Đặng Văn Thành và Dương Công Minh: Ai sẽ là ông chủ mới của Sacombank?

Lam Thiên |

Sacombank sắp bầu Hội đồng quản trị mới. Ông Dương Công Minh và đại gia Đặng Văn Thành trở thành 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất cho chiếc ghế Chủ tịch. Nhưng trước thềm đại hội, ai đang có lợi thế cao hơn?

Sacombank có lựa chọn nào?

Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 30/6, ngân hàng Sài Gòn Thương tín sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Những người có trong danh sách bao gồm ông Dương Công Minh, bà Lê Thị Hoa - hai ứng viên thay thế cho Tân chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng của Lienvietpostbank và tổng giám đốc chứng khoán Liên Việt Nguyễn Thị Bích Hồng; ông Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn , Nguyễn Văn Cựu, Nguyễn Xuân Vũ - các thành viên ban quản trị và ban giám đốc của Sacombank cùng ông Phạm Văn Phong - giám đốc chi nhánh Vietcombank Đắk Lắk.

Trước thềm đại hội, không ít thông tin cho rằng rất có thể một người cũ của Sacombank - ông Đặng Văn Thành - sẽ trở lại, khi vị này nhiều lần chia sẻ với truyền thông về sự đam mê của ông với nghề ngân hàng.

Nếu xét trên kinh nghiệm điều hành ở chiếc ghế cao nhất, ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh xứng đáng là những "đối thủ cân sức".

Ông Đặng Văn Thành gắn bó với Sacombank suốt 18 năm, trước khi từ chức vào tháng 11/2012 để ngân hàng này bắt đầu công cuộc tái cơ cấu sau cuộc thâu tóm "thiếu chuyên nghiệp" vào năm 2012. Coi ngân hàng này như đứa con do mình khai sinh, nuôi nấng và rồi để tuột mất sau một chuỗi biến cố về cả cổ đông lẫn tài chính, khi rời nhiệm sở, vị này từng nói đó là điều "khiến tôi tổn thương nhất" và từng thể hiện mong muốn quay trở lại chính ngân hàng này.

Trong khi đó, ông Dương Công Minh gắn bó với nghiệp ngân hàng từ năm 2008, khi ngân hàng Liên Việt bắt đầu hoạt động kinh doanh. Khác với đại gia Đặng Văn Thành, Lienvietpostbank của ông Dương Công Minh không nổi tiếng bằng Sacombank, nhưng chưa từng xảy ra bất cứ biến cố lớn nào. Ổn định, chắc chắn và kín tiếng như chính ông và tập đoàn Him Lam, Lienvietpostbank dần trở thành thế lực trong nhóm ngân hàng nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của cổ đông giữ cổ phần lớn nhất, tập đoàn Him Lam.

Tuy nhiên, dựa trên các thông tin trước thềm đại hội, ông Đặng Văn Thành chắc chắn không thể trở lại vị trí quen thuộc của mình trong vòng 5 năm tới, nếu đại hội của Sacombank tiến hành thành công, bởi tên ông không có trong bất cứ danh sách nào của ngân hàng này, ngay cả danh sách cổ đông, nên rõ ràng sẽ không có lá phiếu nào dành cho vị này trong ngày 30/6 tới.

Sacombank cần ai?

"Ứng viên Sacombank phải có nghề ngân hàng, có nghề bất động sản và phải có tiền thật" là những gì ông Nguyễn Đức Hưởng - người từng được kỳ vọng vào chiếc ghế chủ tịch Sacombank - chia sẻ khi ông quyết định không ứng cử vào hội đồng quản trị của ngân hàng này.

Thời điểm đó, người thế chỗ ông Dương Công Minh trên chiếc ghế Chủ tịch của Lienvietpostbank cho rằng quá trình tìm hiểu ngân hàng này đã khiến ông hiểu ra nút thắt trong việc sở hữu nợ xấu của Sacombank nằm ở vấn đề bất động sản. Cả ông Đặng Văn Thành và ông Dương Công Minh - theo đánh giá của ông Hưởng - đều là những nhân vật có thể đáp ứng được những yêu cầu này, và việc họ trở thành chủ tịch sẽ "là may mắn cho Sacombank".

Thực vậy, nếu xét trên những yếu tố nghề ngân hàng, nghề bất động sản và tiền thật, so với những ứng viên khác, ông Minh và ông Thành đều khó có đối thủ. Nếu như ông Thành nổi tiếng với Sacomreal, công ty Đặng Huỳnh, Tập đoàn Thành Thành Công với nhiều dự án khu công nghiệp, bất động sản du lịch. chung cư... thì ông Minh với HimLam Group là ông lớn bất động sản toàn quốc, có dự án trải dài trên cả mảng nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch, chung cư - văn phòng...

Thế nhưng, việc ông Đặng Văn Thành không có tên trong danh sách ứng cử, trong khi ông Dương Công Minh có được cả sự thuận lợi về pháp lý cũng như kinh nghiệm so với các ứng viên còn lại, cán cân rõ rằng nghiêng hẳn về phía cựu chủ tịch Lienvietpostbank.

Nếu những lá phiếu ngày 30/6 tới đây của các cổ đông Sacombank gọi tên ông Dương Công Minh, thì sẽ tạo ra một nghịch lý giữa 2 đại gia này: Ông Đặng Văn Thành muốn quay lại, nhưng không có cơ hội nào; trong khi chủ tịch Him Lam quyết thoái vị khỏi Lienvietpostbank vì "quá bận rộn và muốn chuyên tâm cho hoạt động của Him Lam" lại buộc phải gánh thêm trọng trách mới, trong cương vị thậm chí còn nặng nề và phức tạp hơn những gì ông từng làm ở Lienvietpostbank.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại