Đảo Manus thường gắn liền với hình ảnh của những trại tị nạn, phần nào do chính sách nhập cư cứng rắn của Úc. Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ này còn có nhiều điểm đáng chú ý hơn nữa.
Manus là một viên ngọc quan trọng trên chiếc vương miện Thái Bình Dương và vốn đã giữ vị trí ấy kể từ Thế chiến II, khi người Mỹ chọn nơi này làm nơi đặt căn cứ hải quân. Giờ đây, Manus có thể góp phần vào mạng lưới an ninh quân sự chiến lược dài hạn của Úc khi nước này lên kế hoạch xây dựng một cơ sở quân sự tại đó.
Úc đang cân nhắc xây dựng căn cứ quân sự ở đảo Manus.
Động thái này được xem như cách để Úc đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đảm bảo sự phòng thủ trong tương lai.
Manus, một phần của Papua New Guinea (PNG), là một trong nhiều bên nhận được sự hào phóng của Trung Quốc và điều đó khiến nhiều nhà quan sát lo ngại.
Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào khu vực với nỗ lực thâu tóm quyền lực. Và khi Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự lên mức 224 tỉ USD/năm, đồng thời thúc đẩy kế hoạch trị giá nghìn tỉ USD để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thì Úc không thể ngồi yên được nữa.
Theo trang tin Úc News.com.au, chính quyền nước này đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Manus. Canberra đang nhắm tới mục tiêu hoàn thiện một thỏa thuận trước khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Port Moresby (Papua New Guinea) vào tháng 11 tới.
Vốn không hài lòng với "chính sách ngoại giao mềm" của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, Úc tuyên bố sẽ đàm phán hiệp ước an ninh với Vanuatu. Và kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân trên đảo Manus được đưa ra sau khi Trung Quốc tiếp cận Vanuatu với ý định tìm kiếm khả năng mở căn cứ tại đó.
The Australian cho hay, giới chức quốc phòng Úc đã tới thăm căn cứ hải quân Lombrum của Papua New Guinea ở Manus để xem xét khả năng tái phát triển sau khi Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill tới thăm Brisbane hồi tháng 7.
"Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên cao về lợi ích an ninh quốc gia chiến lược đối với Úc", Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định. Ông Morrison cũng không phủ nhận thông tin báo chí đã đưa.
Canberra đã cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách đồng ý đầu tư vào hệ thống cáp internet dưới nước và một trung tâm an ninh mạng cho quần đảo Solomon, đánh bại gói thầu tương tự của tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc Huawei.
Trước khi Úc tham gia, Huawei đã lên kế hoạch thiết lập cáp cho đảo quốc ở Thái Bình Dương, để rồi sau đó có thể tiếp cận tới trung tâm băng thông rộng ở Sydney - một động thái mà nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là dấu hiệu nguy hiểm cho an ninh mạng của Úc.
Theo The Australian, chính phủ Úc cũng đã tiến hành ngăn cản Trung Quốc tham gia vào kế hoạch phát triển quân sự của khu vực - đó là nâng cấp doanh trại quân đội Black Rock của Fiji.