Bằng chứng à? Thì rõ rành rành đây. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, người xe nườm nượp về nguồn như vẫn thường thấy ở các lễ hội xứ ta.
Vây xung quanh giếng cổ Mắt Rồng có đến cả trăm người, đủ mọi thành phần lứa tuổi, từ nam thanh nữ tú đến ông già bà cả.
Bên thành giếng, nhà chức trách đã gắn một cái biển xanh, chữ trắng rõ ràng: "Đề nghị đồng bào không thả tiền xuống giếng". Cái biển báo đủ to, đủ rõ để ai cũng nhìn thấy được.
Thế mà, dưới giếng Mắt Rồng là một ma trận tiền lẻ được người ta thả xuống. Người nào người nấy đều hớn hở, tưng tửng ném một vài tờ tiền xuống đó.
Đúng là đến khổ thân cái giếng thiêng của Đức Quốc Tổ. Chẳng có nơi nào mà người ta phải rào trên chắn dưới cái giếng đến… thảm thương như vậy.
Biển cấm đến như vậy cũng chịu thua. Thế có phải khá nhiều hậu duệ của Ngài, đều không biết chữ?
Mà không phải chỉ có ở Đền Hùng thiêng liêng này. Ta có thể gặp hiện tượng "mù chữ" này nhan nhản trong đời sống hàng ngày.
Tại các chùa chiền, người ta vẫn tranh thủ sờ tay vào tượng Phật, đồ thờ, vẫn đốt cả nắm hương bên trong gian thờ dù có biển cấm to lù lù.
Phản cảm hơn, người ta "ép" tượng Phật, tượng La Hán, Bồ Tát "cầm" tiền. Khi không thể nhét tiền lên tượng nữa thì cứ bạ chỗ nào được là họ nhét cho kì được.
Ai cũng biết hình thù và công năng của cái thùng rác cả. Nhưng vì lo xa, người ta vẫn cứ phải dựng biển "Cấm vứt rác", "Hãy bỏ rác vào thùng" để nhắc nhở mọi người.
Nhưng số lượng người "mù chữ" hình như quá lớn. Và hậu quả là rác vẫn tràn ngập, nhất là ở các lễ hội đông người.
Ở những tuyến đường một chiều, dưới biến báo giao thông, người ta cũng cẩn thận đề thêm "Cấm đi ngược chiều", "Cấm rẽ trái" phòng trường hợp có nhiều người không hiểu ý nghĩa biến báo.
Nhưng những người làm ra biển kia đâu có hiểu rằng xã hội này còn có quá nhiều người "mù chữ". Họ chẳng thể đọc nổi mấy dòng chữ cấm kia, và cứ ngang nhiên vi phạm luật.
Rồi đến chuyện cái… "Vịnh" nổi danh bậc nhất Việt Nam "Cam Dai Bay", không thua Ha Long Bay là mấy.
Sự thực thì cái việc lẽ ra không cần phải soạn thành biển cấm như vậy, nhưng vẫn thật phổ biến ở Việt Nam.
Người ta thậm chí còn "giải quyết" nó ngay dưới cái biển cấm hành vi đó.
Và còn hàng trăm các câu chuyện tương tự như thế nữa! Nó đập vào mặt chúng ta hàng ngày, hàng giờ.
Kể cũng lạ thật! Thế nên tôi ước đoán cái con số gần 3% người mù chữ ở Việt Nam liệu có quá thấp không? Hẳn con số đó chỉ là những người chưa bao giờ đến lớp mà thôi.
Chứ những người "tái mù chữ" thì vô cùng đông đảo. Những người này được đến lớp đến trường, được giáo dục hẳn hoi. Thế mà họ lại không tài nào đọc nổi những thứ biển báo, biển cấm, những thứ thuộc về ý thức tối thiểu của một xã hội văn minh, những thứ mà bất cứ một em bé lớp 1 này cũng đọc và hiểu được.
Vậy có nên xếp những người này vào diện "mù chữ" không, hả các bác làm Giáo dục?