Dạng sống kỳ lạ, có xúc tu, 500 triệu tuổi ở Trung Quốc: Kết luận “ngã ngửa”

Thu Anh |

Một hóa thạch 500 triệu năm tuổi ở Trung Quốc, đã khiến các nhà khoa học bối rối, thậm chí "nhận dạng nhầm" một thời gian dài cho đến khi một phân tích mới tìm ra các bằng chứng đột phá về phần mềm trên cơ thể sinh vật kỳ lạ.

Theo Science Alert, các hóa thạch kỳ lạ, trông như những con vật có xúc tu, đã được tìm thấy tại Trung Quốc và được phân loại là Bryozoans, một nhóm động vật cổ đại không xương sống nhỏ, có vỏ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự ổn thỏa thôi thúc nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Marin Smith từ Đại học Durham (Anh) tiếp tục nghiên cứu.

Dạng sống kỳ lạ, có xúc tu, 500 triệu tuổi ở Trung Quốc: Kết luận “ngã ngửa” - Ảnh 1.

Cận cảnh mẫu vật bị nhận diện nhầm - Ảnh: NATURE

Họ đã tìm thấy một kho tàng hóa thạch của sinh vật bí ẩn này tại một vùng đồi ở phía Nam Trung Quốc, tách biệt với nơi khai quật được đồng loại của nó trước đó. Lần này họ đã may mắn khi tìm thấy các bằng chứng chưa từng có về phần mềm của sinh vật này.

Các phát hiện mới giúp "di dời" sinh vật bí ẩn một khoảng cách rất xa trên cây tiến hóa. Hóa ra nó không phải lớp động vật đầu tiên của Trái Đất với thân thể như sinh vật ngoài hành tinh. Cơ thể nhiều xúc tu thật ra là cấu trúc không quá kỳ lạ của một loài... rong biển.

Dù vậy, đây vẫn là phát hiện cực kỳ quý giá bởi 500 triệu năm trước là thời điểm vô cùng quan trọng trong tiến trình tiến hóa của sự sống Trái Đất.

Sinh vật vừa được mang danh pháp khoa học là Protomelission gateshousei, thuộc một nhóm gần với tảo xanh này nay là Dasycladales, là đại diện của lớp sinh vật đầy bí hiểm của kỷ Cambri (541 triệu đến 485 triệu năm trước), là giai đoạn bùng nổ sinh học của Trái Đất.

Kỷ Cambri là kỷ đầu tiên của đại Cổ sinh, thuộc liên đại Hiển sinh, đánh dấu bằng việc hành tinh của chúng ta liên tục tạo ra những "bản thiết kế" kỳ lạ và đầy sáng tạo dành cho lớp động thực vật mới, thay thế một cách đột ngột và bùng nổ những sinh vật cấp thấp, đơn sơ của thời kỳ trước.

Dạng sống kỳ lạ, có xúc tu, 500 triệu tuổi ở Trung Quốc: Kết luận “ngã ngửa” - Ảnh 3.

Một số mẫu cùng loài được khai quật - Ảnh: NATURE

Tuy hầu hết các loài này đã tuyệt diệt sau những lần đại tuyệt chủng nhưng chúng chính là những vị "thủy tổ" của muôn loài ngày nay, đặt nền móng quan trọng cho việc xây nên thế giới sinh học đa dạng của hành tinh.

Phát hiện mới này cũng loại bỏ giả thuyết rằng các loài Byozoans sớm nhất xuất hiện từ kỷ Cambri, giúp khôi phục giả thuyết khá vững chắc cũ về việc chúng là động vật thuộc về giai đoạn đầu kỷ Ordovic sau đó.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại