Đằng sau những cú xuất kích lịch sử của máy bay ném bom Mỹ ở hai nửa bán cầu

Đức Trí |

Tháng 2 vừa qua là một dấu ấn lịch sử với các máy bay ném bom của Không quân Mỹ khi tiến hành hai chiến dịch chưa từng thấy tại hai nửa bán cầu của Trái Đất.

Đằng sau những cú xuất kích lịch sử của máy bay ném bom Mỹ ở hai nửa bán cầu - Ảnh 1.

Quân nhân Mỹ bảo trì máy bay B-1B sau màn trình diễn tại Aero India 2021. Ảnh: UAF

Vào ngày 3/2, một máy bay ném bom B-1 cùng 40 phi công của Mỹ đã được đưa tới triển lãm thương mại hàng không Aero India ở miền nam Ấn Độ. Lần cuối máy bay ném bom Mỹ xuất hiện tại Ấn Độ là vào năm 1945, khi nước này vẫn còn nằm dưới sự cai trị của Anh. Do đó sự kiện này đặt dấu mốc lần đầu tiên một máy bay ném bom Mỹ hiện diện trên bầu trời Ấn Độ.

Sự kiện này bao gồm việc một máy bay ném bom của Mỹ bay cùng các máy bay chiến đấu của Ấn Độ, ghi dấu “một thời khắc rất quan trọng” trong quan hệ quân sự Mỹ - Ấn, Trung tá Michael Fessler, phi công trình diễn chính của Mỹ tại triển lãm Aero India, phát biểu trong một thông cáo.

Chia sẻ với trang Business Insider, Tướng Kenneth Wilsbach, người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết ông cảm thấy thú vị khi được chứng kiến oanh tạc cơ Mỹ bay trên bầu trời Ấn Độ.

Mối quan hệ Mỹ - Ấn thắt chặt trong những tháng gần đây, xuất phát từ tình trạng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Ấn Độ gần đây đã giải tỏa được thế đối đầu với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp giữa hai nước nằm ở Tây Himalaya.

Trước đó, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ cho Ấn Độ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc kéo dài nhiều tháng, bằng cách cung cấp thiết bị chống rét và thông qua chương trình chia sẻ thông tin tình báo.

"Khả năng hợp tác với Ấn Độ ở mức tối đa nhất mà chúng tôi có thể thực hiện là điều thực sự quan trọng đối với chúng tôi", ông Wilsbach nói với Business Insider vào tháng 2 vừa qua. Tướng Wilsbach cũng đã đến gặp mặt giới chức lãnh đạo của Lực lượng Không quân Ấn Độ vào đầu tháng 3/2021 để thảo luận về "cách tăng cường hơn nữa" quan hệ song phương.

Tăng cường cạnh tranh không gian

Vào ngày 22/2, 4 chiếc B-1 đã hạ cánh xuống Na Uy. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay ném bom tới quốc gia này. Sau đó, Mỹ đã mở rộng hoạt động quanh khu vực, bao gồm cả các cuộc hạ cánh lần đầu tiên xuống Ba Lan và khu vực Bắc Cực thuộc Na Uy.

Các máy bay ném bom của Mỹ luôn duy trì hoạt động bay trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Đông. Vào đầu tháng 3, các máy bay B-52 đã thực hiện sứ mệnh tuần tra đa quốc gia qua khu này và cũng là lần thứ tư trong năm nay.

Đằng sau những cú xuất kích lịch sử của máy bay ném bom Mỹ ở hai nửa bán cầu - Ảnh 2.

Máy bay ném bom B-1B tại sân bay Orland, Na Uy. Ảnh: NAF

"Mục đích chủ yếu chúng tôi đang thực hiện với lực lượng máy bay ném bom là một phần của cạnh tranh không gian", Tướng Timothy Ray, người đứng đầu Bộ Chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ nói với Business Insider tại một buổi họp báo của Hiệp hội Không quân.

Tướng Ray nhấn mạnh: “Khả năng của chúng tôi là nhanh chóng đến các địa điểm trên toàn cầu để thể hiện sự hiện diện và hỗ trợ cho các đối tác và đồng minh. Tôi nghĩ đây là một điều rất có ý nghĩa”.

Giống như phần còn lại của quân đội Mỹ, lực lượng máy bay ném bom đẩy mạnh nhiệm vụ triển khai tới các khu vực, nhằm mục đích để cho các đối thủ có thể đoán trước về mặt chiến lược nhưng không thể đoán trước về mặt chiến thuật.

Tướng Ray tiết lộ: "Các máy bay ném bom của Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến bay khứ hồi xuất phát từ Mỹ. Điều này có một chút khó đoán, tạo cho chúng tôi một số cơ hội và các sứ mệnh ngắn hạn ở nước ngoài mang lại cho chúng tôi hàng loạt các cơ hội khác nhau”.

Ông nói thêm: “Na Uy và Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược khá quan trọng về mặt chiến lược. Hiện tại, chúng tôi đang đạt được những bước tiến và tôi nghĩ rằng việc mở rộng ra ngoài các địa điểm quen thuộc - như Anh, Diego Garcia và Guam - là thực sự hiệu quả. Có rất nhiều lựa chọn khác trên bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chúng”.

Các quan chức Mỹ thể hiện sự thận trọng với cách miêu tả về hoạt động triển khai máy bay ném bom, cho rằng họ muốn truyền tải thông điệp tới bạn bè và kẻ thù chứ không phải sự thách thức. Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng hoài nghi liệu các thông điệp có đem lại hiệu quả mong muốn không.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang nghiên cứu một chiến lược lớn hơn đối với châu Á. Tuy nhiên, theo ông Van Jackson, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Victoria của New Zealand, các chuyến bay của máy bay ném bom xuất hiện tại khu vực này có thể dẫn đến nguy cơ nhận thức sai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại