Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất như sau:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a/Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật;
b/Đất không có tranh chấp;
c/Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d/Trong thời hạn sử dụng đất.
Chỉ trong trường hợp người lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc di chúc bằng văn bản có chứng thực mới bắt buộc phải có sổ đỏ.
Luật Dân sự 2015 quy định đối với di chúc được lập bằng văn bản mà không có công chứng, chứng thực thì chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
-Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Vì thế có thể hiểu rằng người đang sử dụng đất không có sổ đỏ vẫn được lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có người làm chứng nhằm để lại thừa kế quyền sử dụng đất theo ý chí của mình.
Việc đất không có sổ đỏ vẫn được chia thừa kế, bởi lẽ nếu chỉ vì không có sổ đỏ mà không được chia thừa kế thì khi đó quyền sử dụng đất sẽ “vô chủ” hoặc thuộc về Nhà nước.
Pháp luật dân sự Việt Nam quy định có 2 loại thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Với việc chia thừa kế theo di chúc, pháp luật quy định người lập di chúc có quyền sau đây:
-Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
-Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
-Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
-Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
-Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, nếu di chúc hợp pháp, việc chia thừa kế là quyền sử dụng đất không có sổ đỏ sẽ được phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Còn chia thừa kế không có di chúc, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Cụ thể như sau:
-Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
-Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
-Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.