ảnh: Quảng Đông TV)
"Căn cứ" Quảng Đông
Trong 7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc đương nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình và 3 ủy viên khác - các ông Vương Kỳ Sơn, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ - có liên hệ với tỉnh Quảng Đông.
Ông Vương Kỳ Sơn, đồng minh của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng, từng làm Phó tỉnh trưởng Quảng Đông.
Ông Trương Đức Giang, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ đã công tác ở Quảng Đông từ khi bắt đầu sự nghiệp năm 1970, cho đến khi thôi giữ chức Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư thành ủy Thâm Quyến vào năm 2001.
Nhiều quan chức Trung Quốc sẵn sàng rời khỏi Bắc Kinh để đến "rèn luyện" ở Quảng Đông, và nếu được sự ủng hộ của thế lực họ Diệp tại đây, họ có thể vận động để trở lại thủ đô với cánh cửa rộng mở hơn.
Cho đến nay, giới quan sát vẫn không nhận thấy dấu hiệu nào về một nhân vật tiềm năng để kế nhiệm ông Tập Cận Bình sau năm 2022. Đại hội đảng vào mùa thu được kỳ vọng sẽ mang tới một tầm nhìn rõ ràng hơn.