Văn Hậu và Công Phượng, ai là cầu thủ giá trị hơn? Đây là một câu hỏi khá thú vị. Văn Hậu mới 20 tuổi, là cầu thủ "không thể thay thế được" ở U23 Việt Nam, ĐTQG Việt Nam. Ở CLB Hà Nội, việc mất Văn Hậu sẽ để lại lỗ hổng cực lớn bên hành lang trái, và khó có cầu thủ nội nào có thể bù đắp được sự mất mát này ở đội bóng thủ đô.
Hiện tại, có thông tin Austria Wien đã ra giá 18 tỷ đồng để có được sự phục vụ của Văn Hậu, ở đầu bên kia, CLB Hà Nội đang đòi 1 triệu euro (khoảng 26 tỷ đồng). Trong khi đó, Công Phượng vừa mới trở về từ thử thách thất bại mang tên Incheon United sau non nửa mùa bóng, và tiếp tục lên đường thử việc ở một đội bóng hạng 2 nước Pháp.
Dễ dàng thấy rằng trên khía cạnh chuyên môn, Văn Hậu ăn đứt Công Phượng, không chỉ bởi sự xuất sắc, tính ổn định trên sân cỏ, mà hậu vệ trái ưa thích của HLV Park Hang-seo còn trẻ hơn tiền đạo ngôi sao HAGL đến 4 tuổi, cùng thể hình thích hợp hơn nhiều khi thi đấu ở châu Âu.
Giá trị của Văn Hậu đến từ những cống hiến trên sân cỏ.
Nhưng ở khía cạnh thương mại, sức ảnh hưởng truyền thông, Công Phượng chắc chắn ăn đứt Văn Hậu. Đấy cũng là lý do Incheon United "đổ tiền tấn" để sở hữu "Messi Việt Nam", bất chấp nguy cơ đem lại cho cả Công Phượng lẫn CLB Hàn Quốc này.
Tương tự với Công Phượng là Xuân Trường, bản hợp đồng đem tiền vệ người Tuyên Quang này đến với nhà đương kim vô địch Thai.League rõ ràng đậm mùi quảng bá hình ảnh hơn là chuyên môn, khi Xuân Trường chỉ được ra sân theo dạng "túc tắc", giống như cách mà HLV Park hang-seo sử dụng tiền vệ này trong các trận đấu của ĐTQG Việt Nam.
Đấy là lý do cả Công Phượng lẫn Xuân Trường đều xuất ngoại theo dạng "cho mượn", và sau nửa mùa bóng với nhiệm vụ quảng bá đã hoàn thành, Công Phượng đã trở về, còn Xuân Trường cũng đang đứng trước nguy cơ "bật bãi" khỏi Buriram United ngay khi mùa bóng mới trôi qua được có non nửa, với sự hiện diện của tiền vệ trung tâm người Philippines vừa được đội bóng Thái mua về.
"Trở về" là quyết định đúng đắn của Công Phượng.
Trong khi đó, như trường hợp Đặng Văn Lâm, Văn Hậu nhận được đề xuất "mua đứt" từ CLB đến từ nước Áo. "Mua đứt", có nghĩa là mặc nhiên Austria Wien thừa nhận năng lực chuyên môn của hậu vệ 20 tuổi này, cũng như chấp nhận mọi rủi ro khi bỏ ra đến ngót 1 triệu euro để sở hữu anh.
Nên nhớ, khi đặt chân đến Áo, giá trị truyền thông, thương mại của Văn Hậu coi như bằng 0, và giá trị ngôi sao của cầu thủ trẻ này cũng bằng 0 nốt. Chuyên môn là thứ duy nhất cả Austria Wien và Văn Hậu quan tâm nếu bản hợp đồng này thành công.
Nhìn vào giá trị của Văn Hậu, mới thấy HAGL của bầu Đức dũng cảm khi đưa Công Phượng trở về từ Incheon United. Khi thứ giá trị ảo từ danh tiếng không thể giúp ngôi sao từng là niềm hi vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam tìm được chính mình trên đất Hàn Quốc, đã đến lúc chuyên môn là thứ được đặt lên hàng đầu, khi sự nghiệp của ngôi sao này đã bước vào bước bản lề quan trọng nhất.
Bản hợp đồng của Văn Hậu chưa chắc đã thành công, nhưng lời đề nghị đến từ nước Áo là bài học quý giá của bóng đá Việt Nam về giá trị thực của cầu thủ. Ở đó, màn trình diễn trên sân cỏ mới là thứ quyết định cao nhất một cầu thủ đáng giá bao nhiêu. Cái giá trị thực ấy mới là điều cao nhất mà các ngôi sao của bóng đá Việt Nam, cũng như các cầu thủ trẻ phải hướng đến để thành công, để mở ra cánh cửa đến với tương lai.