Hôm qua (14/3), trung tâm Thúy Nga Paris by night đã phát sóng một chương trình live stream để trò chuyện cùng hai danh ca Hương Lan và Ý Lan. Tại đây, họ đã chia sẻ đôi điều về bản thân mình.
Hương Lan: "Nghe tin Hoàng Oanh chết, nên sáng sớm đã chạy qua nhà cô ấy"
Tôi bệnh suốt từ hồi trước tết, vừa khỏe lại được một chút thì lại đi show, lạnh quá nên lại bệnh tiếp. Tôi nhớ đêm giao thừa lạnh lắm mà phải đi diễn, sáng mùng một còn lạnh hơn vẫn phải diễn, tôi đi về bệnh luôn. Tôi ho suốt, nói không ra tiếng luôn.
Tôi rất hạnh phúc vì được tham gia vào đêm kỉ niệm 35 năm Thúy Nga tới đây vì tôi đã đứng trên sân khấu Thúy Nga từ ngày đầu tiên tới giờ. Niềm hạnh phúc hơn nữa là tôi được hát với thần tượng của mình – danh ca Hoàng Oanh.
Từ lúc nhỏ xíu, mới 7, 8 tuổi, còn hát cải lương, tôi đã mê Hoàng Oanh. Tôi bắt ba phải mua băng Hoàng Oanh cho mình nghe.
Một ngày, tôi nghe tin Hoàng Oanh chết, nên sáng sớm đã chạy qua nhà cô ấy để kiếm. Thấy Hoàng Oanh bước ra, tôi mừng quá trời.
Hoàng Oanh hỏi tôi sao sáng sớm đã qua thăm vậy, tôi nói: "Người ta đồn chị chết nên em sợ quá phải qua thăm".
Sau đó đi hát, tôi thường gặp Hoàng Oanh, nhưng đã là thần tượng thì dù thế nào vẫn cứ thần tượng.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi có màn song ca chính thức với Hoàng Oanh trên sân khấu. Trước đó thì tôi cũng có một lần hát tam ca cùng Như Quỳnh, Hoàng Oanh.
Tôi mê áo dài nên có nhiều áo dài lắm, có những bộ áo dài tôi may xong chưa bao giờ mặc đến. Tôi còn có cả áo dài chuyên mặc để hát cho nhà thờ, nhà chùa vào ban ngày, và áo dài hát vào ban đêm, hay cho chương trình nhỏ, chương trình lớn.
Từ năm hai tuổi, tôi đã mặc áo dài và được bà nội dẫn đi may áo dài rồi, tôi thích áo dài lắm. Bà nội tôi đi đâu cũng mặc áo dài cuốn khăn và tôi cũng đòi phải may y như vậy.
Ý Lan kể chuyện đi tìm khoai hỏng về luộc lên ăn
Trong đêm kỉ niệm 35 năm Thúy Nga tới đây, tôi sẽ lại kết hợp với người tình sân khấu của mình là Vũ Khanh trong một tiết mục có màu sắc nhạc kịch. Tôi chưa bao giờ hát nhạc kịch trên sân khấu nên lo lắng lắm.
Tiết mục này như kể lại tuổi thơ khó khăn của cả tôi và anh Vũ Khanh khi còn bé, ở một xóm nghèo tới độ không có trò chơi nào cả.
Buổi chiều chiều, tôi cứ đợi chợ tan là lại tới các cửa hàng bán khoai, tìm những củ khoai sùng, tức là khoai hỏng bị người ta vứt qua một bên, nhặt nó về để hai đứa luộc lên ăn. Nhưng lúc ăn còn phải chia đôi của khoai cho nhau, chứ không được một củ.
Tiết mục này chỉ diễn ra 5, 6 phút trên sân khấu thôi, nhưng chúng tôi phải trải qua rất nhiều lo lắng, hồi hộp. Tôi và anh Vũ Khanh đã phải đầu tư rất nhiều vào tiết mục này.
Tính đến giờ, cộng đồng hải ngoại đã xa quê hương được 40 năm rồi, nếu không có sự tiếp nối giữa các thế hệ thì làm sao âm nhạc Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.
Mọi người nói tôi là sự tiếp nối của mẹ Thái Thanh, nhưng thực ra ngày xưa, khi mẹ tôi hát tân nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên thì tôi lại mê cải lương.
Từ bé, mẹ tôi đã cho tôi xem những chương trình cải lương trên tivi. Lúc đó, tôi nhỏ hơn chị Hương Lan một tuổi, nhưng đã vô cùng hâm mộ chị từ những màn cải lương đó. Cứ coi Hương Lan hát là tôi khóc.
Hồi đó, chị Hương Lan toàn diễn những vai trẻ nhỏ bị mẹ bỏ, mẹ ghẻ đánh đập, thương lắm, người coi khóc nhiều lắm.
Bởi vậy, tôi xin được là người tiếp nối sự đam mê với dòng nhạc cải lương. Đó cũng là lí do vì sao chị Hương Lan luôn cho tôi đứng cạnh trong những chương trình của riêng chị.
Tôi tin áo dài là hình ảnh đẹp nhất cho người phụ nữ Việt Nam. Dù thay đổi thế nào thì ở bất cứ mọi chương trình, tôi đều xuất hiện với chiếc áo dài trước tiên, tôi quý nó vô cùng.
Dòng nhạc của tôi cũng gần gũi với chiếc áo dài. Tôi luôn nghĩ rằng, mình đã sống ở nước ngoài thì luôn phải mặc áo dài để khán giả được tiếp xúc với nó, từ đó nhớ về những kỉ niệm của chính mình.
Tôi luôn hát với chiếc áo dài đầu tiên, rồi sau đó mới thay sang áo đầm, váy ngắn các kiểu.