Dấu hiệu tan băng trong căng thẳng thương mại Mỹ - EU

Công Thuận |

Mỹ và EU cam kết hợp tác khi cả hai bên hướng đến sự bùng nổ về sử dụng xe điện và các lĩnh vực xanh khác.

Theo hãng tin Reuters ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố đạt được sự tiến triển trong việc xoa dịu tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương và cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cụ thể, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố sau cuộc đàm phán tại Nhà Trắng rằng sẽ thảo luận về việc cho phép các nhà sản xuất khoáng sản quan trọng của EU tiếp cận thị trường Mỹ theo chương trình đặc biệt nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp thân thiện với khí hậu.

Hai bên cam kết sẽ phối hợp chung khi cả nền kinh tế Mỹ và EU đều hướng đến sự bùng nổ về sử dụng xe điện và các lĩnh vực xanh khác.

Tuyên bố chung cũng chỉ ra rằng ông Biden và bà Leyen đã đạt được tiến bộ với thỏa thuận bắt đầu đàm phán về việc miễn trừ cho các nhà sản xuất châu Âu đang tìm cách xuất khẩu các khoáng chất quan trọng cho pin xe điện.

Tuyên bố nêu rõ "cả hai bên sẽ thực hiện các bước để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng chảy đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể phát sinh từ các ưu đãi tương ứng riêng của họ".

Bên cạnh đó, trong cuộc gặp, ông Biden nói với bà Leyen rằng liên minh hỗ trợ Ukraine đã đánh dấu "một kỷ nguyên mới". Và trong tuyên bố chung sau đó, họ cho biết "Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng sẽ chia rẽ chúng tôi, nhưng chúng tôi đoàn kết hơn bao giờ hết. Chúng tôi sát cánh cùng nhau trong sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine trong thời gian dài nhất".

Tuy nhiên, căng thẳng đang bùng lên ở châu Âu liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mang tính bước ngoặt của chính quyền Biden, với một khoản chi tiêu lớn của chính phủ Mỹ nhằm ủng hộ ngành sản xuất công nghệ thân thiện với khí hậu của Washington.

Trong bối cảnh EU cảnh báo rằng chính sách "sản xuất tại Mỹ" của các khoản trợ cấp sẽ gây tổn hại cho ngành năng lượng và ô tô của châu Âu, EU đang thực hiện các biện pháp khuyến khích của riêng mình, chẳng hạn như Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh, để thúc đẩy lĩnh vực mới nổi.

Một lĩnh vực khó khăn khác là làm thế nào để đối phó với các chính sách ngoại giao và thương mại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết "những thách thức do Trung Quốc đặt ra là điểm nổi bật trong các cuộc đàm phán".

Washington đã hối thúc các đồng minh châu Âu có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh - không chỉ về mặt ngoại giao mà còn về kinh tế. Tuy nhiên, EU rất muốn tránh rạn nứt với Trung Quốc, khiến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương phần nào bị chia rẽ về các bước tiếp theo.

Elvire Fabry, một nhà phân tích tại Institut Jacques Delors, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris (Pháp), nói với hãng tin AFP rằng cuộc gặp tại Nhà Trắng là cơ hội để bà Leyen thể hiện mong muốn của EU được hợp tác với Washington, "nhưng không phải ở vị trí của người theo sau. đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc".

"Lập trường của EU dựa trên việc muốn duy trì đường lối riêng của mình liên quan đến Bắc Kinh", vị chuyên gia trên lưu ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại