Xu hướng leo núi đang cực kỳ phổ biến trong giới chị em bên cạnh các đam mê làm đẹp hằng hữu. Các hội nhóm những người yêu thích leo núi, dần bắt đầu xuất hiện đông thành viên là nữ giới, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, trải nghiệm, ra sức học hỏi về bộ môn trekking đầy sức hút này. Thế nhưng đa phần mọi người đều quan tâm đến các cung đường leo núi ở miền Bắc Việt Nam vì tính chinh phục của nó. Tuy nhiên, khi sức hấp dẫn của xu hướng này lan đến hội chị em công sở tận trong Nam, mọi người thường chọn cho mình những cung đường dễ đi hơn, thuận tiện cho sắp xếp thời gian làm việc hơn, chẳng hạn như núi Bà Đen, núi Chứa Chan, núi Dinh...
THỬ TRÀO LƯU LEO NÚI CÙNG GIỚI CHỊ EM CÔNG SỞ
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, hiện đang là Giám đốc của Công ty cung cấp dịch vụ kế toán GMS, TP.HCM chia sẻ: "Giới văn phòng như mình ngày trước thường e ngại với môn trekking, hiking… nhưng mình quyết định leo núi vì năm mới, muốn có một trải nghiệm hoàn toàn khác so với các năm qua. Thêm nữa thời gian gần đây mình cũng nghe chị em bạn bè kể nhiều, xem trên mạng xã hội thấy mọi người thử sức leo núi cũng nhiều, nên mình đã nghĩ người ta làm được sao mình không làm được, thế là mình đăng kí tour tham gia."
Chị Ngọc Mai đã đăng kí tour leo núi Bà Đen - Tây Ninh với 1500 bậc thang và 8km đường rừng núi xuyên đêm. Tuy nhiên, ngay trong lần đầu thử sức với bộ môn leo núi đang gây tiếng vang với hội chị em, chị Ngọc Mai còn rủ cả con gái chị là bé Khánh Uyên ( bé Gào, 12 tuổi) đi cùng. "Mình quyết định đưa bé con theo cùng vì mình luôn muốn con đồng hành trong tất cả các hoạt động của cuộc sống, đặc biệt là với trải nghiệm hay ho là leo núi ngắm bình minh lần này."
Ảnh: Nguyễn Ngân, Trâm Aple Ng
THỰC TẾ KHỐC LIỆT VƯỢT XA TƯỞNG TƯỢNG
"Trong suy nghĩ của mình, chắc cũng không quá khó, mẹ con mình đều có thể vượt qua được. Nhưng đi rồi mới biết độ khó không thể tưởng tượng nổi.
11h đêm mẹ con mình khởi hành cùng đoàn đến chân núi chuẩn bị, khởi động... đến 1h sáng là xuất phát, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Đen để kịp đón bình minh vào lúc 6h sáng.
Ở 1/3 đoạn đường đầu, mẹ con mình phải vượt qua những bậc thang cao vút, đi qua chùa Bà Đen thì mới bắt đầu hành trình xuyên rừng lên đỉnh núi. Leo hết 1500 bậc thang đã khó khăn lắm rồi, nhưng đấy mới chỉ là khởi động. 2/3 chặng đường còn lại, khoảng từ 3h30 chúng mình đi xuyên rừng, leo qua những vách đá cheo leo, dựng đứng với ánh sáng của đèn pin và kỹ năng dẫn đường của các anh chị trong đoàn."
Chị Ngọc Mai (bên phải) cùng cô bạn của mình chinh phục đỉnh núi Bà Đen.
Chị Ngọc Mai chia sẻ, sự dũng cảm, sức khỏe bền bỉ của con đã khiến chị và cả đoàn ngạc nhiên vô cùng. "Có lúc bạn nhỏ cũng mệt, cũng đuối, nói rằng mẹ ơi con không muốn đi tiếp nữa. Nhưng không còn đường quay lại, phải tiến về phía trước, được mẹ và các cô động viên, con lại dũng cảm bước tiếp. Con rất bình tĩnh đi theo sự hướng dẫn của các cô, tuân thủ tuyệt đối."
Chị kể lại, công cuộc thử sức với bộ môn leo núi đang rộ trong giới chị em này không "đẹp" như trong tưởng tượng. Hành trình đến đích rất gian nan, có nhiều thử thách, cần nhiều nỗ lực. "Những lúc nhìn trời tối thui, vách đá cheo leo, thở không ra hơi, hoa mắt, chóng mặt nhưng vẫn phải cố nhìn kỹ, quan sát kỹ để tìm hướng đi, mình hồi hộp sợ hãi mà muốn chùn bước. Nhưng động lực để mình vượt qua là, con mình còn làm được, cớ sao mình không làm được. Không đi tiếp thì thế nào? Có quay lại được không? Thế là lại bặm môi, trèo bò bám vách đá mà leo lên. Chân tay trầy xước, chuột rút... nhưng vẫn phải tiến về phía trước."
"LỠ CÓ CHUYỆN GÌ THÌ MÌNH ÂN HẬN SUỐT ĐỜI..."
Leo lên những mỏm đá lởm chởm, khi thì dốc thẳng đứng phải trèo, khi thì phải bò, chị tâm sự có lúc bản thân đã hối hận vô cùng.
"Mình đã hối hận vì không rèn luyện sức khỏe tốt hơn, hối hận vì không hỏi kỹ lịch trình, dắt bé con đi cùng. Em Nga - lead của mình nói rằng hai mẹ con lần đầu tiên trekking mà lại chọn một cung đường khá là khó đi. Mình không thể tin được là phải đi cái cung đường cheo leo đến vậy. Nhìn Gào leo lên mà có khi mình thót tim, cứ sợ lỡ có chuyện gì xảy ra thì ân hận suốt đời...
May mắn là chuyến đi này, lead của tụi mình đều là những bạn rất giỏi, có kinh nghiệm leo núi Bà Đen và đi trekking thường xuyên. Các bạn kiên nhẫn dìu dắt, động viên nhóm mình đi tiếp."
Bé Khánh Uyên (con của chị Ngọc Mai) là động lực truyền năng lượng để chị đi tiếp chặng đường.
Khó khăn cho một nữ văn phòng thử sức với bộ môn đòi hỏi sức khoẻ bền càng về sau sẽ càng lớn. "Càng về cuối, chân càng bị chuột rút. Bé Gào còn đi trước mình cả bao lâu, con lên tới đỉnh núi mình còn lọ mọ bò bên dưới. Tuy nhiên, nghe tiếng Gào hú hét đầy sung sướng thì nỗi lo lắng trong lòng mình tan biến luôn, thở phào nhẹ nhõm vì con đã về đích an toàn. Vui quá mà quên cả đau, lại có thêm động lực để cố hoàn thành đoạn đường cuối."
THU VỀ NHIỀU BÀI HỌC KHI ĐỨNG TRÊN ĐỈNH NÚI
"Lên cao nhìn xuống rất thích, phần thưởng dành cho người dũng cảm đã dần dần hiện ra khi càng leo lên cao. Thu vào tầm mắt mình là một vùng trời đẹp, hồ Dầu Tiếng rộng lớn, rừng cây trải dài xa tít tắp, gió rừng mát lạnh, ánh đèn le lói, sao lấp lánh, trăng treo trên đầu, rồi bầu trời dần sáng lên, bình minh ló dạng, thưởng cảnh đẹp khi vừa chinh phục đỉnh núi là cảm giác không thể nào diễn tả được.
Mình còn ôm bạn lead mà khóc ầm lên, vì mẹ con mình đã vượt qua chính mình, qua hành trình ấy một cách an toàn và thần kỳ không thể tin được."
Chị Ngọc Mai chia sẻ trải nghiệm leo núi đối với một dân văn phòng như chị là không thể tin được.
Không chỉ là cảm giác vượt qua được giới hạn của bản thân, tận hưởng một trải nghiệm hoàn toàn mới mà chị Ngọc Mai còn chia sẻ rằng, cảm xúc khi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau truyền năng lượng để cùng nhau đi tiếp nó cũng rất tuyệt vời, rất chân thực, nếu ở thành phố khó có được như thế.
Rốt cuộc chị cũng hiểu tại sao, xu hướng leo núi này được nhiều chị em dấn thân thử sức.
"Trải nghiệm leo núi thay đổi suy nghĩ của mình rất nhiều về việc phải lập kế hoạch rõ ràng, tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đi sẽ đến, đừng hời hợt để rồi hoang mang khi tham gia. Hơn nữa mình phải rèn luyện sức khỏe thật kỹ, dẻo dai, biết phân chia sức, khả năng chịu đựng khi đi thời gian dài, mang vác đồ trên lưng...
Chuyện chuẩn bị kiến thức leo núi, kỹ năng đi xuyên rừng, kỹ năng đi đêm... và một tâm lý thật vững cho bản thân cũng rất quan trọng, vì trekking không phải du lịch sinh thái, đi rồi không có đường quay lại."
Chị Mai: "Phần thưởng cho thử thách này chặng về bằng cáp treo để thưởng cảnh, ghé thăm chùa và lạy Phật."