Đằng sau tuyên bố "chỉ bàn về kinh tế tại G20" của Tập Cận Bình

Thi Anh |

Không muốn nhắc tới biển Đông tại G20 nhưng Trung Quốc lại "lẳng lặng" đưa sà lan tới Scarborough?

Sà lan dùng để làm gì?

Ngày 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết không quân nước này đã phát hiện số lượng tàu thuyền Trung Quốc tại bãi cạn Scarbourough tăng lên đột biến.

Điều đặc biệt là sự xuất hiện của sà lan.

Tổng thống Philippines Duterte đã phải đặt ra câu hỏi: "Sà lan dùng để làm gì cơ chứ?"

Viết cho Forbes, nhà phân tích Gordon G. Chang cho rằng: Sự xuất hiện của sà lan chỉ mang 1 ý nghĩa. Đó là Bắc Kinh đang chuẩn bị biến Scarborough - một thực thể không có người sinh sống, cách Philippines 124 hải lý - thành một tiền đồn của mình.

Tính đến thời điểm này, thông tin về sự xuất hiện của sà lan tại Scarborough vẫn chưa được xác nhận nhưng chuyện Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này thì không còn phải băn khoăn.

Sự việc xảy đến khi hội nghị G20 đang diễn ra tại Trung Quốc, một diễn đàn quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao mà Bắc Kinh đã nỗ lực để gạt bỏ các vấn đề địa chính trị ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, trong đó có tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. 

Thay vào đó, Bắc Kinh nhấn mạnh: Nước này muốn bàn thảo về hợp tác kinh tế và thương mại.

Tuy nhiên, theo ông Chang, Bắc Kinh đã khiến kinh tế trở thành một "chủ nghĩa quân phiệt" mới.

Kinh tế không đơn thuần là kinh tế

"Khi Philippines tìm cách bảo vệ yêu sách của mình tại bãi cạn Scarborough thì Bắc Kinh đã thể hiện sự bất mãn bằng cách để hàng nông sản xuất khẩu của Philippines thối rữa trên các bến cảng của mình", Jennifer Harris của Hội đồng Quan hệ Quốc tế viết trên Washington Post.

"Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, đồng thời hạn chế cho người Philippines tới Trung Quốc du lịch".

Những động thái này có thể xem là "phiên bản cập nhật" của Trung Quốc từ lệnh cấm nhập khẩu đất hiếm mà nước này áp lên Nhật Bản năm 2010, khi mâu thuẫn giữa hai bên trên biển Hoa Đông tăng cao.

Forbes cho rằng: Những kế sách của Trung Quốc vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Vì thế Bắc Kinh đã quyết định đưa ra một kế hoạch tối ưu hơn. 

Tháng 10/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành lập Cục Kinh tế Quốc tế, nhằm phối hợp các vấn đề kinh tế với các chính sách ngoại giao.

Như vậy, mong muốn "chỉ bàn thảo về vấn đề kinh tế tại G20" của Chủ tịch Tập Cận Bình thực ra không hề đơn giản.

Harris tin rằng thách thức của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp là "một cuộc cạnh tranh kinh tế, chứ không phải quân sự". 

Đây là một quan điểm gây tranh cãi, nhưng những người không đồng tình với Harris vẫn thừa nhận bà đúng khi cho rằng: Để đối đầu với Bắc Kinh thì cần tới các chiến lược lấy kinh tế làm nền tảng.

Đúng như Harris đã đặt tên cho bài viết của mình: "Thứ tốt nhất để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không phải là vũ khí".

Nhưng liệu đó có phải là áp mức thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc không?

Nhiều nhà phân tích đã phản đối kế hoạch đánh thuế này của Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa. Và phản ứng này cho thấy người Mỹ đã không tính tới mối giao thương với Trung Quốc trên một bình diện rộng hơn.

Theo Harris, "nếu Mỹ định kìm hãm chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh, nước này sẽ phải bắt Trung Quốc chịu cái giá về kinh tế cho những hành động gây hấn của mình".

Bà đánh giá, thiếu suy tính về chiến lược có vẻ là một đặc tính của người Mỹ. Đa phần người Mỹ đều coi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại không hiệu quả, chứ không phải công cụ để gắn kết nền kinh tế của 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương với Mỹ.

Đằng sau tuyên bố chỉ bàn về kinh tế tại G20 của Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Hội nghị giữa các nước tham gia TPP. (Ảnh: Reuters)

Theo dõi các cuộc tranh luận về TPP là có thể thấy người Mỹ hiện chỉ đang đánh giá các thỏa thuận thương mại dựa trên tác động tới nền kinh tế của mình.

Người Trung Quốc thì không như vậy.

Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc coi thương mại cơ bản là một công cụ địa chính trị. Đó là lý do vì sao nước này liên tục quảng bá cho các sáng kiến "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21".

Dự án "Một Vành đai, Một Con đường" nhằm xây dựng một mối liên kết vận tải thông thương giữa Trung Quốc và cả châu Âu lẫn châu Phi được quảng bá như một kế hoạch phát triển kinh tế, nhưng cốt lõi thì phi kinh tế.

Bắc Kinh dự kiến đổ ít nhất 1.000 tỉ USD vào mạng lưới cơ sở hạ tầng này. Trong nhiều thập kỷ tới, dự án tốn kém này sẽ giúp Trung Quốc có được những ảnh hưởng chính trị chứ không riêng về tiền bạc.

Không được đưa ra G20, vấn đề biển Đông có thể cũng sẽ không được bàn thảo chính thức tại hội nghị ASEAN sắp tới, khi mà Tổng thống Philippines đã đưa ra 1 quyết định nhún nhường là "im lặng".

"Chúng tôi muốn làm ăn, giao thương với tất cả các bên", ông Duterte nói, "Chúng tôi có nhiều thứ muốn bán, và nhiều thứ muốn vận chuyển. Tôi hi vọng chúng tôi sẽ không bao giờ phải đưa ra một quyết định sống còn đối với đất nước".

Thế nhưng, nếu đúng là sà lan xuất hiện tại Scarborough, thì Tổng thống Philippines có lẽ sẽ sớm phải tính tới những quyết định ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại