Tổng thống Putin cám ơn lòng dũng cảm của phi công Su-30 hộ tống ở Syria Nga tiếp tục giúp Syria giải quyết vấn đề người tị nạn Quân át chủ bài giúp Tổng thống Putin bảo vệ Syria sau khi rút quân
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào các nhóm khủng bố ở Syria từ ngày 30-9-2015 theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hơn 2 năm tham chiến tại Trung Đông, Nga đã hoàn thành mọi mục tiêu ban đầu và giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát.
Bên cạnh nỗ lực của con người, những thành tựu đáng nể đó có sự góp sức không nhỏ của dàn khí tài quân sự khủng mà Nga mang tới Syria, trong đó bao gồm cả một số loại vũ khí lần đầu thực chiến nhưng đã cho thấy hiệu quả tác chiến vượt trội.
Tên lửa hành trình Kalibr
Một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga đã gây chấn động thế giới khi nã một loạt hơn 20 tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại tên lửa này.
Tên lửa hành trình Kalibr rời bệ phóng từ một tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải. Ảnh: BQP Nga.
Loạt tên lửa được bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km với sai số chưa tới 3m. Đòn tấn công bất ngờ và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng đã làm tên tuổi của Kalibr nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên các phương tiện truyền thông.
Trước vụ tấn công này, nhiều chuyên gia quân sự đồ đoán rằng Kalibr chỉ có tầm bắn trên dưới 300km. Tuy nhiên, vụ tập kích đã chứng tỏ Kalibr đủ sức bay xa ít nhất 5 lần khoảng cách đó.
Sau màn thể hiện trên biển Caspian, Nga đã điều một dàn tàu chiến mặt nước và tàu ngầm chiến lược trang bị Kalibr tới trấn giữ trên Địa Trung Hải và tiến hành thêm hàng loạt vụ tập kích với độ chính xác cao, qua đó đẩy nhanh đà tiến quân cho các lực lượng Syria.
Kalibr là loại tên lửa hành trình đặc biệt được thiết kế cho cả tàu ngầm tấn công hiện đại cũng như tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga.
Theo Sputnik, tên lửa Kalibr được sử dụng trong chiến dịch tiễu trừ khủng bố ở Syria có độ dài 8,9m, mang theo đầu đạn nặng 450 kg và bay hành trình ở tốc độ cận âm Mach 0,8 (980 km/h). Phiên bản này có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách tối đa 2.500 km với sai số chưa đầy 3m.
Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh GLONASS, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E kèm theo một hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình giúp nó tự điều chỉnh đường đi theo thực địa và bám sát mặt đất cũng như mặt nước để tránh sự phát hiện của radar đối phương.
Theo một số nguồn tin quân sự, khi cách mục tiêu khoảng 60 km, hệ thống điều khiển của tên lửa sẽ tách đầu đạn khỏi phần thân chính, sau đó động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy quả đạn tới mục tiêu ở tốc độ 3.600 km/h, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.
"Thú mỏ vịt" Su-34
Đầu tháng 10-2015, 6 chiếc Su-34 của quân đội Nga đã được phát hiện hạ cánh xuống phi trường Latakia, tham gia vào cụm binh lực viễn chinh mà Moscow triển khai ở Syria. Trong hơn 2 năm tham chiến tại Trung Đông, Su-34 đã tiến hành hàng ngàn vụ tấn công vào các cơ sở của tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới IS và Mặt trận Al-Nursa.
Theo hãng tin Nga Sputnik, Su-34 cũng chính là tác giả của vụ không kích tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi ở thành phố Raqqa, Syria vào tháng 5-2017.
Sau màn phô diễn hiệu quả tại Syria, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport tiết lộ rằng, một số quốc gia Trung Đông như Jordan hay Algeria đã lên kế hoạch đặt hàng gần 40 chiếc Su-34 của Nga.
Có biệt danh "Thú mỏ vịt" nhờ phần mũi bẹt, Su-34 là dòng tiêm kích bom hiện đại được chế tạo để thay thế cho máy bay ném bom chiến thuật Su-24 vốn đã khá già cỗi. Ngoài nhiệm vụ tấn công mặt đất, Su-34 còn có khả năng không chiến tốt nhờ trang bị các loại tên lửa tầm ngắn và tầm xa.
Được coi là tiêm kích bom hiện đại và hiệu quả bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, Su-34 được trang bị hệ thống radar cho phép phát hiện mục tiêu bay ở cự ly đến 120 km, đồng thời bám theo 10 mục tiêu và bắn 4 mục tiêu cùng lúc trong số đó.
Tầm phát hiện mục tiêu mặt đất tùy thuộc kích thước là từ 30-100 km. Là chiến đấu cơ được thiết kế theo yêu cầu của một máy bay ném bom tiền tuyến, Su-34 có khả năng tải trọng vũ khí lớn, buồng lái được bọc giáp vững chắc, có thể tiến hành tiếp dầu trên không và tầm bay rất xa.
Về hỏa lực, Su-34 sở hữu 12 giá treo vũ khí gồm 8 điểm dưới cánh và 4 điểm dưới thân để lắp các loại vũ khí hiện đại nhất mà Nga sở hữu.
Tùy theo nhiệm vụ chiến đấu, máy bay sẽ được lắp đặt các loại bom đạn khác nhau như các tên lửa không đối không có điều khiển R-27, R-73 và R-77, bom có điều khiển KAB-500, KAB-1500, rocket hoặc các loại bom cỡ 500 kg.... Khi làm các nhiệm vụ phục vụ hải quân, Su-34 có thể "cõng" các thùng chứa các phao vô tuyến.
"Cá sấu" Ka-52
Nga lần đầu tiên xác nhận Ka-52 tham chiến ở Syria vào tháng 4-2016, song theo các nguồn tin quân sự, Moscow đã triển khai loại trực thăng tấn công này tham gia các nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria cách đó 3-4 tháng.
Trực thăng Ka-52 "Cá sấu" là biến thể nâng cấp từ Ka-50 với nhiều cải tiến quan trọng. Nó được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm tuần tra, trinh sát, chống tăng, chi viện hỏa lực, hay tấn công các mục tiêu đường không ở tốc độ thấp trong mọi điều kiện thời tiết.
Ka-52 có khả năng cơ động rất cao với thiết kế rotor đồng trục độc đáo. Nó đủ sức bay tiến với vận tốc 310km/h, lùi với tốc độ 130 km/h, bay ngang với tốc độ 100 km/h. Thiết kế này cũng mang lại cho Ka-52 khả năng vác theo khối lượng vũ khí lớn hơn nhiều so với các dòng trực thăng tấn công tương tự trên thế giới.
Cụ thể, Ka-52 có 6 giá treo vũ khí hai bên hông, giúp nó mang được 6 tên lửa chống tăng Vikhr, 2 bệ phóng rocket B8V-20 80 mm, 4 tên lửa không đối không tầm ngắn Igla-V và pháo tự động 2A42 30 mm.
Theo hãng tin TASS, tại chiến trường Syria, trực thăng Ka-52 cũng đã thử nghiệm thành công việc dùng đạn tên lửa 9M120F tiêu diệt chính xác hang ổ của các tay súng IS với thiệt hại nhỏ nhất cho các mục tiêu xung quanh.
Một điểm đặc biệt nữa của trực thăng Ka-52 là chúng đều được trang bị hệ thống đối kháng quang-điện tử President-S cho phép đối phó với mối nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa phòng không vác vai.
Tu-160 "Thiên nga trắng"
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 "Thiên nga trắng" là loại vũ khí ẩn chứa nhiều nỗi kinh hoàng cho bất cứ đối tượng nào mà nó nhắm tới. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, loại oanh tạc cơ khủng này bắt đầu các nhiệm vụ tấn công IS ở Syria từ tháng 11-2016.
Tu-160 "Thiên nga trắng" thực hiện thao tác tiếp dầu trên không. Ảnh: BQP Nga.
Những chiếc Tu-160 xuất phát từ các căn cứ không quân bên trong lãnh thổ Nga, bay hàng ngàn km trước khi thả tên lửa diệt IS rồi lại trở về căn cứ một cách an toàn.
Tupolev Tu-160 là một máy bay ném bom hạng nặng, có tốc độ siêu thanh được thiết kế bởi hãng chế tạo Tupolev từ thời Liên Xô. Nó là loại oanh tạc cơ hiện đại cuối cùng của Liên Xô và là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo. Hiện có 14 chiếc Tu-160 đang phục vụ trong Không quân Nga.
Được người Nga gọi là "Thiên nga trắng" bởi màu sơn và hình dáng thanh nhã, Tu-160 lại bị NATO định danh là "Dùi cui đen", có lẽ vì những tính năng quân sự vượt trội của nó.
Tu-160 sở hữu thiết kế đặc biệt "cánh cụp, cánh xoè" có khả năng thay đổi hình dạng, với góc nghiêng tùy chọn từ 20 độ tới 65 độ. Tu-160 sử dụng bốn động cơ phản lực NK-32, loại động cơ mạnh nhất từng được lắp cho máy bay chiến đấu, giúp nó đạt vận tốc siêu thanh gần Mach 2 (2.470km/h).
Theo tờ The Aviationist, Tu-160 có phạm vi chiến đấu hơn 7.000 km và tầm bay gần 14.000 km không cần nạp nhiên liệu. Trong khi đó, sức mạnh thực sự của Tu-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ, có thể chứa hàng chục tấn bom thường cũng như bom hạt nhân, tên lửa hành trình tấn công tầm xa và bom nhiệt áp…
Tu-160 không được trang bị các loại vũ khí phòng thủ, biến nó thành loại máy bay ném bom đầu tiên của Xôviết không được trang bị các hệ thống chiến đấu không đối không. Tuy nhiên, do có diện tích phản hồi radar siêu nhỏ cùng các hệ thống làm nhiễu chủ động, Tu-160 giống như một "bóng ma" trên bầu trời.
Trong những lần không kích diệt IS ở Syria, Tu-160 đã mang theo dàn tên lửa tiêu diệt mọi mục tiêu theo đúng kế hoạch tác chiến và thoát ra khỏi khu vực mà không hề bị phát hiện.
Tên lửa hành trình Kh-101
Trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria, Nga từng vài lần để cho oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 hoặc Tu-95MS phóng Kh-101 vào các mục tiêu của IS trong lãnh thổ Syria. Đây là một trong những loại vũ khí có uy lực lớn nhất hiện nay trong biên chế Không quân Nga và vừa được thử lửa lần đầu tại chiến trường Trung Đông, theo National Interest.
Tên lửa Kh-101 được móc trên giá treo vũ khí của máy bay ném bom Tu-95. Ảnh: BQP Nga.
Tên lửa hành trình Kh-101 được thiết kế từ năm 1995 nhằm thay thế phiên bản Kh-55 cũ hơn. Ban đầu, Kh-101 chỉ được trang bị cho máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160, nhưng loại tên lửa này đã bắt đầu triển khai trên những chiếc Tu-95 nâng cấp.
Phiên bản Tu-95MS có thể mang theo 8 quả Kh-101, trong khi biến thể Tu-95 Bear H được gắn thêm 8 giá treo gắn ngoài, cho phép chúng cõng theo tới 16 tên lửa Kh-101.
Riêng Tu-160 có thể mang 16 quả tên lửa loại này thông qua hai cụm bệ phóng giấu trong thân máy bay. Theo các nguồn tin, Kh-101 có tầm bắn khoảng 4.500km. Tuy nhiên, nó sẽ bay được 10.000km trong điều kiện thích hợp hoặc yêu cầu tác chiến cần tới.
Trong các nhiệm vụ chiến đấu, tên lửa sẽ được nạp sẵn tọa độ, hình ảnh của mục tiêu và được thiết lập để sử dụng đồng thời nhiều hệ thống dẫn đường cả chủ động và thụ động để điều chỉnh đường bay. Bên cạnh đó, tên lửa cũng có khả năng cập nhật dữ liệu qua vệ tinh để thay đổi mục tiêu nếu cần thiết hay thậm chí tự hủy.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Kh-101 có thể đánh trúng đích với sai số chưa đầy 10m.Về thiết kế, tên lửa Kh-101 có chiều dài 6,04 m, sải cánh 3m, trọng lượng phóng khoảng 2,4 tấn và mang theo đầu đạn thông thường nặng 400 kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật 250 kiloton.
Tên lửa được trang bị một động cơ phản lực TRDD-50A, song động cơ này không được kích hoạt ngay khi phóng.
Máy bay sẽ thả Kh-101 xuống một độ cao nhất định trước khi động cơ của tên lửa hoạt động. Sau đó, Kh-101 sẽ lao tới mục tiêu với tốc độ khoảng 1.000km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01m² cùng độ cao hành trình chỉ 30-70m khiến Kh-101 dường như hoàn toàn vô hình trước mọi loại radar tối tân của kẻ thù.