ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Truy thu thuế 45% là vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền
Dự thảo Luật PCTN sửa đổi nên có định nghĩa thế nào là kê khai không trung thực. Chẳng hạn kê thiếu hay giấu không kê, cố tình hay vô ý. Ví dụ 50 triệu quá nhỏ, có nhiều người không nhớ hết.
Tôi nói thật, chuyện kê khai tài sản, muốn trung thực đối với nhiều quan chức cũng rất khó vì tài sản của họ rất nhiều. Cho nên phải chia ra, định nghĩa cho rõ.
Tôi đồng ý, kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì không xử lý tài sản đó.
Thực ra, đây là vấn đề riêng tư, nhưng với thân phận là cán bộ công chức thì phải minh bạch chứ không ai muốn bày tài sản ra cho người khác xem.
Có những lúc người ta ngại không kê khai, nhưng không có gì bất hợp pháp cả, nếu có thiếu sót đó thì có thể bị phê bình, góp ý, kỷ luật. Còn tài sản đó không đụng tới.
Đối với tài sản không giải trình được, tôi không đồng ý truy thu thuế với mức thuế suất 45%. Tôi cho rằng, như vậy thực chất là sẽ vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo tôi, nếu không giải trình được thì phải thu thôi, chứ không có gì là không giải trình được.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền: Thu hồi tài sản phải qua con đường tư pháp
Ở các nước thẩm quyền kiểm soát tài sản thuộc về cơ quan thuế và kiểm toán, họ làm rất bài bản, minh bạch. Ở nước ta, kê khai sau đó giao cho mấy ông tổ chức cán bộ đi xác minh.
Có vụ án tôi đưa ra Quốc hội đề nghị giám sát, 14 năm với 4 vòng tố tụng về xác minh tài sản. Bản án cuối cùng quay về bản án sơ thẩm ban đầu. 14 năm mới xác định được tài sản của ai.
Vậy mà chúng ta lại giao cho ông tổ chức cán bộ của cơ quan đó (không biết gì về tài sản, không biết gì về tố tụng...) đi xác minh thì sao làm được? Đó là chưa nói tới trình tự thủ tục thế nào, tính khách quan ra sao, nghiệp vụ chuyên môn, lực lượng thế nào?...
Không bao giờ làm được cả, mà như thế tất cả những kê khai đó đều là con số 0. Cần có cơ quan chuyên trách làm việc này. Quan trọng nhất của kiểm soát tài sản là xác minh.
Còn việc xử lý tài sản thế nào? Tôi đồng tình với quan điểm không thể xử lý bằng thuế được. Như thế vi phạm các quy định của luật khác, trong đó có Luật Phòng, chống rửa tiền.
Đánh thuế không được, vì đó không phải đối tượng chịu thuế. Nếu đánh thuế thì coi tài sản đó là hợp pháp?
Vấn đề thu hồi tài sản của một cá nhân, tổ chức nào đó phải qua con đường tư pháp. Đó là con đường duy nhất hợp hiến và hợp pháp.
Cần quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc của tài sản là hành vi tội phạm và do tòa án phán xử. Tìm con đường nào cũng đều là vi hiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Phân biệt tài sản không giải trình được với làm giàu bất hợp pháp
Cần phân biệt làm giàu bất hợp pháp và tài sản không giải trình được là hai việc khác nhau. Trung Quốc hình sự hóa hành vi này nhưng nội hàm của nó là gì? Còn không giải trình được, giải trình không hợp lý lại đánh đồng với làm giàu bất hợp pháp thì không được.
Bất luận trường hợp nào, việc thu hồi tài sản tham nhũng phải bằng con đường tư pháp là đúng. Nhưng ở đây chúng ta không khẳng định đó là tài sản tham nhũng.
Chính phủ chỉ nói đây là khoản thu nhập bất thường, không giải trình được nguồn gốc, thì nhà nước coi đây là khoản thu nhập bất thường cần phải đánh thuế thu nhập.