Đạo diễn phim Việt đi xa nhất ở Oscar: Cảnh kéo vợ là ngoài dự kiến, khi nó xảy ra, tôi rất sợ

Lan Hương |

Hà Lệ Diễm, đạo diễn của Những đứa trẻ trong sương chia sẻ, cảnh kéo vợ trong phim như con dao 2 lưỡi. Dù biết cảnh này rất quan trọng, là mốc đánh dấu việc Di trở thành người lớn nhưng bản thân Diễm cũng thấy sợ phần đó áp đảo hết phần còn lại, đồng thời làm mọi người hiểu nhầm về phim.

Đến thời điểm hiện tại, Những đứa trẻ trong sương đã chiếu được 5 tuần và nhận được thái độ phản hồi tích cực. Diễm cảm thấy thế nào?

Tôi cảm thấy vui. Vì có nhiều phản hồi giống như ủng hộ cho Di và dành tình cảm cho Di rất lớn. Trong 2 buổi chiếu thân mật do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) tổ chức, mọi người hỏi chuyện Di nhiều lắm.

Vì sao Diễm quyết định làm phim về Di?

Ngay từ đầu tôi đã thích làm một bộ phim về Di rồi, làm phim về tuổi thơ, làm phim về sự lớn lên của Di.

Đạo diễn phim Việt đi xa nhất ở Oscar: Cảnh kéo vợ là ngoài dự kiến, khi nó xảy ra, tôi rất sợ - Ảnh 1.

Nhân vật Má Thị Di trong phim Những đứa trẻ trong sương. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Những gì tôi quay lại là những gì đang diễn ra và những gì sắp diễn ra, ngay cả nhân vật cũng không biết điều gì sắp diễn ra với họ. Bản thân người làm phim cũng không biết. Nên cũng vì thế mà bộ phim bị giới hạn. Nhiều người cũng hỏi sao không kể nhiều hơn về văn hóa Mông, nhưng phim này tôi làm về nhân vật, nếu như những phần văn hóa Mông không xảy đến với nhân vật thì cũng sẽ không vào phim. Còn những gì xảy ra với nhân vật mà quan trọng với nhân vật thì tự nhiên nó sẽ vào phim.

Tức là chi tiết kéo vợ ngẫu nhiên xảy đến?

Đúng vậy, nó ngẫu nhiên xảy đến với Di. Còn nếu chuyện đó không xảy đến với Di thì cũng sẽ không vào phim của tôi, mặc dù bộ phim về một cô bé người Mông.

Tôi cũng đã xác định ngay từ đầu là đây là bộ phim về Di, về cô bé Di lớn lên như thế nào. Phim chỉ kể về cá nhân một con người, về cảm xúc của cô bé đó nhiều nhất, về tương lai, ước mơ của cô bé nên nếu mọi người có thể nhìn thấy những giá trị phổ quát hơn thì đó là may mắn cho bộ phim còn nếu người xem cảm thấy bộ phim chưa nói hết được về văn hóa Mông tôi cũng không có cách nào khác. Đây là bộ phim về Di mà!

Đạo diễn phim Việt đi xa nhất ở Oscar: Cảnh kéo vợ là ngoài dự kiến, khi nó xảy ra, tôi rất sợ - Ảnh 2.

Bù lại, cách làm phim này có cả giới hạn và cả những cái rộng mở hơn cho mình. Mọi người sẽ được hiểu sâu sắc hơn về cảm xúc của một cô bé, một cá nhân rất cụ thể trong cộng đồng.

Mọi người hay hỏi tôi thông điệp của phim là gì. Thật ra khi làm phim tôi muốn kể cảm giác về sự cô đơn và nỗi buồn của một cô bé khi phải lớn lên.

Mọi người xem phim xong sẽ có những cảm nhận riêng về phim. Tôi thì rất thích những cảm nhận cá nhân và tôi tôn trọng không gian riêng tư, kể cả mọi người thích hay không thích. Tôi nghĩ là mỗi một bộ phim đều sống trong lòng khán giả theo một cách nào đấy và tôi không muốn can thiệp vào sự riêng tư đó. Nhiều khi cũng không cần phải nói rõ đạo diễn cảm thấy thế nào.

Đó là lý do mà trên fanpage chính thức của phim không đưa bất kỳ một bài review nào về phim. Tôi không muốn những ý kiến đó ảnh hưởng đến khán giả khác còn lại.

Cảnh Di bị kéo là ngoài dự kiến, khi nó xảy ra và được ghi lại, tôi rất sợ, vì tôi biết cảnh đó rất là mạnh. Nó như con dao 2 lưỡi, nó xảy đến với Di và bắt buộc Di phải suy nghĩ như một người lớn, không còn là một đứa trẻ con nữa. Tôi biết cảnh này rất là quan trọng, là mốc đánh dấu việc Di trở thành người lớn. Nhưng ngay bản thân tôi cũng thấy sợ phần đó áp đảo hết phần còn lại, đồng thời nó cũng làm mọi người hiểu nhầm về phim của tôi là toàn về về văn hóa, về tục kéo vợ.

Đây là lý do tôi đã phải xin chị sản xuất quay thêm 1 năm nữa, để tìm cái kết cho phim, để bản thân mình cân bằng lại, và cũng để tìm cách cân bằng cho bộ phim. Tôi cũng tìm nhiều cách để giảm tải sự đột ngột và bạo lực của cảnh quay. Do đó, lúc dựng thì ngay đầu phim có cảnh Di và các bạn chơi trò kéo vợ để chuẩn bị trước tâm lý cho mọi người về điều sẽ xảy ra với cô bé.

Sau hiệu ứng từ việc vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Phim tài liệu Oscar, công việc của Diễm có thấy gì khác biệt không?

Tôi thấy bận rộn hơn, làm việc nhiều hơn. Ngay cả việc giúp liên hệ các rạp, kiểm tra kỹ thuật cũng nhờ có TPD hỗ trợ.

Trước đấy thì trong khoảng năm 2019 - 2020, trước khi phim hoàn thành thì bận mà còn căng thẳng nữa vì lúc đấy tôi phải xin quỹ để hoàn thành phim. Nếu không xin được thì sẽ không có phim vì hậu kỳ cho phim phải làm 6 tháng đến 1 năm mà tôi thì không tự dựng được. Nên lúc đó bận và căng thẳng còn giờ thì chỉ bận thôi, chứ không lo lắng.

Đạo diễn phim Việt đi xa nhất ở Oscar: Cảnh kéo vợ là ngoài dự kiến, khi nó xảy ra, tôi rất sợ - Ảnh 4.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm tại LHP quốc tế IDFA. Ảnh: TPD.

Khó khăn nhất vẫn là tài chính?

Luôn luôn là như thế, nó quyết định bộ phim có được thực hiện hay không. Lúc bị các quỹ từ chối cũng nhiều, tôi cũng chán, lúc ấy kiểu ôi không có kinh phí thì làm thế nào.

Diễm có nhớ đã bị từ chối bao nhiêu lần không?

Khoảng 20 lần. Nhưng tôi cũng không nhớ rõ lắm đâu. Sau đó thì phim nhận được quỹ của LHP Quốc tế Busan đầu tiên. Sau khi được 1 quỹ chấp nhận thì những quỹ khác họ cũng cảm thấy uy tín hơn, cho mình qua "vòng gửi xe".

Diễm đến với phim tài liệu như thế nào?

Tôi tham gia khóa học về phim tài liệu do Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD tổ chức năm 2012. Lúc đó đi học vì khóa dạy miễn phí và cảm thấy tò mò.

Khi nào thì Diễm quyết định chuyển hẳn sang làm phim?

Năm 2016, lúc đó tôi đi làm rồi, có tiền lương ổn định. Năm đó Trại sáng tác phim tài liệu Varan Việt Nam có tổ chức một khóa học làm phim kéo dài 3 tháng trong Tp Hồ Chí Minh.

Tôi xin sếp cho nghỉ 3 tháng để đi học. Sau 1 tuần, sếp gọi điện cho tôi và nói hoặc là tăng lương để tôi đi làm tiếp, hoặc là tôi nghỉ việc luôn. Cuối cùng tôi quyết định nghỉ việc.

Lúc đấy tôi đi làm 2-3 năm đã tiết kiệm được một khoản, thì trong 3 tháng đó tiêu hết sạch tiền luôn. Ba tháng đó tôi ở nhà bạn không mất tiền nhà, nhưng còn tiền vé máy bay, xăng xe đi lại, tiền ăn…

Sau đấy tôi cũng nghỉ luôn việc làm cố định. Thường tôi sẽ xếp lịch đi quay trước rồi đi làm, lúc đấy mà không kiếm được việc làm thì đi mượn tiền của bạn.

Tôi có một cô bạn thân, có đợt bạn ấy nuôi tôi ăn ở suốt nửa năm, đồ ăn thì thỉnh thoảng bố mẹ gửi xuống. Sau đấy tôi đi làm có tiền thì gửi trả lại bạn.

Đã từng đi làm và có lương ổn định, cũng có lúc có 2 triệu đồng, hay cả khi chỉ có 5 nghìn đồng trong người, tôi nhận thấy có nhiều tiền hay ít tiền tôi vẫn sống sót.

Khi đi học ở Sài Gòn 3 tháng, tôi chỉ mang theo đồ gọn nhẹ nhét vừa một cái ba lô, thấy cũng không thiếu đồ gì cả. Những đồ ở Hà Nội tôi quên sạch. Tức là có những thứ đấy hay không mình vẫn sống tốt, quần áo, giầy dép không quan trọng, dùng cái gì cũng được, điện thoại cũng chỉ để nghe gọi, tiền trọ cũng rẻ, và tôi vẫn đóng 2 cái bảo hiểm ngon lành.

Có một lần, bị sốt xuất huyết, tôi rất bình tĩnh, tự theo dõi sức khỏe đến 4 giờ sáng thì thấy dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Trước đó tôi đã thu sẵn đồ đạc rồi, giấy tờ để 1 bên, tiền bạc để 1 bên, quần áo cho hết vào ba lô, rồi gọi bạn đưa vào bệnh viện. Trên đường đi tôi còn chỉ đường cho bác tài xế đi vào khoa Cấp cứu. Tôi là người mà nếu có chuyện gì xảy ra, tôi rất biết mình phải làm gì.

Điểm này tính cách của Diễm có vẻ giống Di?

Chị sản xuất cũng bảo tính cách của đạo diễn và nhân vật rất giống nhau. Di cũng là người rất biết mình muốn gì. Hai chị em đều bướng!

Hình như Diễm đang mặc đúng chiếc áo jeans bạn mặc khi nhận giải LHP Quốc tế ở Hà Lan? Diễm có vẻ như không chuẩn bị là sẽ lên nhận giải?

Đúng rồi, lúc được trao giải tôi bất ngờ. Có những LHP tôi kể tên mọi người bảo "Ôi LHP này lớn lắm!", tôi mới biết chứ trước đấy cũng không biết đâu. Bình thường khi làm phim tôi chỉ tập trung làm phim. Như 4 năm làm Những đứa trẻ trong sương, tôi chỉ đi đi về về Sa Pa. Khi bắt đầu vào việc thì tôi không làm được việc khác đâu.

Tôi cũng không có cơ hội đi xem nhiều phim cho nên những LHP nào mời, tôi nhận lời hết vì muốn xem phim.

Ở LHP Amsterdam, khán giả họ mua vé xem phim rất là đông. Có những phim không kịp đi mua vé, 2 ngày công bố trên website thôi đến ngày thứ 3 hết sạch vé luôn. Phim của tôi có 5 buổi chiếu, sau đấy họ tăng lên 1 buổi. Tôi thấy vui lắm.

Hôm trao giải thì tôi cùng với mấy bạn Belarus, Myanmar, Nga, trốn xuống hàng dưới cùng ngồi nói chuyện. Đang ngồi nói chuyện thì "bị" gọi lên.

LHP đó một năm họ nhận 3-4000 phim chọn ra 260 phim để chiếu, cả phim cũ và phim mới. Vào vòng tranh giải là tôi đã thấy "xịn" lắm rồi, trong quá trình diễn ra LHP, tôi tranh thủ đi xem các phim khác, báo chí các nơi hẹn gặp còn thấy hơi phiền (cười).

Làm phim đem lại cho Diễm những gì?

Tôi học được nhiều điều lắm, cuộc sống không chỉ đúng và sai, trắng và đen mà nhiều màu sắc hơn. Tôi thích sự chuyển động của mọi người, thích cách mọi người đối mặt với cuộc sống, đưa ra quyết định của mình. Nếu chỉ có tốt hoặc xấu thì sẽ hơi chán (cười).

Mọi người nhận được từ mình thì ít chứ tôi nhận được nhiều từ mọi người.

Phim chiếu đến tuần thứ 3 là tôi cảm thấy tốt lắm rồi, các phim khác 2-3 ngày đầu không có khán giả là "bay", kể cả phim bom tấn, nên họ chỉ đánh 2-3 ngày đầu thôi. Cũng nhờ mọi người rủ nhau đi, chứ tôi không có chi phí chạy truyền thông. Mọi người hay đùa đạo diễn bán nhà đi làm phim nhưng tôi không có nhà để bán đâu (cười).

Diễm hiện giờ có đang thực hiện dự án nào mới không?

Tôi muốn đi ngắm nhìn các vùng đất trước đã. Nếu gặp ai mà tôi cảm thấy yêu thích thì tôi sẽ làm phim về mọi người.

"Những đứa trẻ trong sương" là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong top 15 đề cử Oscar 2023 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

Trước đó, phim đã tham gia gần 100 liên hoan phim (LHP) lớn nhỏ như: IDFA (Hà Lan), LHP quốc tế về giáo dục (Festival du film d'éducation, Pháp), LHP quốc tế Cork (Ireland)… với tổng số 34 giải thưởng tại các LHP này.

Đáng chú ý, phim giúp đạo diễn Hà Lệ Diễm nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất - Giải thưởng cá nhân quan trọng nhất và giải Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất, tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam" (IDFA) vào tháng 11/2021. Đây được xem là LHP tài liệu lớn nhất thế giới.

Phim cũng được các trường Đại học tại Mỹ mời chiếu cho sinh viên và được chiếu tại các hệ thống trường Đại học ở Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại