Nhiều quan điểm cho rằng khi đàn ông đạt đến tuổi 30 phải có một thành tựu nhất định nào đó, được thể hiện trực tiếp bằng các thước đo vật chất như nhà, xe ô tô, vị trí xã hội. Nếu đến ngưỡng 30 mà không có những điều đó trong tay, phải chăng người đàn ông này đã thất bại?
Tuổi 30, con người bước qua sự sôi nổi của thanh xuân, bắt đầu một giai đoạn mà cuộc sống cần nhiều hơn sự ổn định, chín chắn. Đặc biệt với đàn ông, "tam thập nhi lập", họ cần sự ổn định, cần những nền tảng cơ bản để gánh vác những trách nhiệm mới của người chồng, người cha.
Đặc biệt trong bối cảnh xã hội dùng vật chất làm thước đo có phần phổ biến như hiện tại, sự chín chắn, vững vàng của người đàn ông được thể hiện phần nào qua những tài sản, vị trí mà họ sở hữu.
Ví dụ như anh ấy có xe ô tô, anh ấy có nhà, anh ấy là trưởng phòng cho tập đoàn X… Tất cả những sự sở hữu ấy khiến người phụ nữ tự hào, hãnh diện cũng như dựa vào đó để lựa chọn đức lang quân tương lai.
Nhưng không phải người đàn ông nào cũng có thể làm được điều đó. Từ khi có bằng đại học, lao vào làm việc, cống hiến cho đến tuổi 30, họ có thể gặp may khi đi đúng hướng, kiếm được công việc nào đó đủ để có sự tích lũy, mang lại sự ổn định cho gia đình sau này.
Tuy nhiên con số những người gặp may luôn ít hơn những người thiếu may mắn nhiều lần, vậy phải chăng những người không có gì trong tay đều là kẻ thất bại?
Không có gì đúng là kẻ thất bại khi bạn có gần một thập kỷ tuổi trẻ để học tập, cống hiến, tích lũy. Nhưng ngược lại, dù bạn không có nhà, xe, chức vụ… thì bạn vẫn cần phải có những điều sau để trở thành "kẻ thất bại ưu việt".
Trải nghiệm thất bại
Từ khi bước chân khỏi giảng đường đại học, gạt bỏ các yếu tố may mắn hỗ trợ từ phía khách quan như gia đình giàu có, gia đình có quan hệ, có bệ phóng… thì xuất phát điểm của mỗi người đàn ông đều bằng nhau trong vấn đề công việc.
Tuy nhiên, đã bao nhiêu lần bạn thất bại? Đã bao nhiêu lần bạn bị sa thải, phải nhảy việc…? Bạn start up và phá sản hoàn toàn, bao nhiêu lần bạn dám quay lại con đường cũ?
Nếu một người đối diện với câu hỏi này ngay lập tức đưa ra đáp án, đồng nghĩa với việc họ có những suy nghĩ thực sự sâu sắc về những thất bại trong công việc của họ.
Sự suy nghĩ này sẽ mang lại hai chiều hướng, hoặc người đàn ông đó không có năng lực, khi đó bạn quay trở về với thực tế bạn là kẻ không có khả năng. Chiều hướng khác, bạn đang chưa chọn được đúng con đường để mình đi tới thành công.
Trước tuổi 30, bạn cần phải chọn cho mình một con đường mà có thể thành công chưa tới, nhưng nó khiến bạn cống hiến toàn bộ đam mê, nghị lực, chất xám và thậm chí tiền bạc của mình vào trong đó.
Những trải nghiệm thất bại này còn tạo được cho bạn một kỹ năng mà sẽ được định hình sau này dưới khái niệm "bản lĩnh". Một người đàn ông có bản lĩnh sẽ đứng dậy lập tức sau thất bại, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người thân yêu xung quanh mình.
Thử hỏi mọi thứ quá dễ dàng với bạn trước tuổi 30, bạn là chủ doanh nghiệp, có đủ nhà, xe, nhưng đến 45 tuổi bạn mới vấp ngã và phá sản, khi đó liệu bạn có đủ bản lĩnh để đứng dậy. Đặc biệt khi đó bạn không còn tuổi trẻ để tiến lên.
Thất bại không mang đến thiệt hại với tuổi trẻ, ngược lại còn là giá trị kinh nghiệm. Điều quan trọng là bạn đón nhận thất bại đó với tâm thế và góc nhìn như thế nào. Mọi trải nghiệm thất bại đều có giá trị nếu chúng ta coi đó như một sự thách thức và đứng lên ngay tại nơi mình ngã xuống.
Nhẫn nhịn chờ thời
Trước tuổi 30, bạn nôn nóng, mong muốn thành công. Ai cũng hi vọng mình có tài sản, có cuộc sống vật chất dư thừa. Sự nông nổi, hiếu thắng của tuổi trẻ sẽ chỉ mang lại cho bạn thêm phiền phức và góp phần to lớn vào những thất bại của đàn ông trước tuổi 30.
Khi người đi trước cho bạn một bài học, bạn sẽ không nhận ra đó là bài học quý giá biết nhường nào. Cho đến khi bạn thất bại, bạn chỉ có thể thầm nghĩ "giá như mình biết nghe lời". Không có trong tay tài sản, nhưng bạn phải có trong tích cách của mình sự nhẫn nhịn, lắng nghe và không ngừng tích lũy kinh nghiệm.
Kinh nghiệm, bài học, cùng với kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực mà mình đam mê, theo đuổi, những điều này kết hợp với nhau. Khi thời cơ đến, bạn như con tàu đã sẵn sàng, chỉ cần giương buồm đón gió là băng băng ra khơi.
Đừng vội vàng nhìn lên bầu trời mà hãy nhìn xuống mặt đất để xem mình đang đứng ở đâu.
Đi tìm "minh chủ"
Xung quanh câu chuyện trải nghiệm thất bại và học cách nhẫn nhịn, còn một điều mà bạn rất cần trong cuộc sống, đó là tìm kiếm một người dẫn đường đúng đắn. Đó không cần phải là một vĩ nhân trong kinh doanh, được ghi tên vào sách vở. Chỉ đơn giản là giám đốc của công ty bạn làm, chủ cửa hàng café mà bạn đang là phục vụ…
Tôi tạm gọi đó là minh chủ, khi bạn theo đuổi con đường của mình, và muốn tích lũy kinh nghiệm, vậy hãy nhìn chính kinh nghiệm của người đang trả lương cho bạn.
Đôi khi không cần phải vượt trội, chỉ cần làm được đúng như những gì người đi trước đã thành công thì cơ hội đã đến ngay dưới chân. Với suy nghĩ của riêng mình, cùng với những bài học tự học được của người "minh chủ" ấy, con đường mà bạn đi hoàn toàn có cơ sở để bứt phá.
Bạn có thể không thành công khi chạm ngưỡng 30. Nhưng đừng vội vàng cho mình là kẻ thua trận. Một kẻ thất bại thực sự là không dám đứng lên để tiếp tục cuộc chiến trước mắt.
Tích lũy cho mình đủ kiến thức, kinh nghiệm, đủ tinh tế và tỉnh táo để nhìn ra thời cơ rồi nắm bắt. Thành công ở tuổi 40 cũng không phải là muộn với một người đàn ông. Hãy trở thành một "người thất bại ưu việt".