Dấu hỏi hiệu quả 1,8 tỷ USD mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Bạch Dương |

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc xin ý kiến về báo cáo và kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Muốn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn

Trước đó, Petro Vietnam đã có văn bản gửi lên Chính phủ về dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cụ thể, dự án đã triển khai được 24/78 tháng so với kế hoạch.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, theo Petro Vietnam, mới hoàn thành bàn giao 108 ha mặt bằng sạch cho dự án vào tháng 3/2016, hoàn thành tái định cư và hoàn thành mặt bằng khu nghĩa địa mở rộng vào tháng 10/2016.

"Tiến độ không đạt nên đến ngày 17/2 năm nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp với Petro Vietnam và cam kết sẽ hoàn thành công tác chi trả bồi thường cho người dân trước 30/4, hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án trước 30/6. Song đến nay, công tác chi trả bồi thường chưa hoàn thành, triển khai chậm công tác thi công xây dựng khu tái định cư. Như vậy, công tác bàn giao mặt bằng đã chậm so với kế hoạch ban đầu hơn 1 năm”, báo cáo của Petro Vietnam nêu.

Đặc biệt, công tác thu xếp vốn cho dự án cũng “mắc kẹt”. Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,813 tỷ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 30%/70%. Trong đó, vốn chủ sở hữu dự kiến 544 triệu USD còn vốn vay dự kiến 1,269 tỷ USD và đang trong giai đoạn thu xếp vốn.

Tuy nhiên, phần vốn vay rất lớn nên để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án, Petro Vietnam cho rằng cần thiết phải có cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.

Do đó, song song với việc tiếp cận các ngân hàng, tổ chức vay vốn để đề xuất, tìm kiếm khả năng tài trợ vốn, Petro Vietnam và Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đang tiến hành làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho dự án.

Theo báo cáo tài chính tính đến 31/12/2016, BSR có tổng tài sản 61.319 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 28.951 tỷ đồng, tăng gần 1.900 tỷ so với năm trước. Nợ ngắn hạn là 14.645 tỷ, nợ dài hạn khoảng 14.306 tỷ đồng. Theo BSR, tỷ lệ nợ/tổng tài sản là 50/50, đây là tỷ lệ tốt đối với doanh nghiệp sản xuất.

Như vậy, sau khi nâng cấp và mở rộng nhà máy, khoản nợ vay với nợ phải trả của công ty có thể lên tới 57.666 tỷ đồng.

Dấu hỏi về hiệu quả

Hiệu quả kinh tế của dự án cũng là một nội dung đáng lưu ý. Kết quả cập nhật hiệu quả kinh tế của dự án cho thấy cùng điều kiện Nhà nước không thu điều tiết, không cấp bù, hiệu quả kinh tế cập nhật ở thời điểm hiện nay thấp hơn nhiều so với tính toán tại phương án được duyệt trong giai đoạn lập dự án.

Thực tế, trong quá trình làm việc với các đối tác tiềm năng của nước ngoài như JX Nippon (Nhật Bản), Gazprom Neft (Nga), PDVSA (Venezuela)… để nghiên cứu khả năng hợp tác triển khai dự án, các đối tác nước ngoài đều kiến nghị Chính phủ xem xét cấp bổ sung cơ chế ưu đãi cho dự án, đặc biệt là ưu đãi thuế 3%-5%-7% đối với các sản phẩm xăng dầu.

Bởi vì theo tính toán, nếu không có cơ chế ưu đãi về thuế sản phẩm xăng dầu thì dự án không đáp ứng kỳ vọng đầu tư. Song, đề xuất nói trên đã không được Chính phủ chấp thuận nên các đối tác lần lượt rút khỏi dự án.

Theo báo cáo, để nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án, Petro Vietnam đang tiếp tục yêu cầu BSR nỗ lực nghiên cứu tối ưu hoá cắt giảm các chi phí đầu tư, chi phí vận hành, tối ưu hoá quá trình sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí bảo dưỡng, lưu kho… Nếu làm tốt, có thể kỳ vọng nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng vẫn sẽ thấp hơn mức tối thiểu theo yêu cầu.

Dù hiệu quả là một dấu hỏi, song Bộ Công Thương vẫn khẳng định việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Dung Quất là hết sức cấp thiết và cần thiết, nhằm cho phép nhà máy chế biến được các loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn dầu ngọt trong nước đang cạn kiệt và có giá thành cao. Đồng thời, nâng cấp chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy đạt tiêu chuẩn euro 5 để đáp ứng quy định của Nhà nước về lộ trình tiêu chuân chất lượng sản phẩm theo quy định của Chính phủ.

Trong trường hợp vì lý do hiệu quả kinh tế không đạt kỳ vọng, dự án không được triển khai, sản phẩm của Dung Quất sẽ không đủ tiêu chuẩn để tiêu thụ trong nước, phải tìm thị trường để xuất khẩu, việc này ảnh hưởng tiêu cực đến công tác vận hành sản xuất của nhà máy, dẫn đến có thể phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động.

Do đó, Petro Vietnam tiếp tục kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành cơ chế ưu đãi bổ sung cho dự án nâng cấp mở rộng Dung Quất, nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà máy lọc dầu trong nước, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của nhà máy. Đặc biệt là chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho dự án.

Trong trường hợp đã áp dụng các giải pháp tối ưu hoá và nâng cao hiệu quả đầu tư mà hiệu quả kinh tế của dự án vẫn không đạt như phương án đã được thông qua, sẽ phải chờ đợi Thủ tướng xem xét có chỉ đạo việc tiếp tục triển khai dự án.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên khẳng định sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay không thể đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 theo lộ trình khí thải tại Quyết định 49. Nhưng sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng dự kiến năm 2021, công suất chế biến nhà máy tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm và chất lượng sản phẩm xăng dầu sẽ đáp ứng chỉ tiêu chất lượng Euro 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại