Danh ca Khánh Ly: "Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha"

Tùng Ninh |

"Tôi đi theo họ để nhảy đầm. Thời đó có mấy hội con nhà giàu, học trường Tây, thường tổ chức tiệc tại nhà. Chẳng ai mời tôi vì nhà nghèo, tôi cứ đi vào đại để nhảy ké" – Khánh Ly chia sẻ.

Tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã chia sẻ về thời ấu thơ khó khăn và quá trình đi hát của mình.

Tôi phải đi bộ trên đường đồi, và toàn đi chân đất

Nhà tôi từ xưa đã có đam mê âm nhạc. Ông bác tôi là nghệ sĩ thổi kèn trong ban nhạc quân đội. Thời đó, nhạc Tino Rossi, rồi Tango mới du nhập vào Việt Nam.

Bố tôi, mẹ tôi đều rất mê nhạc, nhưng lại không muốn cho con cái mình theo nhạc. Đó là lí do vì sao tôi phải đổi tên từ Lệ Mai thành Khánh Ly. Thực ra, có ai theo dõi tôi đâu, cứ muốn đổi là đổi thôi.

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 1.

Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm thưở bé lắm, từ lúc còn chạy dài chơi từ Hàng Bông ra Hàng Gai rồi Bờ Hồ. Bây giờ quay lại Hà Nội, tôi thấy mọi thứ thay đổi nhiều quá.

Cái tôi nhớ nhất về Hà Nội ngày ấy là xe lửa chạy giữa đường. Con đường lúc đó rộng lắm. Bây giờ về tôi thấy cái gì cũng nhỏ, con đường thì hẹp lại, không còn nhìn ra những gì của ngày xưa nữa.

Năm 1955, tôi vào Sài Gòn chừng một năm rồi quay lên Đà Lạt ở vì bố dượng tôi phải lên đó làm việc. Thế nên mới có chuyện tôi phải trốn trên xe chở rau để về Sài Gòn hát.

Thời sống tại Đà Lạt, tôi ở khu Chi Lăng, một khu của người Pháp. Họ xây những dãy nhà dài gần hồ Chi Lăng cho nhân viên của mình ở, trong đó có bố tôi.

Tôi đi học ở trường Phan Chu Trinh, cũng gần nhà nên đi bộ từ nhà đến trường rất gần. Cứ học xong tôi lại đi bộ về nhà.

Ngày đó không có đường nhựa như bây giờ, tôi phải đi bộ trên đường đồi, và toàn đi chân đất. Tôi rất thích đi chân đất, nhưng đó không phải lí do tôi bỏ giày để hát trên sân khấu sau này.

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 3.

Không phải cứ có giải thưởng, bằng cấp là ngon lành đâu

Hồi ở Hà Nội, tôi học trường Pháp, nhưng đến Đà Lạt lại học trường Việt. Trong nhà khi đó chỉ có mình tôi học trường thuần Việt, còn bà chị tôi lại học trường nửa Pháp nửa Việt. Tôi không hiểu được điều này, nhưng cũng không dám hỏi mẹ vì nếu có hỏi mẹ cũng không nói.

Từ trường Pháp sang học trường Việt, tôi bị mất căn bản, nhưng thầy cô không bao giờ hỏi han tôi xem học hành thế nào, có học được không. Về nhà cũng chẳng ai hỏi tôi.

Vì vậy, nói tôi được đi học thì có nhưng tôi chẳng học được cái gì cả. Tôi không  biết gì hết. Tôi không biết đấy là cái không may hay cái may mắn nữa.

Tôi không có tuổi ô mai để chơi cùng bạn bè vì bố mẹ rất khó, đi học xong phải về nhà ngay, không chơi bời gì cả. Ở tuổi 11, 12 tôi đã phải làm việc nhà rồi, không việc lớn thì việc nhỏ. Không có chuyện tôi có bạn bè.

Tôi toàn phải tự chơi một mình, cứ ra rãnh nước lấy đất đắp lên để trồng từng luống bắp cải, hoặc ra hồ Chi Lăng mò cua bắt ốc. Điều này trở thành thói quen trong tôi, nên sau này cũng hay ở một mình.

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 4.

Khánh Ly cùng các em

Một thời gian sau, tôi trốn theo xe rau xuống Sài Gòn thi hát. Đến giờ, tôi không nhớ vì sao mình biết có cuộc thi hát đó để tham gia, chỉ nhớ lúc đó đăng ký hát bài Từ giã kinh thành của nhạc sĩ Châu Kỳ.

Nhưng bài này buồn quá, họ không cho một đứa nhỏ như tôi hát nên đổi sang bài Ngày trở về của Phạm Duy. Tôi mượn quần soọc trắng, áo sơ mi của ông anh trai lên hát và được giải nhì. Giải nhất là ông Quốc Thắng, nhưng sau đó ông ấy đi đâu tôi không rõ.

Từ câu chuyện này tôi thấy, nhiều khi giải nhất hay giải nhì cũng không được gì, người không được giải lại gây chú ý cho người nghe. Không phải cứ có giải thưởng, bằng cấp là ngon lành đâu. Nhiều khi mình không có gì cả, mà bất chiến tự nhiên thành.

Thi xong, tôi chưa kịp nhận giải đã phải chạy theo xe rau trở về Đà Lạt và ăn một trận đòn nhớ đời. Tôi bị trận đòn đó cũng đáng, vì một đứa con gái mới 12 tuổi thì ai cho phép làm chuyện như vậy, một mình đi mấy trăm cây số.

Tôi được đi học nhưng không học được, chứ không phải vì không được học

Sau một thời gian sống tại Đà Lạt, tới năm 1957, gia đình tôi lại chuyển xuống Sài Gòn. Bố dượng tôi là cảnh sát nên ông ấy đi đâu thì cả gia đình phải theo.

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 5.

Khánh Ly hồi trẻ

Về Sài Gòn, tôi học ở trường Cầu Kho. Người ta nhớ về trường của họ với hàng cây, mái nhà còn tôi chỉ nhớ về ngôi trường đó là rất nhiều rệp. Tôi mặc váy đi học mà lúc về rệp nó cắn hai chân dày như cơm nguội.

Tôi học ở trường ấy rồi đi thi tiểu học, nhưng cũng chẳng được bằng cấp gì. Tôi nhớ đề thi văn năm đó là nói về cái nóng. Năm đó nóng lắm, nhưng tôi không nói gì tới cái nóng ấy mà lại đi tả trời trăng, mây nước nên rớt luôn.

Chính vì lí do đó nên đến giờ tôi vẫn không có bằng cấp gì cả. Cái đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thơ Nguyễn Bính, nhạc Phạm Duy, nhạc Đoàn Chuẩn, Từ Linh… không học được.

Bởi vậy nên tôi nói lại là tôi được đi học nhưng không học được, chứ không phải vì không được học. Cái này là tại mình, không trách ai được.

Có một lần tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt

Hồi đó, tôi hay đi chơi với bạn của anh trai mình. Cả một bầy toàn con trai, chỉ có mình tôi là con gái, nên cũng bị coi như con trai. Họ còn gọi là là "chú em".

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 6.

Khánh Ly hát tại vũ trường

Tôi đi theo họ để nhảy đầm. Thời đó có mấy hội con nhà giàu, học trường Tây, thường tổ chức tiệc tại nhà. Chẳng ai mời tôi vì nhà nghèo, tôi cứ đi vào đại để nhảy ké. Vì thế nên tôi mới nhảy Tango giỏi.

Các ông anh ấy còn dắt tôi vào vũ trường Đồng Khánh. Từ khi ấy, tôi mới biết vào vũ trường, rồi leo lên hát. Cũng chính năm đó (1960), tôi đổi tên thành Khánh Ly và ngày càng mê hát hơn.

Nghệ danh Khánh Ly này tôi ghép từ tên hai vị tướng thời Sở Vương trong Đông Chu Liệt Quốc là Khánh Kỵ và Yêu Ly. Đây là hai vị tướng vô cùng dũng cảm, nghĩa khí, trung thành, sống hết tình hết nghĩa.

Tôi thích hai người này vì nghĩa khí của họ hợp với tính cách của tôi. Chữ Khánh, chữ Ly đọc ra nghe cũng kêu, chứ Lệ đọc đã thấy buồn.

Lúc mới đổi nghệ danh, chưa có nơi nào cho tôi hát cả. Thời đó tôi mới 15 16 tuổi, còn chưa đủ tuổi vào vũ trường nên không thể lên đó hát. Cũng không ai gọi tôi là ca sĩ. Tôi chưa thể sống bằng nghề này.

Danh ca Khánh Ly: Tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha - Ảnh 7.

Tôi chỉ có thể lén đi theo các anh, rồi lẻn lên hát. Người ta chưa đuổi xuống là may, chứ mong gì nhận cát xê.

Có một lần, tôi đang hát thì bị cảnh sát ập vào bắt, đưa về tổng nha. Ông bố tôi nhìn thấy liền cho ăn hai cái tát. Nhưng tôi khổng bỏ được cái mê hát ấy, vẫn tiếp tục lén đi hát.

Thời đó, tôi không được học nhạc, không ai dạy tôi. Tôi cứ lên hát theo bản năng, giọng rất mỏng, cao, không dày như bây giờ. Đến năm 1965 gặp ông Trịnh Công Sơn, tôi mới đổi giọng. Vì thế nên người ta nói giọng tôi liêu trai, ma mị này nọ nhưng tôi không biết gì hết, tôi có thấy con ma bao giờ đâu.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại