Trước những đòn giáng thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc, mà gần đây nhất là quyết định áp thuế bổ sung đối với số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD, nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc lại chuỗi cung ứng của mình.
Mức thuế nhập khẩu cao khiến các chi phí tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, bởi vậy nên nhiều công ty đã bắt đầu cân nhắc chuyển nhà máy tới các địa điểm có mức chi phí thấp hơn như Việt Nam, Campuchia, Bangladesh và Ethiopia.
Điển hình là một số công ty có tiếng như Steve Madden (Mỹ) hay Puma (Đức) đã tuyên bố sẽ chuyển dần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong thời gian tới.
Công nhân Campuchia. Ảnh: Adam Dean/The New York Times
'Chia tay' Trung Quốc không dễ dàng
Được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", Trung Quốc sản xuất và xử lí rất nhiều loại nguyên liệu được sử dụng trong các mặt hàng tiêu dùng hiện nay, từ khóa kéo hay đinh tán trên những chiếc áo khoác, quần jeans, hay những khoáng vật được sử dụng để chế tạo linh kiện điện thoại iPhone...
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, đó là Trung Quốc còn sở hữu nguồn lao động dồi dào, có tay nghề và kinh nghiệm trong ngành sản xuất công nghiệp.
Hơn nữa, điều kiện về cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt) của họ cũng đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nhanh chóng các loại nguyên vật liệu, hàng hóa từ nơi cung ứng tới các dây chuyền lắp ráp và cuối cùng là tới các cảng biển.
Các quốc gia như Việt Nam hay Campuchia tuy chi phí thấp hơn, nhưng về điều kiện cơ sở hạ tầng hay cơ sở vật chất của nhà cung ứng thì không thể bằng Trung Quốc. Lực lượng nhân công của các quốc gia Đông Nam Á này cũng cần phải qua đào tạo thì mới có thể làm việc được.
Như vậy, việc 'chia tay' Trung Quốc sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Rất nhiều công ty nước ngoài sẽ phải chấp nhận bắt đầu từ con số 0 nếu muốn chuyển nhà máy tới những địa điểm có chi phí thấp hơn.
Ông Elli Bobrovizki, giám đốc cơ sở sản xuất giày ballet của hãng Bloch đặt tại Phnom Penh, chia sẻ: "Ban đầu, khi tôi mới chuyển tới đây [Campuchia], mọi thứ đúng là ác mộng".
Theo ông Bobrovizki, việc vận chuyển các lô hàng từ địa điểm này tới các quốc gia như Mỹ sẽ lâu hơn ít nhất khoảng 1-2 ngày so với vận chuyển từ Trung Quốc. Điều kiện đường xá là một trong những trở ngại lớn trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Ông Bobrovizki cho biết người ta phải đi qua một con đường đất gập ghềnh để tới được nhà máy của ông.
Bên cạnh đó, nhà máy của ông Bobrovizki còn từng gặp phải một số trở ngại từ các công đoàn địa phương. Ông này cho biết mình từng lỗ mất nửa tỉ USD khi bị các công đoàn trên chặn cửa trong suốt 2 tuần.
Tất nhiên các công ty nước ngoài không chỉ tìm cách rút khỏi Trung Quốc chỉ vì cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào gần đây.
Thực tế là mức lương trung bình của lao động Trung Quốc đã tăng thêm khoảng 1/3 trong vài năm gần đây. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, thu nhập trung bình của một công nhân nước này là khoảng 10.000 USD mỗi năm.Trái lại, mức lương tối thiểu của các công nhân Campuchia làm trong ngành dệt may chỉ bằng khoảng 1/5 con số trên.
Theo Bradley Gordon, một luật sư tư vấn đa công ty tại Campuchia, mới đây một công ty của Mỹ đã bày tỏ ý định rút hẳn cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc với một nhà cung ứng và chủ nhà máy tại Phnom Penh. Nhà máy đó đang có ý định thuê thêm 1000 công nhân trong tháng tới, và có kế hoạch tuyển dụng gần 10.000 công nhân trong năm tới.
Tuy vậy, cơ sở hạ tầng và vật chất của Trung Quốc vẫn phù hợp hơn với mục đích sản xuất và kinh doanh. Mạng lưới hậu cần của Trung Quốc rất rộng lớn và nhanh chóng. Trong 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã xây dựng thêm 4,7 triệu km đường cao tốc. Nước này còn sở hữu 13 trong số 50 cảng biển lớn nhất thế giới, trong đó có 3 cảng lọt vào top 5.
Nếu chỉ xét riêng về năng lực sản xuất, thì Trung Quốc có thể coi là 'vô đối'. Số liệu cho thấy sản lượng do Trung Quốc sản xuất có lẽ phải gần bằng sản lượng của Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
"Toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi được đặt ở Trung Quốc, nên nếu chúng tôi chuyển đi nơi khác, thì chúng tôi vẫn sẽ phải thu mua các linh kiện tại Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu chúng sang nơi khác", ông Aaron Emigh, nhà đồng sáng lập của công ty start-up Brillant (Mỹ), chuyên sản xuất các thiết bị dùng trong nhà thông minh.
"Việc chuyển đi khỏi Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào vấn đề chi phí, mà còn phụ thuộc vào khả năng của chúng tôi nữa", ông Emigh cho biết.
Thiết bị của Brilliant có tới hơn 700 linh kiện, và hầu hết trong số đó đều là hàng sản xuất tại Trung Quốc, như bảng mạch in, nhựa đúc, màn hình và mô-đun.
Các công ty nước ngoài quyết rút khỏi Trung Quốc, bất chấp khó khăn
Tuy nhiên, một số công ty tin rằng họ cần phải bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế, bất kể Trung Quốc hấp dẫn đến thế nào.
Inventec, một nhà sản xuất linh kiện điện tử của Đài Loan cho các công ty như HP, Toshiba và Acer, đã lên kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc Đại lục về đảo Đài Loan, CH Séc, Mexico và Houston (Mỹ), đại diện của công ty này cho biết.
Việc vận chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên Inventec có thể lắp ráp sản phẩm cuối cùng tại những địa điểm khác để có được nhãn mác xuất xứ không phải ở Trung Quốc.
Ông Peter Baum, chủ công ty Baum-Essex - chuyên sản xuất những mặt hàng như ô dù và túi vải, hiểu rất rõ những thách thức của việc vận hành cơ sở sản xuất tại các nước như Campuchia. Ông Baum cho biết, việc thu mua các nguyên liệu từ nhiều địa điểm đồng nghĩa với việc quá trình sản xuất sẽ chậm hơn vì các sự cố bất đắc dĩ.
"Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất", ông Baum nói. Gần đây, ông này mới hoàn thành một đơn hàng sản xuất dù cho Costco, và đã mất vài trăm nghìn USD trong quá trình vận chuyển nhiên liệu từ Italia hay đảo Đài Loan do chậm trễ hay bên cung ứng giao nhầm mẫu vải.
Việc Campuchia chưa phát triển trong nhiều lĩnh vực cũng là một trong những trở ngại đối với các công ty nước ngoài.
Ông Holton, chủ nhà máy Pactics, sản xuất các mặt hàng cho hãng thiết bị thể thao Oakley, đã quyết định mở một nhà máy tại Campuchia vào năm 2010. Những đối thủ của công ty ông cho rằng đây là quyết định "điên rồ" bởi chi phí tại Trung Quốc vào thời điểm đó vẫn còn khá rẻ. Tuy nhiên ông này vẫn quyết tâm thực hiện dự định của mình.
Việc mở nhà máy tại Campuchia không hề dễ dàng. Ở đó không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, điện nước, và địa điểm phù hợp để công ty của ông Holten thuê làm nhà máy. Pactics đã phải tự xây dựng nhà máy của họ, và lắp đặt hệ thống lọc nước riêng, cùng với các tấm pin mặt trời và bộ phát điện riêng. Dự án này đã tiêu tốn 960.000 USD và một năm để hoàn thành.
Tuy nhiên ông Holten vẫn cho rằng số tiền và thời gian bỏ ra là xứng đáng.
"Nếu chúng tôi còn ở lại Trung Quốc, thì chúng tôi đã phá sản lâu rồi", ông Holten nói.
Tốc độ chuyển dịch tại Campuchia hiện nay khá chậm chạp. Một nghịch lý là Trung Quốc lại là một trong những yếu tố giúp Campuchia chuyển dịch.
Trong một chuyến thăm chính thức năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ xây dựng một tuyến đường cao tốc mới từ Phnom Penh tới Sihanoukville để bổ trợ tuyến đường cao tốc Hữu nghị Mỹ-Khmer.
Gần đây, nhiều công ty nước ngoài đã liên hệ với ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội Sản xuất Mặt hàng Dệt may tại Campuchia, để xin ý kiến của ông về vấn đề mở nhà máy tại nước này. Đáp lại những câu hỏi ấy, ông Loo chỉ đưa ra câu trả lời đơn giản: Hãy thực tế.
"Việc gây dựng một nhà máy từ con số 0 không hề dễ dàng, và có thể mất hàng tháng đến hơn 1 năm trời", ông Loo nói.