Nói về "Danh sách Kremlin", một phát ngôn viên của bộ Tài chính Mỹ cho hay, nó được thiết lập dựa vào bảng xếp hạng 200 người Nga giàu nhất năm 2017 của tạp chí Forbes. Gần như tất cả 96 doanh nhân có mặt trong danh sách trên đều có tổng tài sản trên 1 tỷ USD và xuất hiện trong bảng xếp hạng của Forbes.
Ngay sau khi Mỹ công bố danh sách trên, phía Nga đã lập tức phản ứng. Ông Putin không bị nêu tên trong danh sách trên.
Do đó ông châm chọc: "Thật đáng tiếc", đồng thời cho rằng, đây là một động thái "chắc chắn không mấy hữu nghị" bởi nó càng khoét sâu những rạn nứt trong quan hệ Nga-Mỹ vốn đã căng thẳng ở mức đỉnh điểm trong thời gian qua.
Theo nhà lãnh đạo Nga, Kremlin luôn nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, trong khi Washington dường như không hiểu rõ điều đó và hành động một cách "ngốc nghếch".
Còn phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định danh sách mà Mỹ công bố "là một phần trong kế hoạch nhằm tác động tới cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Nga", đồng thời muốn phá hoại "hình ảnh và danh tiếng của những công ty, doanh nhân và chính khách".
Lá bài kinh tế thành công cụ chính trị
Washington đưa ra "Danh sách Kremlin" trong bối cảnh Moscow nhiều lần cáo buộc Mỹ đã tìm cách can thiệp bầu cử Nga. Theo đó, Kremlin cho rằng Mỹ đã đổ hàng tỷ USD cho những tổ chức dân sự ở Nga trong thời điểm trước khi diễn ra bầu cử.
Quan hệ Mỹ-Nga xấu đi trầm trọng sau "Danh sách Kremlin".
Với sự hỗ trợ đó, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố lớn tại Nga trong thời gian gần đây. Nhiều người đã đổ xuống đường theo lời kêu gọi của ông Alexei Navalny – một nhân vật đối lập được Washington ủng hộ. Ông này thường xuyên chỉ trích Tổng thống Putin.
Đó chính là lý do vì sao ông Dmitry Peskov khẳng định Mỹ đang cố ý can thiệp kỳ bầu cử sắp tới tại Nga. Đồng tình với quan điểm này, ông Adam Garrie, chuyên gia bình luận các vấn đề Á-Âu, cho rằng đây là nỗ lực của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng tới kết quả bỏ phiếu Tổng thống năm nay.
"Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ thành công bởi Nga có hệ thống bầu cử rất minh bạch. Càng chống lại Moscow nước Nga lại càng được biết đến nhiều hơn. Điều mà chúng ta thấy ở đây là Mỹ cảm thấy giận dữ với mọi thứ mà Nga đang làm ở trên đấu trường địa chính trị và đang giành được nhiều thành quả", ông Adam Garrie nói.
Trong khi đó, theo ông Yunus Soner, Phó Chủ tịch đảng cánh tả Vatan của Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét: "Đây là một nỗ lực khác của Mỹ, nhằm đẩy Nga sâu hơn vào thế cô lập trên phạm vi toàn cầu để duy trì thế thượng phong của Washington. Mỹ lo ngại rằng Liên minh Kinh tế Á-Âu đang xuất hiện như một phép thế cho sự thống trị của Washington. Tuy nhiên, những hành động của chính quyền Mỹ sẽ sớm thất bại".
Theo ông Soner, "Danh sách Kremlin" sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Nga, cũng như quá trình hợp tác chính trị của Moscow đối với các quốc gia thuộc lục địa Á – Âu.
Tiến sĩ Volkan Ozdemir, Chủ tịch viện Chính sách và Thị trường Năng lượng (EPPEN) cũng đồng tình với quan điểm của ông Soner khi cho rằng, sáng kiến lần này của Mỹ sẽ không đi về đâu.
"Mục tiêu chính của Mỹ là chia rẽ giới tinh hoa Nga và biến họ thành những con bài mặc cả trong trò chơi chống lại Nga. Mỹ qua đó gửi thông điệp tới "vòng tròn quyền lực cấp cao" của Nga rằng: "Hoặc là hãy chống lại nhà lãnh đạo của anh, hoặc là sẽ phải nằm bất động", nhưng tôi tin rằng nỗ lực của Mỹ sẽ thất bại", ông Volkan Ozdemir nói.
Theo học giả người Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng quốc tế đang chứng kiến việc "lợi dụng tài chính và kinh tế để làm công cụ chính trị". Do đó, ông cảnh báo về một cuộc chiến tranh tài chính có thể xảy ra giữa Nga và Mỹ. Đây sẽ là đòn giáng mạnh cho quan hệ Washington-Moscow vốn đã không tốt đẹp từ lâu.