30 năm mới có một lần
Trận lũ kinh hoàng quét qua Yên Bái rạng sáng 3.8 không chỉ khiến 14 người ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chết và mất tích mà còn gây thiệt hại nặng nề về vật chất.
Lũ dữ qua đi để lại nơi này một cảnh hoang tàn đến đáng sợ, cả khu vực bộn bề trong đống đổ nát và đau thương.
Chiều 4.8, vượt qua quãng đường lầy lội kéo dài hơn 10km với người dẫn đường là một thiếu niên tên Giàng A Chừ, nhóm PV đã có mặt ở xã Kim Nọi, nơi có 6 nạn nhân thương vong và mất tích sau trận lũ ống kinh hoàng đêm 2, rạng sáng 3.8.
Điều đáng nói, trong số 6 nạn nhân đó, tới 5 người có quan hệ ruột thịt với nhau.
Khi chúng tôi đặt chân tới nhà cháu Giàng A Hứ (15 tuổi), 1 trong 5 người xấu số của đại gia đình đang chịu cảnh tang thương này thì đã thấy rất nhiều người thân và hàng xóm ngồi trước cửa nhà để chia sẻ nỗi đau với bà Sùng Thị Cở - là mẹ của cháu Giàng A Hứ.
Do không nói được tiếng Kinh nên chúng tôi lại phải nhờ em Giàng A Chừ thuật lại những gì bà Sùng Thị Cở nói để hiểu thêm về nỗi khổ mà gia đình bà đang phải trải qua.
Gạt đi hai hàng nước mắt trên khuôn mặt gầy gò và đen sạm của mình, bà Sùng Thị Cở kể lại: “Hằng ngày, nếu không phải đi học, cháu Hứ thường giúp bố mẹ mang trâu, bò lên núi chăn thả.
Chỗ cháu Hứ chăn thả trâu cách nhà 4km, lại hay đi cùng các anh em trong nhà nên nó rất chăm chỉ làm việc. Nhà tôi làm nông nghiệp, chỉ trông cậy vào 2 con trâu và 7 con bò nên cháu rất nghe lời bố mẹ phụ giúp gia đình”.
Buổi chiều đáng quên hôm đó, khi đang lo việc của đứa em chồng thì bà Cở tiếp tục nhận được tin dữ là đứa con trai xấu số của mình cũng bị lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy.
Khi hay tin này, tưởng chừng như sắp ngất, bà không thể tin đó là sự thật, bà vẫn mong chờ có một phép màu nào đó sẽ mang đứa con trai mà bà mang nặng đẻ đau về với mình.
Bà Cở chia sẻ, "khi hay tin cháu Hứ bị lũ cuốn đi tôi cũng chỉ biết ngồi nhà khóc để chờ cháu trở về chứ cũng chẳng biết làm gì khác.
Vì là trụ cột gia đình nên bố của cháu Hứ vẫn đang vật lộn với cơn lũ ống này với hi vọng sẽ sớm tìm được cháu Hứ về với gia đình".
Với gương mặt thất thần, em Giàng Thị Dủa (học lớp 8) buồn bã kể lại: “Mọi hôm mà không phải làm gì, em cũng hay theo anh Hứ đi lên núi chăn trâu với các anh em trong nhà, tuy nhiên hôm xảy ra sự việc anh Hứ lại không cho em đi theo, anh bắt em ở nhà làm việc nhà nên em cũng không đòi đi theo nữa.
Ở nhà, anh Hứ rất ngoan và nghe lời bố mẹ, ngoài những lúc phụ giúp gia đình làm việc nhà thì anh ấy hay dạy em học bài với hi vọng em theo kịp được những kiến thức mà cô giáo dạy trên lớp”.
Nỗi đau nhân đôi
Rời gia đình bà Cở, chúng tôi lại tiếp tục men theo con đường đất trơn trượt nằm trên đỉnh núi cao nhất của bản Kháo Giống để tới được với gia đình anh Giàng A Mùa (bố của 2 cháu Táng và Phai).
Đoạn đường có những con dốc dựng đứng và nhiều chỗ sạt lở khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.
Khi vừa gặp chúng tôi, anh Giàng A Mùa (SN 1982) với gương mặt đỏ hoe song vẫn giữ được chút bình tĩnh kể lại mọi chuyện cho chúng tôi nghe về ám ảnh kinh hoàng mà gia đình vừa mới trải qua trong một ngày ngắn ngủi mà anh ngỡ như hàng năm trời.
Anh Mùa kể, bình thường, công việc chăn trâu là do 2 vợ chồng anh làm, hôm nào không đi được thì vẫn cắt cỏ cho ăn đầy đủ. Do đang là đợt nghỉ hè nên hai cháu Táng (SN 2007) và Phai (SN 2010) mới nhận đi chăn để phụ giúp bố mẹ.
Ở trường, cháu Giàng A Phai học rất giỏi và ngoan. Ảnh: PĐ.
"Gần 2 tháng nghỉ hè là ngần đấy thời gian 2 cháu nhà tôi đi chăn trâu giúp bố mẹ, có những lần 2 đứa đi chăn cả tuần ở trên núi mới về nhưng lần này (đêm 2.8) hai cháu không về mà ngủ lại trên lều với cháu Hứ (con của anh Giàng A Sử - anh trai anh Giàng A Mùa) và cháu Lu (em họ).
Đến rạng sáng 3.8, trận lũ kinh hoàng chưa từng có trong 30 năm qua đã ập về và cuốn trôi cả 4 đứa trẻ tội nghiệp của gia đình chúng tôi đi mất", anh Mùa kể.
Chị Mùa Thị Sua (SN 1986) đã 2 ngày nay ngồi trước cửa ngôi nhà tuềnh toàng của gia đình khóc ngất lên ngất xuống, không ăn không ngủ để chờ tin tức của hai đứa con xấu số của mình.
Được biết, 1 trong 2 cháu nhà chị đã được tìm thấy ở hồ thủy điện Hội Quả và đến 17h ngày 4.8 đã mang được thi thể của cháu về với gia đình để lo hậu sự.
Có rất đông những người thân, họ hàng tới để động viên và chia sẻ nỗi đau này với gia đình anh chị.
Theo phong tục của người Mông, mỗi gia đình sau khi có người mất đi sẽ được may một bộ quần áo theo đúng tập quán của xóm làng, các mảnh vải, những máy khâu được chuẩn bị rất nhanh chóng để tiến hành những công việc cần làm.
Mọi người giúp đỡ gia đình nạn nhân may áo để lo hậu sự cho 2 cháu. |
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Giàng A Hờ, thầy giáo dạy bộ môn Hóa – Sinh của Trường liên cấp xã Kim Nọi xúc động chia sẻ, cả 4 cháu mất tích đều là anh em họ.
Tuy nhà nghèo nhưng các cháu rất ngoan và học giỏi. Sự việc xảy ra làm chúng tôi hết sức bất ngờ, ai cũng đau buồn khi hay tin các cháu bị mất tích. Đến ngày 15.8 này là bắt đầu năm học mới nhưng các cháu không đến lớp học được nữa rồi.
Bên cạnh mất mát lớn lao của 2 gia đình này, anh Giàng A Hù (39 tuổi) đã kịp thời phát hiện lũ quét và đưa vợ cùng 2 con chạy thoát thân.
Thế nhưng, nghĩ đến đàn lợn 15 con – tài sản lớn nhất và duy nhất của gia đình - có thể bị đất đá đè chết, anh vội quay lại mở cửa cho đàn lợn chạy ra ngoài. Cùng lúc này, lũ ống và các tảng đá sập xuống khiến anh Hù nằm lại mãi trong lòng đất.
Bên cạnh đó, trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 3.8 cũng cuốn đi một cháu nhỏ tuổi nữa trong đại gia đình là cháu Giàng A Lu (SN 2010).
Như vậy, chỉ trong tích tắc, đại gia đình nghèo ở Kim Nọi (Mù Cang Chải – Yên Bái) đã mất đi 1 người lớn và 4 cháu nhỏ sau trận “đại hồng thủy”, để lại những vết thương sâu thẳm trong trái tim những người còn sống không thể nào quên được.