Theo một báo cáo mới đây của UNICEF, những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó có nguy cơ tử vong trước 5 tuổi và suy dinh dưỡng mãn tính cao gấp 2 lần những đứa trẻ con nhà giàu.
Đó chính là lý do tổ chức UNICEF thực hiện đoạn camera ẩn này và nó đã đem lại cho chúng ta một kết quả không thể nào ngờ tới.
Bạn sẽ làm gì nếu gặp đứa trẻ 6 tuổi bị lạc trên phố?
Camera ẩn bắt đầu
Trong đoạn video thực nghiệm xã hội mới của UNICEF, ekip quay phim đã theo chân một cô bé diễn viên nhí 6 tuổi Anano trong vai một em nhỏ bị lạc trên đường phố đông người qua lại và trong một nhà hàng ở Tbilisi, Georgia.
Tuy nhiên, Anano sẽ phải diễn 2 vai: một em bé bẩn thỉu rách rưới và một em bé con nhà giàu xinh đẹp, khoác trên mình những bộ cánh đắt tiền để thử phản ứng của những người xung quanh.
Mở đầu đoạn video, Anano mặc một chiếc váy mày ghi, đi tất xanh tím than, khoác ngoài chiếc áo dạ màu hồng nhạt và đi đôi bốt bóng lộn.
Người ta xúm lại hỏi han cô bé con nhà giàu đứng một mình trên đường.
Cô bé chỉ việc đứng đó, hai tay đút túi áo mà rất nhiều người xúm lại hỏi tên, tuổi và hỏi thăm xem có phải em bị lạc không
"Cháu sống gần đây không? Có phải cháu bị lạc không?", những người lạ mặt tỏ ra vô cùng sốt sắng.
Một người đàn ông còn rút điện thoại ra để gọi cảnh sát giúp đỡ. Có vẻ như còn rất nhiều người tốt bụng sẵn lòng giúp đỡ một cô bé bị lạc trên đường.
Và rất nhiệt tình đề nghị giúp đỡ.
Phản ứng "lạnh người" khiến chúng ta phải suy ngẫm
Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như vậy. Cuộc thực nghiệm bắt đầu chuyển sang trạng thái "tăm tối" khi khuôn mặt đáng yêu của "cô bé con nhà giàu" đã bị hóa trang thành "cô bé Lọ Lem" với bộ quần áo bẩn thỉu, đầu tóc rũ rưỡi, đội một chiếc mũ len trông lôi thôi lếch thếch.
Mặc dù đứng cùng một vị trí "cô bé con nhà giàu" vừa đứng nhưng ngoại hình hiện tại của Anano đã thay đổi hoàn toàn cách mà người ta đối xử với cô bé.
Những khi cô bé Anano "thiên nga hóa vịt" thì...
Không những bị phớt lờ mà thậm chí người ta còn chẳng thèm nhìn cô bé lấy một cái cho phải phép. Thái độ của người qua đường đối với cô bé rách rưới đang đứng bơ vơ một mình khác một trời một vực so với cái cách mà họ xun xoe quanh "cô bé con nhà giàu".
... không một ai thèm chú ý tới. Họ làm ngơ trước một em bé rách rưới dù rằng em bị lạc, một mình bơ vơ trên phố.
Chưa dừng ở đó, đoàn làm phim lại tiếp tục cuộc thực nghiệm xã hội tại một nhà hàng và lần này "cô bé con nhà giàu" lại thắng thế.
Khi Anano đi vào nhà hàng trong chiếc áo khoác hoa màu hồng nhạt, những người hoàn toàn xa lạ tại đây rất vui vẻ đề nghị em ngồi bên cạnh họ. Một người phụ nữ trẻ vuốt ve má em trong khi một người đàn ông còn cho Anano tiền.
Thậm chí, có một bà còn ôm Anano vào lòng. Mọi người ai nấy đều ra sức làm cho cô bé vui.
Sau đó, tại nhà hàng, cô bé con nhà giàu vẫn thắng thế.
Thế nhưng, người ta không còn vồn vã như thế nữa khi Anano trở lại là "cô bé Lọ Lem" rách rưới khi vào nhà hàng.
Ở một khoảnh khắc, một người phụ nữ nhìn như có vẻ chuẩn bị ôm "cô bé Lọ Lem" vào lòng nhưng thực ra cô ta chỉ muốn chuyển chiếc túi xa cô bé rách rưới ra mà thôi.
Thậm chí, nhẫn tâm hơn, một người đàn ông còn lớn tiếng xua đuổi và đẩy Anano tránh xa bàn ăn của ông ta khi cô bé đến gần.
Trong khi, "cô bé Lọ Lem" bị xa lánh và xua đuổi thậm tệ.
Cô bé Anano lúc này đã không kiềm chế được cảm xúc của mình, òa khóc và bỏ chạy ra khỏi nhà hàng đó.
Anano rất buồn, cô bé thổn thức mãi về việc chỉ vì mặc quần áo bẩn và mặt mũi nhọ nhem mà bị người ta đuổi đi không thương tiếc. Vì vậy, đoàn làm phim không còn cách nào khác là dừng buổi thực nghiệm lại.
Điều này khiến cô bé diễn viên nhí không giấu nổi nỗi buồn.
Rõ ràng, cùng là một cô bé bị lạc nhưng cách đối xử của mọi người đối với hai đứa trẻ dựa vào quần áo chúng mặc bên ngoài quả thực khác nhau một trời một vực.
Trong bộ váy và áo khoác dài thời trang, mọi người nhanh chóng tới hỏi han giúp đỡ Anano nhưng khi em vừa thay bộ quần áo cọc cạch, bẩn thỉu, tóc tai xõa xượi thì hoàn toàn bị người ta phớt lờ, thậm chí tỏ thái độ ghẻ lạnh và xua đuổi.
Hãy thử tượng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu hàng triệu đứa trẻ nghèo khó kia bị đẩy ra bên lề xã hội mỗi ngày? Đó là câu hỏi nhức nhối xoáy sâu vào tâm can những người có tấm lòng trắc ẩn.