Đằng sau việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải

Hải Vy |

Có vẻ Nga đang quyết tâm lấy lại vị thế đã mất tại Địa Trung Hải.

Theo truyền thông Pháp, nhân lúc Liên minh châu Âu (EU) thiếu thống nhất và các chính sách ngoại giao của Mỹ thiếu sự chắc chắn, Nga đã đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia Địa Trung Hải.

Trở lại Địa Trung Hải

Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn một bài viết trên ấn phẩm quân sự và quốc phòng Très Très Urgent (TTU) của Pháp cho hay, hiện đang có "một sự thay thế lớn" diễn ra trong khu vực, khi Moscow để mắt tới các căn cứ hải quân tại Libya và Ai Cập. Điều này cho thấy Nga đang quyết tâm lấy lại vị thế đã mất tại Địa Trung Hải.

Theo TTU, trong những năm gần đây, Nga đã tìm kiếm được những đồng minh có thể giúp họ tăng cường sức ảnh hưởng ở Trung Đông, trong đó có Syria, Ai Cập, Algeria, Libya và Morocco. Tất cả những quốc gia này đều là đối tác của Moscow trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự.

Đằng sau việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải - Ảnh 1.

Nga muốn lấy lại vị thế đã mất tại Địa Trung Hải? Ảnh: Sputnik

Để đổi lấy vũ khí, các quốc gia Địa Trung Hải sẵn sàng cho phép Hải quân Nga sử dụng các cảng biển của họ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đang trong quá trình đàm phán để được sử dụng căn cứ không quân hải quân của một số nước, đặc biệt là sân bay tại thị trấn Sidi Barrani của Ai Cập.

TTU không cung cấp thông tin chi tiết về những điều kiện mà phía Nga đã đưa ra để đàm phán. Theo tờ này, Moscow không muốn sử dụng các căn cứ đó bằng cách đi thuê.

Cơ sở hạ tầng của chúng có thể dùng để làm bến đậu hoặc tiếp nhiên liệu cho các tàu hải quân Nga. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là, nếu các cuộc đàm phán thành công thì Nga sẽ có cơ hội thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài tại Địa Trung Hải.

Theo giới phân tích Pháp, không nên loại trừ khả năng này. Khả năng thành công trên phương diện ngoại giao và quân sự đã được củng cố bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.

Cùng lúc này, Moscow đang tái xây dựng mối quan hệ với Tripoli. TTU dự đoán rằng Nga và Libya có thể sẽ đạt được một thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá 1,6 tỷ USD, bao gồm máy bay, xe tăng và các hệ thống tên lửa.

Hỗ trợ và dự phòng

Tái thiết lập sự hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải là một trong những mục tiêu được đề cập trong học thuyết hàng hải mới của Nga. Đáng chú ý là học thuyết mới này được công bố chỉ 2 tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria.

Trong chiến dịch này, các tàu chiến Nga đã yểm trợ cho lực lượng trên không thực hiện nhiệm vụ và tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào quân khủng bố. Một nhiệm vụ quan trọng khác của chúng là theo dõi động thái của các lực lượng hải quân NATO.

Lực lượng hải quân Nga được triển khai luân phiên ngoài khơi Syria và vì vậy, luôn có sự hiện diện thường trực của họ tại Địa Trung Hải.

Các thỏa thuận sơ bộ với những quốc gia khác về việc sử dụng cảng biển của họ đã tạo điều kiện để Nga chuẩn bị cho các chiến dịch hải quân kéo dài, đặc biệt là mang lại sự hỗ trợ và dự phòng trong các tình huống bất ngờ.

Đây là lý do tại sao Nga tiến hành đàm phán với Morocco, Algeria, Libya và Ai Cập. Chỉ riêng 4 quốc gia Bắc Phi này đã bao phủ 90% bờ biển nam Địa Trung Hải.

Căn cứ hải quân Tartus

Sau khi Liên Xô sụp đổ, cơ sở hải quân duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải là căn cứ hậu cần Tartus ở Syria.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria, Nga đang dần biến cơ sở này thành một căn cứ hải quân hiện đại. Ngày 18/1 năm nay, Moscow và Damascus đã ký thỏa thuận cho phép Nga triển khai tới 11 tàu chiến tại Tartus.

Đằng sau việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải - Ảnh 2.

Căn cứ hải quân Tartus. Ảnh: DigitalGlobe

Giới chuyên gia nhận định, Nga sẽ sử dụng căn cứ Tartus như trung tâm để tiến hành các hoạt động quân sự tại Địa Trung Hải. Năm ngoái, các hệ thống tác chiến điện tử Krasukha và hệ thống phòng không S-300V4 đã được triển khai gần căn cứ này.

Cũng theo các chuyên gia, Moscow có thể còn triển khai tới khu vực thêm nhiều hệ thống phòng không nữa, cùng với các hệ thống phòng thủ bờ biển Bal và Bastion.

Việc tăng cường các hệ thống có khả năng tấn công và triển khai tàu chiến Nga tới các cảng biển ở Địa Trung Hải sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng hải quân Nga trong khu vực.

Cạnh tranh với Mỹ

Hiện trong biên chế Hải quân Nga có trên 30 tàu chiến cỡ lớn, 21 tàu đổ bộ cũng như trên 50 tàu ngầm (trong đó 16 tàu mang tên lửa đạn đạo và 15 tàu trang bị tên lửa hành trình).

Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thể triển khai nhanh tới Địa Trung Hải 20 tàu mặt nước và tàu ngầm, chủ yếu từ Hạm đội Biển Đen. Đội tàu của Hạm đội phương Bắc phải mất ít nhất 2-3 tuần mới có thể tới khu vực này và trên lý thuyết và có thể bị cản trở ở Biển Bắc hoặc ở eo biển Anh.

Ngoài ra, Địa Trung Hải còn có sự hiện diện lớn của Hạm đội 6 - Hải quân Mỹ có căn cứ chính tại Naples, Italy.

Theo cơ chế luận phiên thì khu vực này sẽ luôn được tuần tra bởi 1-2 tàu sân bay, hàng chục tàu chiến và tàu ngầm. Bên cạnh đó, khác với Nga, quân đội Mỹ còn có thể tiến hành các chiến dịch đổ bộ tại đây.

Theo chuyên gia quân sự Vadim Soloviev, Moscow đang chiếm lợi thế đáng kể về mặt chính trị và quân sự trong mối quan hệ hợp tác với Cairo và Tripoli.

"Ai Cập và đặc biệt là Libya đã bị giáng một đòn nặng nề bởi làn sóng mùa xuân Ả Rập do Mỹ hậu thuẫn. Họ sẵn lòng hợp tác với Nga để chống lại sự bá quyền của Mỹ" - ông Soloviev nói với hãng tin RT.

Vị chuyên gia lưu ý rằng, nếu cuộc đàm phán với các quốc gia Địa Trung Hải thành công, Nga sẽ tăng cường đáng kể vị thế trong khu vực và chiếm lợi thế trước NATO.

"Nga không có ý định xây dựng căn cứ thường trực tại Địa Trung Hải để tránh làm gia tăng căng thẳng với NATO. Các căn cứ này cũng quá tốn kém đối với Moscow. Tuy nhiên, Hải quân Nga muốn đảm bảo rằng tàu chiến của họ có thể nhận được sự hỗ trợ thường xuyên tại các cảng của nước bạn" - ông Soloviev nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại