Ngô Quyền dựng nền độc lập
Sau chiến thắng Bạch Đằng (938), mưu đồ xâm lược của quân Nam Hán bị đè bẹp, năm 939 Ngô Quyền lên ngôi vua, chọn Cổ Loa làm kinh đô.
Hơn 10 thế kỷ thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đã chấm dứt. Nền độc lập và chủ quyền của đất nước được vững vàng.
Ngô Quyền quyết định bỏ chức tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, thiết lập một triều đình mới ở trung ương. Vua đứng đầu triều đình, quyết định mọi công việc chính trị, ngoại giao, quân sự; đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các lễ nghi trong triều và màu sắc trang phục của quan lại các cấp.
Ở địa phương, Ngô Quyền cử các tướng có công coi giữ các châu quan trọng. Đinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Kiều Công Hãn làm Thứ sử Phong Châu (Phú Thọ)… Đất nước được yên bình.
Tình hình chính trị cuối thời Ngô
Năm 944, Ngô Quyền mất. Hai con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn còn trẻ, không đủ uy tín và sức mạnh để giữ vững chính quyền trung ương. Một viên quan là Dương Tam Kha đã tiếm quyền, tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập bỏ trốn.
Các phe phái nổi lên khắp nơi, đất nước lâm vào tình trạng không ổn định.
Năm 950, Ngô Xương Văn được sự ủng hộ của các tướng lĩnh đã lật đổ được Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua. Xương Văn mời anh về cùng nhau trông coi việc nước. Song, do mâu thuẫn nội bộ, uy tín nhà Ngô giảm sút.
Lược đồ 12 sứ quân
Năm 965, Ngô Xương Văn chết. Cuộc tranh chấp giữa các thế lực cát cứ, thổ hào địa phương vẫn tiếp diễn. Lúc đó, đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn của 12 tướng lính chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau. Sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân", đó là:
1. Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội ngày nay)
2. Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (Phú Thọ ngày nay)
3. Kiều Thuận giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê – Phú Thọ ngày nay)
4. Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc ngày nay)
5. Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Du (Bắc Ninh ngày nay)
6. Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì – Hà Nội ngày nay)
7. Lý Khuê giữ Siêu Loại (Thuận Thành – Bắc Ninh ngày nay)
8. Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Giang – Hưng Yên ngày nay)
9. Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Kim Động – Hưng Yên ngày nay)
10. Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (Quốc Oai – Hà Nội ngày nay)
11. Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (Thành phố Thái Bình ngày nay)
12. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn – Thanh Hóa ngày nay)
Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước
Trong hoàn cảnh nói trên, tại đất Hoa Lư (Ninh Bình) xuất hiện Đinh Bộ Lĩnh – người sau này lập ra nhà Đinh
"Đinh Bộ Lĩnh là người động Hoa Lư (Gia Viễn – Ninh Bình), con trai của Đinh Công Trứ. Hồi nhỏ, ông sống với mẹ ở quê nhà. Ông thường cùng lũ trẻ nhỏ trong vùng chăn trâu, chơi trò tập trận, khiêng kiệu, lấy bông lau làm cờ.
Sau này, giữa lúc nhà Ngô suy yếu, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng với những người thân thiết tổ chức lực lượng, rèn vũ khí, xây dựng căn cứ ở Hoa Lư. Khi nhà Ngô sụp đổ, cả nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh dẹp các sứ quân."
Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm, chiêu dụ được sứ quân Phạm Bạch Hổ, tiến đánh các sứ quân khác.
Là người có tài, lại được nhân dân nhiều địa phương giúp sức, ủng hộ, ông đánh đâu thắng đấy, được tôn là Vạn Thắng vương. Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình trạng cát cứ chấm dứt. Cuối năm 967, đất nước trở lại bình yên, thống nhất.
* Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr.25-26-27-28.