Đạn xuyên của Pháp khiến T-62 vượt mặt cả T-72

Nam Đồng |

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 hiện vẫn còn phục vụ với số lượng lớn trong nhiều lực lượng tăng thiết giáp khắp thế giới.

Được phát triển dựa trên "người anh" T-54/55, cho nên bề ngoài của T-62 có rất nhiều điểm tương đồng với dòng chiến xa tiền nhiệm. Thay đổi đáng kể nhất của nó nằm ở vũ khí chính, đó là khẩu pháo nòng trơn U-5TS cỡ 115 mm (tên mã thiết kế là 2A20) có bọng hút khói nằm giữa đã thay thế pháo nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm.

Theo đánh giá, pháo U-5TS mạnh hơn 30% so với pháo 100 mm của T-54/55 và hơn 20% so với pháo 105 mm L7/M68 lắp trên nhiều xe tăng của khối NATO, nó bắn được tất cả các loại đạn phổ biến, bao gồm đạn nổ mảnh chống bộ binh (HE), đạn xuyên lõm (HEAT), đạn xuyên động năng (APFSDS-T) và còn có thể tích hợp tên lửa chống tăng phóng qua nòng 9M117 Bastion.

Đạn xuyên của Pháp khiến T-62 vượt mặt cả T-72 - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-62 được giới thiệu với đoàn cán bộ cấp cao Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tuy nhiên theo dòng thời gian, uy lực của pháo chính trên T-62 bị đánh giá không còn hiệu quả khi đối đầu những dòng MBT hiện đại, đặc biệt là kém xa các loại pháo tiên tiến cỡ 125 mm trên T-72/80/90, hay pháo 120 mm chuẩn NATO.

Nhưng vì số lượng T-62 đang hoạt động rất lớn, tiềm năng hiện đại hóa vẫn còn, cho nên nếu được nâng cấp về hỏa lực thì nó sẽ phần nào đáp ứng tốt yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Một trong những phương án theo đánh giá khả thi nhất chính là trang bị cho T-62 loại đạn xuyên động năng thế hệ mới.

Đạn xuyên của Pháp khiến T-62 vượt mặt cả T-72 - Ảnh 2.

Đạn APFSDS-T M1150 cỡ 115 mm do Pháp sản xuất

Tập đoàn Nexter của Pháp gần đây đã giới thiệu đạn xuyên động năng M1150 cỡ 115 mm tương thích với pháo chính của xe tăng T-62.

Loại đạn này có chiều dài 1.110 mm; trọng lượng 25 kg; trong đó lõi xuyên bằng hợp kim Tungsten nặng 6,5 kg với phụ gia chống mài mòn Titanium Dioxide được đẩy đi bởi 8,5 kg thuốc súng, cho sơ tốc đầu nòng lên tới 1.635 m/s, xuyên thủng 500 mm giáp đồng nhất (RHA) từ cự ly 2.000 m ở góc chạm 60o.

So sánh với đạn xuyên động năng trên pháo 125 mm 2A46 đời đầu của T-72 chỉ thâm nhập được 400 mm RHA khi bắn cách 2.000 m, hay đạn thanh xuyên của Israel bắn từ pháo L7 105 mm thâm nhập 490 mm RHA ở tầm 1.000 m, đạn xuyên mới của pháo 100 mm D-10T2S do Cộng hòa Czech chế tạo xuyên thủng 400 mm thép cán ở 1.000 m, rõ ràng đạn M1150 trội hơn hẳn.

Nếu được trang bị loại đạn công nghệ cao này, chênh lệch sức mạnh giữa xe tăng T-62 trước các dòng chiến xa hiện đại sẽ được thu hẹp đáng kể, đây là giải pháp đơn giản và dễ triển khai hơn nhiều so với nâng cấp pháo lên 120 mm hay 125 mm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại