Chuyện thật như đùa
Chuyện phó đạo diễn và diễn trợ lý gạ tình diễn viên không phải là điều lạ ở đoàn phim nói riêng và giới showbiz nói chung.
Nghệ sĩ Hoàng Mập từng kể, hồi chưa lập hãng phim, mỗi lần đi quay tỉnh xa, anh ưa giúp đỡ mấy cô gái mới vào nghề bị ức hiếp. Có lần đi làm với một đoàn phim, tay đạo diễn và trợ lý chui vào phòng mấy cô diễn viên trẻ đòi hỏi tình cảm.
Họ chạy qua phòng Hoàng Mập kêu cứu.
Anh bảo: "Trong nghề này, có một số người chỉ là trợ lý, phó đạo diễn hoặc làm công việc kêu diễn viên nhưng vỗ ngực xưng tên làm như mình quan trọng lắm rồi làm mưa làm gió với diễn viên trẻ mới vô nghề.
Mấy diễn viên trẻ không biết, thấy người ta kêu mình đi quay thì tưởng quyền cao chức trọng trong đoàn, thật ra chỉ là chân sai vặt, làm mướn thôi.
Đạo diễn thường kêu vai chính đạo, những vai nhỏ chừng 10, 20 phân đoạn và diễn viên quần chúng thì trợ lý và phó đạo diễn kêu đồng thời quản lý họ".
Ca sĩ Hồng Phượng, cháu ruột nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh là một trong những nạn nhân của trường hợp đó.
Thời mới bước chân vào nghề đi đóng vai quần chúng, Hồng Phượng từng bị gạ tình...
Trước khi trở thành cái tên được chú ý như ngày nay, Hồng Phượng từng có thời gian dài đi đóng vai quần chúng, lồng tiếng phim. Vì không muốn người khác biết mình là cháu ruột danh ca Vũ Linh nên cô giấu biệt thân thế gia đình.
Cũng vì muốn tự đi trên đôi chân của mình nên Hồng Phượng gặp không ít trắc trở và cạm bẫy. Thậm chí, cô từng bị phó đạo diễn, trợ lý tán tỉnh đưa ra những lời đề nghị khiếm nhã "em chịu anh đi, anh sẽ cho em vai diễn mấy chục phân đoạn...".
Họ nghĩ rằng, một cô diễn viên quần chúng không ai biết mặt biết tên như Hồng Phượng, có được vai diễn mấy chục phân đoạn hẳn là miếng mồi béo bở nhưng Hồng Phượng đã không bị dụ dỗ. Cô chọn cho mình con đường chậm nhưng chắc vì danh dự của gia đình và bản thân.
Những câu chuyện "nhạy cảm" đó ít nhiều khiến diễn viên trẻ hiện nay dè chừng với trợ lý và phó đạo diễn và nhiều khán giả thiếu thiện cảm với họ.
Nhưng ở đâu cũng có người tốt người xấu, nghề nào cũng có người này người kia - đó là chia sẻ thẳng thắn của anh Trương Minh Hoàng, nghệ danh Hoàng râu – trợ lý đạo diễn Hoàng mập khi đề cập đến câu chuyện nhạy cảm này.
"Đánh đĩ 9 phương chừa 1 phương để lấy chồng"
Anh Hoàng râu chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là mình phải nhận thức được công việc của mình và làm gì cũng cần có đạo đức.
Thời xưa, trợ lý rất hiếm. Một số người đam mê làm nghề nhưng không biết đường đi nước bước mới bị trợ lý lợi dụng và gạ gẫm. Tất nhiên, nghề trợ lý cũng có những người xảo trá, ma mãnh lợi dụng công việc của mình để tư lợi... nhưng con số đó không nhiều.
Nghệ sĩ Hoàng mập còn được đàn em trong nghề gọi bằng cái tên thân mật "má Hoàng" vì anh thường xuyên đứng ra bảo vệ diễn viên trẻ bị ức hiếp. (Ảnh: Duy England)
Ngày xưa, đạo diễn là "cha mẹ" đoàn phim, họ được quyền quyết định chọn diễn viên. Quyền sinh quyền sát của đạo diễn rất lớn nên vai trò của trợ lý hay phó đạo diễn cũng rất có uy.
Còn bây giờ, đạo diễn cũng chỉ là những người làm thuê làm mướn. Đạo diễn lựa 3, 4 người cho vai chính rồi gửi danh sách đó qua nhà sản xuất. Nếu bị nhà sản xuất gạt đi thì cũng phải chịu. Trợ lý cũng vậy. Công việc bây giờ là tất cả mọi người hợp tác với nhau đi làm kiếm miếng cơm.
Cùng là trợ lý nhưng hơn nhau ở đạo đức nghề nghiệp và cách nghĩ của mỗi người. Làm nghề nào cũng cần biết Tổ nghề là ai. Đạo đức giúp mình đi được đường dài.
Tôi biết, có một số bạn trợ lý trẻ hiện nay vì cạn nghĩ, ham muốn nhất thời nên không nghĩ được đường dài. Nhưng ở vào tuổi 50 của tôi, tư duy và cách nghĩ chững chạc hơn.
Khi mình xác định công việc này là nồi cơm của mình thì mình sẽ biết làm thế nào để được đồng nghiệp tôn trọng và có tiếng nói trong đoàn.
Nếu gặp ai cũng gạ gẫm thì tất nhiên đến một lúc nào đó sẽ có tiếng trong nghề. Diễn viên nào cũng biết mình là người như thế, nghề này truyền miệng rất nhanh.
Tới lúc đó, diễn viên né mình. Khi đạo diễn yêu cầu kêu diễn viên phụ, diễn viên quần chúng... ai dám nhận đi làm với mình nữa?
Chẳng hạn mình bảo "em ơi, tối mai đi quay cho anh cảnh này nhé", dù cát xê cao nhưng nghe tới quay tối là họ ngại. Dẫu quay thật cũng chẳng ai dám nhận.
Như vậy là chính mình đã đạp đổ nồi cơm của mình. Khi người trợ lý hay phó đạo diễn coi công việc là nồi cơm của mình thì họ sẽ biết phải nấu nướng làm sao cho hoàn hảo chứ không để nấu xong rồi bỏ không ăn được".
Anh Trương Minh Hoàng, nghệ danh Hoàng râu đang làm công việc trợ lý của mình ở đoàn phim "Nhà ông Hoàng có ma".
Trợ lý Hoàng râu cũng chia sẻ thêm, tất cả các diễn viên phụ, diễn viên quần chúng khi đi làm với anh đều được anh nói rõ công việc.
Với những diễn viên trẻ, anh thật tình chia sẻ về những cạm bẫy có thể họ sẽ gặp phải khi đi làm, sự chèo kéo, ma mãnh của những phần tử xấu trong đoàn để họ không bị dụ dỗ.
Tuy nhiên, anh khẳng định: "Bản thân tôi từng gặp một số trường hợp ngược lại, một số cô gái trẻ vì muốn có cơ hội làm nghề tốt hơn, họ chủ động gặp tôi đề nghị tình tiền nhưng tôi từ chối.
Nói mình đạo đức thì không đúng nhưng tôi có nguyên tắc không phạm tới nghề, tới đồng nghiệp. Nói thật với bạn, đi làm có tiền chơi đâu cũng được nhưng mình cần phải biết giữ bản thân, phải chừa nồi cơm của mình ra.
Hồi trẻ, tôi từng ăn chay trường 6 năm, nên ít nhiều hiểu về luật nhân quả, luân hồi. Trồng cà ăn cà, trồng khổ qua ăn khổ qua. Làm gì cũng phải để đức cho mình và cho con cái".