Nói đến loài vật có khả năng ngụy trang dưới nước thì bạch tuộc là cái tên nổi tiếng nhất. Bằng cách thay đổi các vân và màu da của chúng, những con bạch tuộc có thể hòa làm một với khung cảnh dưới đáy biển.
Khả năng đổi màu ngụy trang không được biến đến nhiều ở loài mực, nhưng một nghiên cứu mới đây đã cho thấy chúng cũng có thể thay đổi màu sắc để biến mất vào môi trường xung quanh.
Các nhà khoa học ở Nhật Bản đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một loài mực trắng (tên khoa học epioteuthis lessoniana sp.2) được nuôi trong môi trường nhân tạo, có thể thay đổi màu tùy thuộc vào màu sắc xung quanh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra khả năng của chúng một cách vô tình khi đang làm sạch bể chứa để loại bỏ tảo. Họ nhận thấy rằng các con mực thay đổi màu sắc tùy thuộc vào việc chúng bơi ở phần được làm sạch hay phần có tảo.
Sau khi nhận thấy điều đặc biệt này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm kiểm soát. Họ nuôi vài con mực trong bể và làm sạch một nửa bể, nửa còn lại phủ đầy tảo.
Thông thường, loài này có màu sáng để phù hợp với bề mặt đại dương sáng sủa, nơi chúng thường hoạt động. Tuy nhiên, khi phát triển trong môi trường nuôi nhốt với lớp kính bị tảo bám, những con mực có khả năng thay đổi màu sắc theo màu nền.
Đoạn video mà họ ghi lại cho thấy mực có khả năng ngụy trang ấn tượng khi bơi từ phía sạch của bể sang phía có tảo, da của chúng ngay lập tức chuyển từ sáng sang tối.
Mực thay đổi màu sắc để ngụy trang
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên phát hiện loài mực đổi màu theo môi trường dưới điều kiện thí nghiệm.
So với khả năng ngụy trang của bạch tuộc, khả năng ngụy trang của mực ít được chú ý hơn nhiều. Hầu hết thời gian, những sinh vật này bơi trong đại dương, có nghĩa là chúng không cần phải thay đổi làn da của mình để phù hợp với đáy biển. Thay vào đó, chúng lung linh hoặc nhấp nháy theo ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, khi bơi ở rạn san hô hoặc đáy biển, những sinh vật này có thể thay đổi để phù hợp với màu nền.
Ví dụ, trong tự nhiên, loài mực ở rạn san hô Caribe (Sepioteuthis sepioidea) được phát hiện đã thay đổi màu sắc của chúng để phù hợp với các loại san hô cụ thể, ngay cả những loài có hoa văn phức tạp, nhiều đốm.
Trong khi đó, loài mực vây dài (Doryteuthis pealeii), sống ở thềm đại dương, gần như trong suốt để những kẻ săn mồi không thể nhìn thấy. Ngay cả những con mực biển sâu, như Onychoteuthis bankii, cũng được cho là có khả năng chuyển đổi giữa trong suốt và có sắc tố để ngụy trang ở những vùng nước khác nhau.
Những con mực trắng trưởng thành trong nghiên cứu được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt sau khi các nhà nghiên cứu thu thập trứng từ tự nhiên và tất cả chúng đều cho thấy khả năng đổi màu theo nền hoàn hảo.
Trong vòng hai giây hoặc ít hơn, các sinh vật có thể thay đổi màu sắc của chúng để phù hợp với cảnh vật xung quanh. Hơn nữa, sự thay đổi màu sắc này xảy ra ở tất cả các lần chúng bơi từ phía bể sạch sang bể tảo và chỉ xảy ra mỗi khi chúng bơi vượt qua lằn ranh này.
Khả năng ngụy trang của mực thường được cho là dựa trên độ trong suốt, nhưng những con mực này cũng sử dụng các tế bào sắc tố để điều chỉnh màu sắc của chúng phù hợp với nền.
Vẫn chưa rõ mực trắng sử dụng khả năng này như thế nào trong tự nhiên, nhưng các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng cùng năm họ tiến hành các thí nghiệm này, đã có người đăng lên YouTube một video cho thấy con mực bầu dục (cùng loài với mực trong nghiên cứu nhưng là một nhánh phụ khác) ngụy trang trên rạn san hô ở Tanzania theo cách tương tự.
Mực bầu dục ngụy trang trên rạn san hô ở Tanzania theo cách tương tự
Tiến sĩ Ryuta Nakajima, một trong những tác giả của nghiện cứu, cho biết loài mực đặc biệt này rất quan trọng đối với Okinawa vì các lý do kinh tế và văn hóa. “Chính những ngư dân địa phương là người đầu tiên phân biệt được ba loài mực bầu dục ở Okinawa, trước các nhà khoa học rất lâu”, ông nói.
Các tác giả kết luận: “Mực trắng sở hữu sự kết hợp hiếm có giữa tính trong suốt và khả năng thay đổi màu sắc cơ thể thông qua tế bào sắc tố, cho phép chúng sinh sống ở cả môi trường biển và rạn san hô”. Loài mực này chính là một sinh vật hấp dẫn để nghiên cứu.