"Đánh úp" Nga bằng đòn Patriot, Mỹ vẫn bị S-400 hạ gục

Kiệt Linh |

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (24/12) tuyên bố, việc họ mua các hệ thống tên lửa trị giá 3,5 tỉ USD của Mỹ không ảnh hưởng đến thỏa thuận mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Như vậy, đây chính là câu trả lời chính thức cho những nỗ lực trong tuyệt vọng của Mỹ nhằm ngăn cản hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể khẳng định, Washington đã đi nước cờ “Patriot” quá muộn và không thể cứu vãn được tình thế.

"Tiến trình mua các tên lửa Patriot không làm ảnh hưởng đến hợp đồng S-400. Chúng tôi không xem hệ thống này là sự thay thế cho hệ thống khác”, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin cho hay.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/12 cho biết, nước này đã thông báo cho Quốc hội về kế hoạch bán một gói vũ khí trị giá 3,5 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 80 tên lửa Patriot và 60 tên lửa đánh chặn PAC-3 cùng với những thiết bị có liên quan.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh NATO. Mỹ thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết, họ “cần” các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và liên tục nhấn mạnh Ankara sẽ mua các hệ thống đó từ đồng minh nếu họ bán.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Nga sẽ bàn giao những hệ thống S-400 đầu tiên cho Ankara vào năm 2019.

Hợp đồng S-400 được xem là một trong những biểu tượng chính của mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga dưới thời Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin.

Hai nhà lãnh đạo này còn đang hợp tác chặt chẽ nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm qua ở đất nước Syria dù hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức trong khi Nga can thiệp quân sự vào Syria từ năm 2015 nhằm giúp Damascus giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Phát biểu mới nhất của một quan chức cấp cao trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về quyết tâm mua S-400 của Nga được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ thông qua việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỉ USD. Trên thực tế, Ankara trước đây từng đề nghị mua 4 khẩu đội tên lửa Patriot gồm 20 bệ phóng và 80 tên lửa đánh chặn.

Trong một thời gian dài, Mỹ không chấp nhận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara liên tục bày tỏ mong muốn có được thứ vũ khí thiện chiến này. Washington đưa ra rất nhiều lý do để từ chối bán Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Mỹ bất ngờ thông qua thỏa thuận bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một sự thay đổi hoàn toàn trong lập trường của nước này và giới phân tích tin rằng đằng sau sự thay đổi đó có liên quan đến việc Ankara mua các hệ thống S-400 của Nga.

Có thể hiểu rằng, Mỹ muốn bán các tên lửa Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế với mục đích cao nhất là để thuyết phục Ankara hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga. Như vậy, Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách phá hợp đồng S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Mỹ từng đề nghị Ankara mua Patriot thay vì mua S-400.

Tuy nhiên, xem ra Mỹ không thể thay đổi được tình thế bởi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, họ không có ý định hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga. Phía Moscow cũng tự tin khẳng định hợp đồng bán S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang được tích cực thúc đẩy.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trong thời gian vừa qua.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại