"Công thức Nhật Bản"
Năm 2020, HLV Troussier được ghi tên vào Đại sảnh vinh quang của bóng đá Nhật Bản. Đây là vinh dự dành cho những nhân vật có đóng góp lớn trong lịch sử bóng đá xứ sở Mặt trời mọc.
Giai đoạn 1998-2002, nhà cầm quân người Pháp đảm nhận trọng trách ở cả 3 cấp độ U20, U23 và ĐTQG Nhật Bản. Và ông đã góp phần tạo ra nền móng vững chắc để Nhật Bản vươn lên trở thành nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Năm 1999, HLV Troussier cùng U20 Nhật Bản giành ngôi á quân U20 World Cup. 1 năm sau, ông đưa đội U23 Nhật lọt vào tứ kết Olympic 2000. Cùng năm đó, đội tuyển Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier lên ngôi vô địch Asian Cup.
Tại World Cup 2002, Samurai Xanh lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng 1/8. Cho đến nay đây vẫn là thành tích tốt nhất của đội tuyển Nhật Bản tại một kỳ World Cup.
Những chiến lược mà ông Troussier áp dụng cho các đội tuyển Nhật Bản giai đoạn ấy trở thành một hình mẫu được nhiều HLV khác học theo. Điểm nhấn lớn nhất chính là việc trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ để họ sớm tích luỹ kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Junichi Inamoto (số 6) ra mắt đội tuyển Nhật Bản khi mới 20 tuổi.
Một ví dụ tiêu biểu là trận giao hữu giữa tuyển Nhật Bản với tuyển Trung Quốc vào tháng 3 năm 2000. HLV Troussier đưa ra đội hình xuất phát với độ tuổi trung bình chỉ là 24,3 tuổi. Trong đó có tới 3 người mới 20 tuổi là Koji Nakata, Junichi Inamoto và Shinji Ono.
Trận đấu khép lại với tỉ số 0-0. Kết quả hoà mang lại những điều nuối tiếc, nhưng nhiều cầu thủ góp mặt trong trận đấu ấy đã đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt thành công của đội tuyển Nhật Bản sau này.
Junichi Inamoto và Shinji Ono toả sáng rực rỡ tại World Cup 2002 ở độ tuổi 22. Trong khi Koji Nakata là người hùng Asian Cup 2004 với các bàn thắng trong trận bán kết và chung kết.
Kế hoạch đặc biệt cho 2 đội tuyển Việt Nam
Tổng số cầu thủ được triệu tập lên ĐTQG và U23 Việt Nam trong đợt tập trung tháng 6/2023 lên tới 57 người (không tính Hồng Duy gặp chấn thương và đã trở về CLB Nam Định).
Thay vì chia ra 2 đội hình riêng biệt, HLV Troussier tổ chức những buổi tập luyện chung cho các cầu thủ thuộc cả 2 đội tuyển. Cách tổ chức hiếm gặp này được đánh giá mang tới những lợi ích đáng kể. Ban huấn luyện có điều kiện đánh giá một cách toàn diện hơn, trong khi các cầu thủ thuộc nhiều lứa khác nhau có thêm thời gian để phối hợp ăn ý với nhau.
Buổi tập đặc biệt với các cầu thủ thuộc cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam.
Theo lịch trình, sau thời gian tập luyện HLV Troussier sẽ chia đội thành 2 nhóm. Nhóm 1 di chuyển xuống Hải Phòng đá trận gặp Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 15/6. Một ngày trước đó, nhóm 2 sẽ đá tập với CLB Công an Hà Nội. Tới ngày 17/6, các tuyển thủ có thêm 1 trận đấu gặp CLB Hải Phòng. Căn cứ vào màn trình diễn sau 3 trận, HLV Troussier lựa chọn ra đội hình đối đầu với Syria ngày 20/6.
Với cách sắp xếp như trên, HLV Troussier vừa đảm bảo có được đội hình chất lượng ở 2 trận giao hữu quốc tế đồng thời vẫn có thể trao cơ hội ra sân cho những tài năng trẻ.
So với giai đoạn làm việc tại Nhật Bản, nhà cầm quân người Pháp hiện không trực tiếp dẫn dắt U20 Việt Nam. Dù vậy, thời gian qua ông đã triệu tập rất nhiều cầu thủ U20 lên đội U23. U20 Việt Nam cũng là lực lượng nòng cốt tham dự giải U23 Đông Nam Á và Asiad 2023.
Hi vọng rằng với một kế hoạch đồng bộ, HLV Troussier sẽ từng bước xây dựng được nền tảng lối chơi và nhân sự cho các kế hoạch trong tương lai như vòng loại U23 châu Á, Asian Cup 2024 và đặc biệt là vòng loại World Cup 2026.