Lầu Năm Góc đang điều tra ai là người đứng sau vụ rò rỉ tài liệu này với các thông tin xuất hiện trên Twitter và Telegram - một nền tảng với hơn nửa tỷ người sử dụng và rất phổ biến ở Nga.
Các nhà phân tích quân sự cho biết, tài liệu xuất hiện trên mạng xã hội có vẻ đã có một vài thay đổi so với bản gốc, đồng thời đánh giá, việc rò rỉ tài liệu, dường như chứa những bức ảnh về các biểu đồ cung cấp vũ khí, sức mạnh quân đội và các kế hoạch khác, cho thấy sự đột nhập nghiêm trọng vào tình báo Mỹ.
Ảnh minh họa: New York Times
"Chúng tôi đã biết về các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ Quốc phòng đang xem xét vấn đề này", Sabrina Singh, Phó Thư ký Báo chí tại Lầu Năm Góc cho hay.
Tài liệu này không cung cấp kế hoạch chiến đấu cụ thể như khi nào, nơi nào và bằng cách nào Ukraine tiến hành phản công , sự kiện mà các quan chức Mỹ dự đoán có thể diễn ra vào tháng tới. Do tài liệu này mới ra đời trong 5 tuần nên chúng chỉ cung cấp khái quát kế hoạch của Mỹ và Ukraine từ 1/3 về những gì Kiev cần cho chiến dịch trên.
Dù vậy, tài liệu này đã đề cập đến tỷ lệ sử dụng tên lửa HIMARS - hệ thống pháo phản lực Mỹ cung cấp cho Ukraine nhằm vào các mục tiêu từ xa như kho đạn dược, cơ sở hạ tầng và các điểm tập kết quân đội. Lầu Năm Góc không công khai Ukraine sử dụng tên lửa HIMARS với mức độ như thế nào nhưng tài liệu trên thì chứa thông tin đó.
Các nhà phân tích cho biết, khó có thể đánh giá tác động của vụ rò rỉ tài liệu này với những diễn biến trên chiến trường hiện nay và trong những tháng tới. Hiện cũng chưa rõ vì sao các tài liệu này được đăng tải trên mạng xã hội.
Một số nhà quan sát cho rằng một số phần của các tài liệu bị rò rỉ có thể cung cấp cho Nga những thông tin giá trị về khung thời gian vận chuyển vũ khí và di chuyển lực lượng, số lượng quân đội Ukraine và các thông tin quân sự chi tiết khác.
Một tài liệu được dán nhãn "tối mật" đã cung cấp "Tình trạng cuộc xung đột ngày 1/3". Vào ngày đó, các quan chức Ukraine đã tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Weisbaden, Đức để dự các phiên họp về cuộc xung đột và một ngày sau, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ tại châu Âu đã dự các phiên họp trên.
Một tài liệu khác bao gồm các cột liệt kê các đơn vị của Ukraine, trang thiết bị cùng với các kế hoạch huấn luyện từ tháng 1 đến tháng 4. Tài liệu này cũng bao gồm một bản tóm tắt của 12 lữ đoàn chiến đấu với 9 lữ đoàn trong số đó dường như được Mỹ và các đồng minh NATO huấn luyện. Trong 9 lữ đoàn thì có 6 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu vào 31/3 và phần còn lại sẵn sàng chiến đấu vào 30/4. Một lữ đoàn của Ukraine thường gồm khoảng 4.000 - 5.000 binh lính.
Tài liệu cũng tiết lộ các mốc thời gian vận chuyển vũ khí tác động đến việc huấn luyện và khả năng sẵn sàng để đáp ứng khung thời gian trên. Tổng cộng các phương tiện cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và hơn 350 phương tiện cơ giới hóa.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, vào những ngày đầu xung đột, các quan chức Ukraine do dự trong việc chia sẻ kế hoạch chiến đấu với Mỹ do lo ngại chúng sẽ bị rò rỉ. Vào cuối mùa hè năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ biết về kế hoạch quân sự của Nga còn rõ hơn các kế hoạch của Ukraine.
Sự chia sẻ dữ liệu tình báo giữa Ukraine và Mỹ đã cởi mở đáng kể vào mùa thu năm ngoái và 2 nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau về các lựa chọn cho cuộc tấn công của Ukraine. Dù vậy, vụ rò rỉ trên có thể sẽ gây tổn hại cho việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Washington và Kiev thời gian tới./.