Sự thay đổi về tâm sinh lý của con trong giai đoạn tuổi dậy thì khiến nhiều bà mẹ rơi vào trầm cảm, bế tắc trong tiếp cận gần gũi với con.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội) tâm sự rằng con gái lớn Ngọc Linh của chị đang học lớp 8. Cháu bước vào tuổi dậy thì nên tính cách thay đổi quá nhanh, từ đứa trẻ lễ phép cô bé bắt đầu lầm lì và ương bướng.
Từ năm lớp 6, Linh có sự thay đổi về vóc dáng cơ thể. Lúc nào cô bé cũng cảm thấy mình béo, da đen hơn các bạn. Vậy nên cô bé đòi mẹ mua phấn và cho sử dụng các loại mỹ phẩm làm trắng.
Mặc dù chị Hạnh giải thích nhiều lần với con rằng màu da của con bình thường, da khỏe mạnh không có mụn nhưng cô bé một mực không nghe.
Hai tháng trước, cô bé đòi đi xăm một hình nhỏ nhỏ trên vai. Khi mẹ không đồng ý, càng giải thích thì cô bé càng cáu kỉnh, chống đối.
Mỗi chu kỳ con gái, cô bé đều luống cuống dù mẹ đã tư vấn rất kỹ. Có lúc, thấy con lén vứt quần áo dính bẩn ra thùng rác, chị Hạnh nhắc nhở thì con cãi lại, la hét cho rằng mẹ không hiểu mình.
Sau đó, chị Hạnh phát hiện cô bé âm thầm viết nhật ký. Chỉ vì muốn hiểu con hơn nên hai vợ chồng chị chờ lúc con đi học rồi lấy ra đọc. Chị điếng người khi thấy gần đây con viết nhật ký là muốn tự tử.
Hai vợ chồng chị Hạnh hoảng sợ quá nên lên mạng tìm kiếm địa chỉ chuyên gia tư vấn tâm lý. Hai người quyết định dành ra 1 buổi chiều để tới tham vấn chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi teen.
Tuy nhiên, khi trò chuyện với chuyên gia tâm lý, chị Hạnh cảm thấy không ổn vì vị này luôn miệng đổ lỗi do chị Hạnh không gần gũi bé, yêu cầu chị phải gác công việc để đi chơi với con, nói chuyện nhiều hơn với con.
Chị Hạnh cho rằng những lời khuyên đó đều là lý thuyết, bản thân chị cũng biết điều đó nhưng chị và con không thể ngồi trò chuyện vì chỉ nói được câu trước thì câu sau cô bé bắt đầu khó chịu và bỏ đi vào phòng.
Chồng chị Hạnh nghe chuyên gia cho rằng mọi tính cách thay đổi của bé đều do mẹ bé thì lại có cớ quay sang đổ lỗi cho vợ không biết dạy con, không biết làm bạn với con. Điều đó khiến chị Hạnh vốn đang mệt mỏi, bất lực lại rơi vào vòng stress.
Gần đây, sau khi chị Hạnh xem một chương trình trên truyền hình về tâm lý tuổi dậy thì thì chị quyết định thuyết phục con đi tới Bệnh viện Nhi trung ương khám tâm lý. Để con yên tâm đi cùng, chị phải nói với con là chỉ đi test thử IQ để tìm cách giúp hai mẹ con hiểu nhau hơn.
Ảnh minh họa
Đừng chỉ khám cho mẹ!
TS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, nhiều bà mẹ đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương khám đều than thở trước đó đã đi tham vấn tâm lý rất nhiều. Và tất cả đều là mẹ đi tham vấn chứ không phải con.
Trong khi đó, vấn đề là đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì và con mới là chủ thể cần được khám và chăm sóc tâm lý. Có bà mẹ thấy con có dấu hiệu trầm cảm, ý định tự tử nhưng vẫn tin con mình không làm sao, lại có bà mẹ luôn lo lắng dù con hoàn toàn bình thường.
Theo TS Đỗ Minh Loan, khi trẻ vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần quan tâm con hơn, nếu thấy được những bất thường tâm lý của con thì cần đưa tới các cơ sở chuyên khoa sức khoẻ vị thành niên. Các chuyên gia sẽ trò chuyện với đứa trẻ để hiểu hơn tình trạng thực tế. Phải là người làm sâu trong chuyên ngành mới có thể đưa ra lời khuyên phù hợp trường hợp từng cháu, có những cháu cần nghiêm khắc nhưng có cháu không nên.
Để giải quyết vấn đề bác sĩ cần tìm ra cái cốt lõi đằng sau câu chuyện của mỗi gia đình. Để khai thác được một đứa trẻ thì chuyên gia cần gặp có khi tới 2, 3 lần mới biết cụ thể trường hợp đó như thế nào chứ không phải chỉ tham vấn trong một thời gian ngắn và tư vấn cho riêng phụ huynh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.