(Nguồn ảnh: Không quân Ấn Độ)
Tháng 1/2021 là thời điểm Không quân Ấn Độ thông qua thỏa thuận mua 83 máy bay chiến đấu một động cơ hạng nhẹ Tejas Mk1A, đánh dấu đơn đặt hàng lớn thứ hai cho loại máy bay này [tiếp nối đơn đặt hàng đầu tiên với 40 chiếc].
Tejas bắt đầu được Ấn Độ phát triển vào đầu những năm 1980, sau 40 năm nghiên cứu phát triển và một khoảng thời gian trì hoãn kéo dài.
Mẫu máy bay này đã được Không quân Ấn Độ cấp giấy chứng nhận hoạt động vào tháng 12/2019. Nó có khối lượng tương đương với mẫu Gripen của Thụy Điển và mẫu JF-17 của Pakistan, nhưng nhẹ hơn đáng kể so với các mẫu thiết kế một động cơ tiên tiến hơn như F-16 Fighting Falcon của Mỹ và J-10 Firebird của Trung Quốc.
Máy bay hạng nặng Su-30MKI và máy bay hạng nhẹ Tejas của Không quân Ấn Độ.
Mặc dù được quảng bá là chương trình tiêm kích nội địa nhưng nhiều hệ thống cốt lõi của Tejas được mua từ các nhà cung cấp nước ngoài, như động cơ F404 của Mỹ, bộ cảm biến của Israel, thiết bị điện tử và tên lửa không-đối-không của Nga.
Trước đó, hướng phát triển máy bay chiến đấu nội địa hạng nhẹ và chi phí thấp đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Thụy Điển cho đến Đài Loan, theo đuổi vì một số lý do.
Nó không chỉ cho phép họ cải tiến và điều chỉnh mẫu máy bay theo nhu cầu của lực lượng vũ trang trong nước, mà còn tạo điều kiện để phát triển công nghệ cấp cao nội địa và theo đuổi ý tưởng thiết kế riêng. Ngoài ra, các mẫu máy bay sản xuất trong nước thường có chi phí thấp hơn so với giá nhập khẩu trên thị trường.
Xét tới các kế hoạch vô cùng tham vọng của Ấn Độ nhằm mở rộng quy mô lực lượng máy bay chiến đấu [trong đó đặt mục tiêu tăng thêm hàng chục phi đội mới trong tương lai gần] thì một loại máy bay phản lực nội địa hạng nhẹ, chi phí thấp sẽ mang tới cho New Delhi phương tiện hiệu quả để đạt được điều đó, trong khi vẫn nằm trong giới hạn của ngân sách quốc phòng Ấn Độ.
Vấn đề duy nhất là mẫu Tejas, do phụ thuộc nhiều vào các công nghệ ngoại nhập vô cùng đắt đỏ, nên gần như không thể đáp ứng tiêu chí máy bay chiến đấu giá rẻ. Đơn đặt hàng đầu tiên đã khiến Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiêu tốn 62,7 triệu USD cho mỗi khung máy bay.
Cận cảnh máy bay chiến đấu 1 động cơ Tejas của Ấn Độ.
Tới năm 2021, theo tờ Business Standard, đã có những lo ngại rằng chi phí sản xuất mỗi chiếc Tejas sẽ lên tới hơn 70 triệu USD, tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ cấp cao của Ấn Độ thời điểm đó cho biết chi phí sản xuất mỗi chiếc Tejas phiên bản Mark 1A [theo thỏa thuận cung cấp 83 chiếc cho Không quân Ấn Độ] sẽ không cao hơn 43 triệu USD/chiếc.
Việc Ấn Độ mua động cơ F404, các cảm biến và thiết bị điện tử của Israel với giá xuất khẩu, cùng những bộ phận đắt tiền đã khiến Tejas không thể có chi phí rẻ như mẫu JF-17 của Pakistan, Ching Kuo và Brave Eagle của Đài Loan, J-10 và J-15 của Trung Quốc, hoặc F-16 của Mỹ.
Theo tạp chí MW, có thể lấy mẫu F-35A của Mỹ làm ví dụ cho sự chênh lệch giá của các loại máy bay chiến đấu sản xuất trong nước và xuất khẩu. F-35A được Không quân Mỹ mua vào với giá khoảng 80 triệu USD mỗi chiếc nhưng đang được bán trên thị trường xuất khẩu với giá khoảng 200 triệu USD/chiếc.
Tương tự như vậy, trong khi mẫu Su-57 của Nga hiện là máy bay chiến đấu đắt nhất bên ngoài phương Tây được chào bán trên thị trường xuất khẩu [với giá khoảng 110 triệu USD/chiếc], nó lại được cung cấp cho Không quân Nga với đơn giá 35 triệu USD (theo thông tin năm 2019, tạp chí MW) và gần 40 triệu USD (theo thông tin năm 2021, tạp chí National Interest).
So sánh các mức giá mà Nga và Mỹ đang mua Su-57 và F-35A để phục vụ lực lượng vũ trang trong nước thì Tejas đang mang lại cho Ấn Độ ít lợi ích về chi phí hơn. Đó là chưa kể tới việc hai mẫu máy bay của Nga, Mỹ đều có hạng nặng hơn và tinh vi hơn hẳn mẫu chiến đấu cơ của Ấn Độ.