Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhưng cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang. Đáng chú ý hơn, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người được biết đến như "đội trưởng đội cứu hỏa", vẫn chưa tham dự bất cứ cuộc đàm phán song phương nào.
Giới quan sát nhận định, dù cho Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định Chủ tịch Tập Cận Bình là bạn tốt của ông nhưng chỉ cần ông Vương Kỳ Sơn - trợ thủ đắc lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc - vắng mặt trong các cuộc đàm phán quan trọng thì đây chưa hẳn là dấu hiệu tốt cho mối quan hệ Trung-Mỹ.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, Bắc Kinh dường như không muốn để ông Vương tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ bởi ông Vương có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu cựu "trùm đả hổ" Trung Quốc mắc lỗi trong đàm phán thì nó cũng được coi là "sai lầm cá nhân" của người đứng đầu Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng, chỉ khi nắm rõ phương thức đàm phán để đạt kết quả tin cậy thì ông Vương Kỳ Sơn - với tư cách là Phó Chủ tịch Trung Quốc mới tham gia.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, nhân vật then chốt của đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn là Phó Thủ tướng Lưu Hạ, mặc dù hai chuyến công du Mỹ gần nhất của ông đều không đạt được kết quả khả quan.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dường như đã bắt đầu hành động.
Cụ thể, ngày 11/7, ông đã hội kiến Thị trưởng Chicago Rahm Emanue - từng là trợ lý thân thiên của cựu Tổng thống Barack Obama - tại Tử Quang Các, Trung Nam Hải, Bắc Kinh và thảo luận về các vấn đề trong hợp tác khu vực và quan hệ thương mại Trung-Mỹ.
Ngày 12/7, Phó Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục gặp mặt ông Elon Musk - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Tesla. Thậm chí, trên tài khoản twitter cá nhân, ông Elon Musk đã tiết lộ, hai bên đã có buổi nói chuyện thú vị về lịch sử, triết học và thời vận.
Trùng hợp là, thời điểm ông Vương Kỳ Sơn gặp hai chính khách, doanh nhân Mỹ cũng là lúc cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang thêm nấc mới. Ngày 6/7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức áp dụng thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa 16 tỷ USD hàng hóa khác sẽ bị đánh thuế trong thời gian tới.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) cho rằng, trước bối cảnh trên, Bắc Kinh đã phát đi thông điệp tới Washington thông qua cuộc gặp với hai ông Vương-Musk: Trung Nam Hải lần nữa trải thảm đỏ hoan nghênh các nhà đầu tư Mỹ.
Đáp lại, ngày 12/7, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu, Mỹ sẽ tái đàm phán với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực sự có những thay đổi đáng kể.
Tờ Lianhe zaobao (Singapore) dẫn lời giới phân tích nhận định, những hậu quả tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang ngày càng lộ rõ dẫn đến nhu cầu tái đàm phán của hai bên sẽ tăng lên.
Báo này dự đoán, nếu hai bên khôi phục đàm phán cấp cao, ông Vương Kỳ Sơn rất có khả năng sẽ tham dự.
Tờ Liberty Times (Đài Loan) cũng kỳ vọng, "đội trưởng đội cứu hỏa" Vương Kỳ Sơn sẽ ra mặt "dập lửa", chỉ đạo toàn bộ sách lược đối phó của phía Trung Quốc.
Tờ SCMP dẫn lời Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, việc ông Vương Kỳ Sơn gặp gỡ Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel - đại diện giới chính khách và tỷ phú Elon Musk - đại diện giới doanh nhân cho thấy, Bắc Kinh đang nỗ lực tận dụng sự phản đối của họ đối với chính sách thuế của Tổng thống Trump.
Nhưng Giáo sư Trung Quốc cũng cho rằng, "điều này không có nghĩa là Bắc Kinh muốn tái khởi động lại các cuộc đàm phán với Mỹ".
Một số nguồn tin tiết lộ, dù xuất hiện khiêm tốn nhưng trên thực tế ông Vương Kỳ Sơn vẫn đang giúp Trung Quốc tìm lối thoát, bản thân ông cũng sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu này.